MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Porsche đổ 2 nghìn tỷ làm xăng từ khí trời: Xe nào cũng chạy được nhưng bán giá này đi xe điện vẫn kinh tế hơn

08-10-2023 - 07:36 AM | Lifestyle

Porsche là một trong những hãng xe đi đầu trong việc tổng hợp xăng từ CO2 trong không khí, giúp xe xăng tiếp tục tồn tại.

Xu hướng dịch chuyển sang xe điện đã rất rõ ràng trên thế giới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày một trầm trọng hơn. Một trong những biện pháp bảo vệ môi trường mà giới lãnh đạo nhiều quốc gia và khu vực lựa chọn là thúc đẩy sử dụng xe điện và hạn chế rồi cấm xe sử dụng động cơ đốt trong.

Tuy nhiên, Porsche và các đối tác của mình đang nghiên cứu để sản xuất một loại "xăng xanh" có thể giúp những cỗ xe sử dụng động cơ đốt trong thông thường có thể lăn bánh mà không hủy hoại môi trường.

Porsche đổ 2 nghìn tỷ làm xăng từ khí trời: Xe nào cũng chạy được nhưng bán giá này đi xe điện vẫn kinh tế hơn - Ảnh 1.

Porsche và đối tác đã nghiên cứu ra loại xăng thân thiện với môi trường. Ảnh: Autocar

Từ năm 2020, Porsche đã nhiều lần nhắc đến loại xăng thân thiện môi trường (nguyên văn: eFuel; tạm dịch: xăng xanh). Theo CNBC, tới nay thì Porsche đã đầu tư hơn 100 triệu USD (hơn 2,4 nghìn tỷ đồng) để nghiên cứu và phát triển loại xăng xanh mà họ nhắc tới.

Loại xăng này không được khai thác như loại xăng hóa thạch mà ta vẫn dùng thường ngày. Porsche sản xuất loại xăng xanh này bằng CO2 có trong không khí. Quá trình sản xuất ra loại xăng này cũng được tính toán để giảm phát thải CO2 tối đa, khiến cho việc sử dụng gần như không phát thải thêm CO2 vào khí quyển, tức thân thiên với môi trường.

Cuối tháng 12 năm ngoái, những lít xăng đầu tiên này đã chính thức được sản xuất. Tại buổi công bố, Porsche đã mang tới một chiếc xe thể thao Porsche 911, nạp vào những lít nhiên liệu này và phô diễn khả năng lái để cho thấy rằng không có sự khác biệt nào giữa xăng xanh và nhiên liệu hóa thạch.

Porsche sản xuất loại xăng này tại nhà máy Haru Oni ở Chile cùng với nhiều công ty lớn trong ngành năng lượng, trong đó có Siemens Energy, Enel, ExxonMobil, Gasco... Đơn vị phát triển và đảm nhiệm chính cho dự án này là Highly Innovative Fuels (HIF).

Porsche đổ 2 nghìn tỷ làm xăng từ khí trời: Xe nào cũng chạy được nhưng bán giá này đi xe điện vẫn kinh tế hơn - Ảnh 2.

Thùng xăng xanh bên cạnh chiếc Porsche 911 màu xanh trong buổi ra mắt.

Để làm được loại nhiên liệu này, CO2 sau khi thu được từ không khí sẽ kết hợp với khí hydro mà nhà máy tạo ra nhờ điện phân nước (điện sử dụng cho quá trình này là điện gió, hydro được sản xuất theo cách này được gọi là hydro xanh). Hydro và CO2 sau đó sẽ trải qua phản ứng tổng hợp để tạo ra methanol. Sản phẩm này sau đó sẽ được xử lý tiếp để tạo ra xăng xanh.

Loại xăng xanh này tuy có nguồn gốc và cách khai thác khác với xăng hóa thạch, nhưng về bản chất thì có công thức hóa học tương tự nhau, thậm chí có thể được xử lý để sử dụng làm nhiên liệu hàng không.

Xăng xanh do Porsche và các đối tác tạo ra có thể được sử dụng trên động cơ đốt trong ngày nay mà không cần biến đổi gì. Nếu như có thể sản xuất ở quy mô lớn, loại xăng này hoàn toàn có thể được bán tại các trạm xăng như hiện tại.

