Project 1794: Dự án phát triển đĩa bay bí mật của Hoa Kỳ!
Vào những năm 1950, một nhóm kỹ sư nhỏ bắt đầu thực hiện một chương trình bí mật có tên là Project 1794 nhắm phát triển một phương tiện siêu thanh (đĩa bay) được thiết kế để bắn hạ máy bay ném bom của Liên Xô.
- 30-12-20216 sai lầm kinh điển mà nhà đầu tư nào cũng mắc phải khi 'vung tiền' vào thị trường
- 30-12-2021Mỹ xuất khẩu một thứ nhiều nhất thế giới nhưng nước nào cũng “chê”: Chúng tôi không phải bãi rác của Mỹ!
- 30-12-2021Rùng mình câu chuyện bé gái suýt chết vì nghe theo loa thông minh của Amazon
Vào tháng 9 năm 2012, Michael Rhodes, một kỹ thuật viên tại Trung tâm Phân loại Quốc gia Hoa Kỳ (NDC) đã được chọn để làm người công bố công khai một tài liệu quan trọng - "Báo cáo Tóm tắt Phát triển Cuối cùng của Dự án 1794 ngày 2 tháng 4 - ngày 30 tháng 5 năm 1956".
Công việc của Rhodes là đọc những tài liệu đó, lập danh mục và cung cấp chúng cho các nhà sử học, nhà báo và những người tò mò.
Anh nhanh chóng nhận ra rằng hộp đựng tài liệu rất bất thường. Rhodes nói: "Khi đang xử lý tập tài liệu, tôi nhìn thấy biểu tượng đĩa bay màu đỏ kỳ lạ này ở các góc". Bên trong chiếc hộp là vô số điều kỳ lạ: sơ đồ hình cắt của máy bay hình đĩa, biểu đồ thể hiện hiệu suất lực kéo và lực đẩy ở tốc độ hơn Mach 3 (1.029 m/s), ảnh đen trắng về hình dạng Frisbee trong đường hầm gió siêu thanh. Biểu tượng một chiếc đĩa bay trên một mũi tên màu đỏ - phù hiệu ít được biết đến trong thiết kế hàng không. Và những thứ đang hiện ra trước mắt của Rhodes là các hồ sơ bị mất của một chương trình đĩa bay được phát triển cho Không quân Mỹ (USAF) trong những năm 1950.
Neil Carmichael, giám đốc bộ phận rà soát giải mật tại NDC, cho biết: "Trong Chiến tranh Lạnh, Lục quân, Không quân và Hải quân của Hoa Kỳ đã thử nghiệm đủ thứ. Khi NDC phát hành các tài liệu đã được giải mật của mình, Dự án 1794 được cho là tài liệu giật gân nhất từ trước cho tới nay".
Theo đó, một công ty hàng không Canada - Avro Aircraft (Avro Canada) bắt đầu phát triển máy bay hình đĩa cho quân đội Mỹ vào giữa những năm 1950, tài liệu này đề cập đến tàu "bay thẳng đứng, tốc độ cao" của Không quân vào năm 1956 và xuất bản một vài bức ảnh vào năm 1960 trước khi dự án này chính thức bị đình chỉ. Trong văn hóa đại chúng, đĩa bay luôn được coi là biểu tượng của người ngoài Trái Đất. Tuy nhiên, những gì mà các tài liệu được Rhodes công bố lại cho thấy chúng thực sự đến từ Ontario, Canada. Đó là nơi mà những kỹ sư hàng không có tầm nhìn xa tại Avro Canada đã thực sự chế tạo ra đĩa bay - Avro Canada VZ-9 Avrocar.
Trước đó, Avro Canada đã thuê John "Jack" Frost vào năm 1947, và khai thác tài năng của người đàn ông 32 tuổi này cho chương trình phát triển một chiếc máy bay siêu thanh có tên là Avro Arrow. Trong khi làm việc trên chương trình Arrow program, Frost đã tiến hành các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm Avro về cách luồng không khí có xu hướng dính vào các bề mặt cong nhẹ và sinh ra một hiện tượng gọi là hiệu ứng Coandă. Kết quả cho thấy, khí thải của động cơ có thể được chuyển qua thân máy bay đến khu vực ngay bên dưới đĩa đệm, nơi nó sẽ tạo thành một lớp đệm không khí mà chiếc tàu có thể bay lơ lửng trên đó.
Hiệu ứng Coandă là một loại tính chất của dòng chất lưu khi nó tiếp xúc với bề mặt lồi. Tính chất được đặt tên theo sau nhà phát minh người România Henri Coandă. Coandă là người đầu tiên phát hiện ra ứng dụng thực tiễn của hiệu ứng và là tiền đề cho sự phát triển của máy bay cũng như máy điều hòa sau này.
Sau khi Frost nói về kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của mình với Omond Solandt, người đứng đầu Ban Nghiên cứu Quốc phòng Canada, theo đó, năm 1952, chính phủ Canada cấp vốn ban đầu nhưng đã bỏ dự án khi nó trở nên quá đắt đỏ.
