PSI: Nếu VN30 hoặc nhóm cổ phiếu ngân hàng quay lại hút dòng tiền, VN-Index có thể lên 1.410 – 1.440 điểm
Theo PSI, vai trò của nhà đầu tư nội đang trở nên quan trọng hơn nên hoạt động mua/bán của khối ngoại ít ảnh hưởng tới xu hướng chung cũng như thị giá của các cổ phiếu trong top giao dịch.
Công ty chứng khoán Dầu khí (PSI) vừa công bố báo cáo chiến lược quý 4/2021, dự báo 2 kịch bản cho VN-Index quý 4/2021, trong đó với kịch bản khả quan, mục tiêu của chỉ số là khu vực 1.380 – 1.400 điểm.
Vai trò của nhà đầu tư nội đang trở nên quan trọng hơn, khối ngoại giảm tác động
PSI thống kê, kể từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực khi hầu hết các thị trường đều tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Đặc biệt chỉ số S&P500 của TTCK Mỹ ghi nhận tăng 19,38% kể từ đầu năm 2021. Ngược lại, TTCK Trung Quốc lại ghi nhận sự điều chỉnh trong thời gian gần đây sau khi ghi nhận sụt giảm 15% từ đỉnh, so với đầu năm TTCK Trung Quốc giảm 1,93%.
Sau cuộc họp mới nhất kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức thấp gần nhất trong lịch sử, nhưng phát đi thông báo đầu tiên về chính sách lãi suất và kích thích kinh tế sắp tới. Theo đó, mức lãi suất tham chiếu hiện tại vẫn ổn định trong phạm vi từ 0% đến 0,25%. Việc nâng lãi suất dự kiến sẽ được thực hiện nhưng sẽ diễn ra rất chậm, dự kiến lên 1% vào 2023 và 1,8% vào 2024.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng về cả chất và lượng với sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư trong nước.
Tổng giá trị giao dịch trung bình 9 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 20.800 tỷ đồng/phiên tương ứng tăng 294% so với cùng kỳ năm 2020. Thanh khoản tăng vọt nhờ sự tham gia mới của nhà đầu tư nội với hơn 957 nghìn tài khoản mở mới trong khi cả năm 2020 chỉ 393 nghìn tài khoản.
Chỉ số VN-Index là một trong những ngôi sao sáng trên thế giới với mức tăng 21,6% kể từ đầu năm. Đặc biệt, thanh khoản thị trường trước đó đã thiết lập kỷ lục mới vào phiên 20/8/2021 với giá trị giao dịch đạt 38.075 tỷ đồng, khối lượng giao dịch gần 1,2 tỷ đơn vị.
Theo đánh giá của PSI, khối ngoại gia tăng quy mô bán ròng trong tháng 9 do tình hình khó lường của dịch bệnh. Hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi giãn cách xã hội, số ca nhiễm mới tăng theo ngày và số ca tử vong liên tục duy trì ở mức cao ở Việt Nam khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.
"Tuy nhiên, vai trò của nhà đầu tư nội đang trở nên quan trọng hơn nên hoạt động mua/bán của khối ngoại ít ảnh hưởng tới xu hướng chung cũng như thị giá của các cổ phiếu trong top giao dịch" – CTCK Dầu khí nhấn mạnh.
Hệ số lây nhiễm < 1 là tiền đề cho hoạt động kinh tế được khôi phục
Kể từ khi dịch bùng phát từ đầu 2020 tính đến hết ngày 22/9, Việt Nam đã ghi nhận 718.910 ca nhiễm, 487.262 người khỏi bệnh, 213.923 bệnh nhân đang điều trị và 17.781 ca tử vong. 7 ngày qua, tổng số ca nhiễm trên cả nước giảm 8.641 ca và tổng số bệnh nhân tử vong giảm 466 người so với giai đoạn 7 ngày liền trước đó.
Chỉ sau gần 2 tháng đẩy mạnh triển khai tiêm chủng vắc xin kể từ đầu tháng 8 tới nay, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng mũi 1 cho 22.989.525 người. Đặc biệt trong đó tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ tiêm chủng cho người trên 18 tuổi đạt lần lượt là 99,8% và 97,5% với tổng số liều vắc xin đã được triển khai đạt hơn 15,3 triệu liều.
Các thành phố trọng điểm như Hà Nội, Hồ Chí Minh đã được phủ vaccin mũi 1 gần 100% cho người dân và tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát (hệ số lây nhiễm < 1) là tiền đề cho hoạt động kinh tế được khôi phục
Với tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, tỷ lệ phủ mũi 2 tiêm tại các thành phố lớn tiến tới trên 90% khi vaccine về nhiều trong các tháng còn lại trong năm, PSI kỳ vọng việc nới lỏng giãn cách một cách thận trọng sẽ diễn ra từ quý 4. Đồng thời các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được mong đợi sẽ kích hoạt một quá trình hồi phục kinh tế mới khi mà cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nới lỏng đều còn dư địa do lạm phát được kiểm soát trong mục tiêu 4%.
Mặc dù vậy, đà ảnh hưởng đến nền kinh tế của làn sóng Covid-19 vẫn còn kéo dài khiến các tỉnh thành chưa thể quay trở lại hoạt động giao thương bình thường và xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể khiến triển vọng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn khó có thể bứt phá mạnh. Quan sát của PSI cho thấy, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn sau nhịp điều chỉnh tháng 7 – 8. Hiện tại, định hướng và kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế có thể là chỉ báo của thị trường. Mặc dù vậy, khi số ca nhiễm vẫn đang duy trì ở mức cao, đồng thời thị trường chứng khoán cần thêm các phiên xác nhận xu hướng.
Hai kịch bản của VN-Index
Số liệu PSI tổng hợp từ nguồn Bloomberg cho biết, thị trường Việt Nam được định vị ở vùng định giá hợp lý với mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội (16,1%). Ngoài ra, mức EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) cũng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2021, dù triển vọng nửa cuối năm kém lạc quan hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Kịch bản 1 - Khả quan: Định hướng và lộ trình mở cửa lại nền kinh tế được Chính phủ cụ thể hóa, tâm lý nhà đầu tư lạc quan. Nhịp điều chỉnh được xác nhận kết thúc khi chỉ số VN-Index phá vỡ thành công kháng cự 1.350 điểm, cùng với khối lượng lớn, khi đó mục tiêu tiếp theo của chỉ số là khu vực 1.410 – 1.440 điểm. Tín hiệu để kịch bản này diễn ra là chỉ số VN30 hoặc phần lớn các cổ phiếu vốn hóa trụ cột thu hút dòng tiền trở lại sau các tín hiệu cân bằng trong những phiên gần đây.
Kịch bản 2 - Thận trọng: Việc thị trường tài chính thế giới lao đao trước những thông tin Chính phủ Trung Quốc bỏ ngỏ khả năng Tập đoàn Evergrande có nhiều khả năng phá sản với món nợ 300 tỷ USD, TTCK trong nước ít nhiều sẽ phải chịu tác động. Nhiều khả năng chỉ số của thị trường sẽ quay trở lại tích lũy trong một biên độ hẹp tại vùng điểm 1.310 – 1.370 điểm. Tín hiệu của kịch bản sẽ xuất hiện khi trong những phiên cuối cùng của tháng 9, TTCK Việt Nam vẫn duy trì hỗ trợ 1.310 điểm.