Porsche đổ 2 nghìn tỷ làm xăng từ khí trời: Xe nào cũng chạy được nhưng bán giá này đi xe điện vẫn kinh tế hơn - Ảnh 3.

Toàn cảnh nhà máy tổng hợp xăng xanh Haru Oni tại Chile. Ảnh: HIF

Nhà máy Haru Oni thực ra mới bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm nay. Ban đầu, họ đã sử dụng khí CO2 từ nhiên liệu sinh khối Biomass, nhưng sắp tới sẽ thu CO2 bằng thiết bị thu từ không khí. Cách làm này sẽ cắt bớt lượng CO2 phát thải trong quá trình xử lý sinh khối. Cách thu CO2 trực tiếp cũng có lợi hơn vì có thể lắp đặt ở bất cứ đâu và có thể mở rộng công suất một cách dễ dàng, giúp sản xuất nhiều xăng xanh hơn.

Bước đầu tiên trong việc tách chiết CO2 từ không khí là lọc bỏ tạp chất như bụi, đất. Sau đó, không khí sẽ đi qua một tấm lọc mà sẽ giữ CO2 lại. Tiếp theo, người ta sẽ chiết xuất CO2 bằng cách nung nóng tấm lọc mà sản phẩm phụ của quá trình chỉ có nước.

Toàn bộ điện năng phục vụ quá trình sản xuất sẽ do tua-bin điện gió có công suất 3,4 GW của Siemens Gamesa cung cấp. Thiết bị điện phân của Siemens Energy sẽ điện phân nước thành khí oxy và hydro. Nhiệt từ quá trình điện phân cũng sẽ được sử dụng trong quá trình chiết xuất khí CO2.

Porsche đổ 2 nghìn tỷ làm xăng từ khí trời: Xe nào cũng chạy được nhưng bán giá này đi xe điện vẫn kinh tế hơn - Ảnh 4.

Porsche từng nhiều lần giới thiệu về loại xăng xanh này.

Nhiên liệu tổng hợp sau quá trình sản xuất (xăng xanh) vẫn chứa các-bon, sau đó sẽ thải ra môi trường khi động cơ đốt cháy nhiên liệu. Tuy nhiên, vì các-bon ở đây được lấy từ môi trường chứ không phải từ nguồn nhiên liệu hóa thạch, nên việc thải ra môi trường không làm tăng thêm CO2 hay các-bon, vì thế mà thân thiện với môi trường và có thể tái tạo được.

Trên thực tế, nhiều dự án thu giữ CO2 từ không khí đã hoạt động ở một vài nơi trên thế giới. Ngoài sản xuất nhiên liệu thân thiện với môi trường như tại nhà máy Haru Oni, khí CO2 này còn có thể được dùng để chế tạo nhựa xanh - loại nhựa không có nguồn gốc từ hóa thạch.

Trong Nghiên cứu Tác động Môi trường của Viện Potsdam (Đức) công bố đầu năm nay, dù rằng xăng xanh của dự án này có tiềm năng lớn, nhưng nhiều khả năng vẫn sẽ chỉ được sử dụng ở quy mô nhỏ.

Nghiên cứu ước tính rằng chi phí cho mỗi lít nhiên liệu sẽ bằng 43 bảng Anh, tương đương gần 1,3 triệu đồng/lít; ngay cả khi sản xuất ở quy mô công nghiệp thì giá mỗi lít vẫn sẽ bằng hai lần giá xăng mua vào hiện tại.

Porsche nhiều lần cho biết rằng loại nhiên liệu này có thể sử dụng trên các loại động cơ đốt trong hiện tại, nhưng với mức giá này, có lẽ nó chỉ phù hợp với một nhóm khách hàng nhất định, hoặc sử dụng trong các môn thể thao đua xe; còn với nhóm người dùng phổ thông, các phương tiện khác như xe điện có lẽ vẫn sẽ là phương án hợp túi tiền hơn cả.

Theo Nhật Quỳnh

Phụ nữ mới

Trở lên trên