Sau đó, Avro Canada đã đề xuất dự án này với chính phủ Hoa Kỳ, và Lục quân, Không quân Hoa Kỳ đã tiếp quản nó vào năm 1958. Tuy nhiên mục đích của dự án này lại có một chút thay đổi: Quân đội muốn sử dụng nó như một phương tiện trinh sát và vận chuyển quân cận âm, có thể hoạt động ở mọi địa hình, nhưng Không quân Mỹ muốn một chiếc máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) có thể bay lơ lửng dưới radar của đối phương sau đó phóng lên tới tốc độ siêu thanh. Các nhà thiết kế của Avro tin rằng họ có thể đáp ứng cả hai yêu cầu này, nhưng hai nhóm yêu cầu này khác nhau quá nhiều.
Theo đó, thiết kế của Frost về một chiếc máy bay hình đĩa đã được trình bày chi tiết trong một bản báo cáo dài 117 trang - cùng một tài liệu cuối cùng đã được NDC khám phá. Chiếc tàu được đề xuất có một tuabin trung tâm, được gọi là turborotor, được cung cấp bởi sáu động cơ tuốc bin phản lực. Động cơ turborotor hút không khí được dẫn qua thân máy bay. Khí thải thoát ra từ các lỗ thông hơi đặt dọc theo chu vi của đĩa nhôm; các cánh gạt và cửa chớp hướng ống xả về phía mặt đất để bay lơ lửng.
Các kỹ sư dự đoán rằng lực đẩy 20.000 pound (hơn 9 tấn) do ống xả của máy bay phản lực tạo ra có thể hướng xuống xung quanh chu vi của đĩa. Báo cáo cho biết: "Cấu hình máy bay phản lực xung quanh cánh này tạo ra một đệm cất cánh mạnh mẽ để lực nâng trên máy bay có thể tăng lên hàng chục tấn". Khi đã ở trên không, phi công của chiếc đĩa bay sẽ điều hướng ống xả sang một bên để di chuyển. Frost dự đoán chiếc đĩa sẽ di chuyển với vận tốc Mach 4 và độ cao tối đa có thể đạt được là hơn 30 km. Vơi những tiềm năng này, Không quân và Lục quân đã đồng ý tài trợ cho các nguyên mẫu, và Avro đã nhờ Frost thiết lập một cơ sở bí mật để xây dựng và thử nghiệm. Nhóm dự án đặc biệt (SPG) được đặt tại nhà máy Avro ở Malton, Ontario, phía tây bắc Toronto.
Dữ liệu nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng cánh tròn có thể đáp ứng yêu cầu của cả Lục quân và Không quân, và Avro đã chế tạo hai phương tiện thử nghiệm nhỏ để chứng minh thiết kế của mình. Các thử nghiệm với các mô hình tỷ lệ tại Wright-Patterson AFB, Ohio, chỉ ra rằng đệm không khí bên dưới Avrocar sẽ trở nên không ổn định chỉ cách mặt đất khoảng 1 m. Đồng thời đĩa bay cũng không có khả năng đạt tốc độ siêu thanh, nhưng quá trình thử nghiệm vẫn được tiến hành để xác định xem liệu có thể phát triển một loại máy bay phù hợp cho Quân đội hay không.
Nguyên mẫu đầu tiên - Avrocar 58-7055 sau đó đã được gửi đến Trung tâm nghiên cứu National Aeronautics and Space Administration (NASA) tại Moffett Field, California để kiểm tra trong đường hầm gió siêu thanh xem đĩa bay có đủ điều khiển cho chuyến bay tốc độ cao hay không. Tuy nhiên, các đợt kiểm tra cho thấy, việc kiểm soát ổn định khí động học của đĩa bay rất khó khăn. Dòng khí nóng của động cơ luẩn quẩn phía dưới khiến cấu trúc khung dễ bị biến dạng do nhiệt độ.
Đến tháng 4/1961, các chuyến bay thử nghiệm được nối lại sau nhiều lần cải tiến thiết kế. Ở lần thử nghiệm này, đĩa bay đã đạt được tốc độ tối đa khoảng 190 km/h, nhanh hơn 3 lần so với tốc độ chỉ 56 km/h trước đó nhưng các kỹ sư vẫn không thể kiểm soát ổn định khí động học của đĩa bay, theo đó Lầu Năm Góc chính thức ngưng tài trợ kinh phí cho dự án này.
Theo một số nguồn tin, tổng số tiền mà Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi cho dự án này lên đến 10 triệu USD, tương đương khoảng 80 triệu USD hiện nay. Mặc dù Project 1794 đã thất bại, nhưng dự án này vẫn đã tạo tiền đề cho sự phát triển của các tàu khí đệm về sau. Các nguyên mẫu của 2 chiếc Boeing YC-14 và McDonnell Douglas YC-15 sau này đều dựa trên các nghiên cứu của dự án. Đặc biệt, hệ thống quạt nâng trung tâm của phiên bản F-35B cất cánh thẳng đứng được cho là cũng đã ứng dụng một số công nghệ từ chương trình.
Trí thức trẻ