PMI tháng 2 tiếp tục tăng nhẹ, đạt 51,6 điểm
Theo IHS Markit, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng từ 51,3 điểm tháng 1 lên 51,6 điểm trong tháng 2, cho thấy sự cải thiện của các điều kiện kinh doanh. Sức khỏe lĩnh vực sản xuất đã mạnh lên trong ba tháng liên tiếp.
- 01-03-2021Nikkei: Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưu tiên của các quỹ đầu tư khi dòng vốn chảy ra từ Myanmar
- 28-02-2021Hơn 2 tỷ USD đổ vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong 2 tháng đầu năm
- 28-02-2021Gần 29 nghìn lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong hai tháng đầu năm
- 28-02-2021Cảng Quốc tế Long An dự kiến được mở rộng quy mô vào năm 2023
Theo số liệu mới công bố của IHS Markit, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 của Việt Nam tăng 0,3 điểm lên mức 51,6 điểm so với tháng trước, với những tín hiệu tích cực như số lượng đơn đặt hàng mới được duy trì, sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng đều tăng. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận PMI tăng điểm.
Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng gia tăng kéo theo nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp tích cực. Trong đó, số đơn đặt hàng mới đã tăng đến nay là tháng thứ 6 liên tiếp. Tổng lượng đơn hàng mới cũng tăng theo đà của đơn hàng xuất khẩu mới cho thấy sức cầu từ thị trường bên ngoài đã được cải thiện. Bên cạnh đó, việc sản xuất được cải thiện khiến nguyên liệu tồn kho giảm, người lao động cũng có nhiều việc làm hơn để đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao.
Song, hoạt động sản xuất vẫn gặp khó khăn trong việc vận chuyển, giao hàng và chi phí tăng cao, đặc biệt là vận tải quốc tế. Việc này cũng là nguyên nhân khiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh trong tháng 2, mức tăng nhanh nhất trong lịch sử 10 năm khảo sát PMI. Để cân bằng chi phí đầu vào, nhà sản xuất đã tăng giá thành tương ứng vào thành phẩm tuy nhiên mức tăng này vẫn nhẹ và thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Báo cáo của IHS Markit cho hay, niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm 3 tháng liên tiếp vào tháng 2, mức thấp nhất kể từ 8/2020. Tâm lý kinh doanh được cho là bị chịu ảnh hưởng từ những lo ngại về tác động tiếp theo của đại dịch Covid-19. Nhìn chung, các nhà sản xuất vẫn lạc quan với hy vọng dịch Covid-19 được kiểm soát trong năm tới.
Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, ông Andrew Harker nhận định: "Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát nhanh chóng dịch Covid-19 và nếu lần này tiếp tục thành công, chúng ta hy vọng thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng. IHS Markit dự báo sản xuất công nghiệp tăng 6,8% trong năm nay".