PSI: TTCK tiếp tục là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất với NĐT cá nhân
Trong Báo cáo chiến lược mang tên Động lực mới – Đỉnh cao mới vừa công bố của CTCK Dầu khí (PSI), các chuyên gia đánh giá, với kỳ vọng nền kinh tế quay trở lại “bình thường mới”, EPS toàn thị trường được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 24,3% trong năm 2022 và đây sẽ là yếu tố nền tảng cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Những yếu tố cơ sở của TTCK 2022
Ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm phân tích của PSI cho rằng: "TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư cá nhân nhờ yếu tố dễ tiếp cận từ số hóa công nghệ cũng như hàng loạt sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu khi hệ thống giao dịch chứng khoán mới đi vào hoạt động".
Theo ông Tuấn, số lượng tài khoản chứng khoán Việt Nam mới chỉ đạt 4% dân số cho đến cuối 2021, dư địa phát triển hiện tại là còn rất lớn trong các năm tới. Việt Nam đang bước vào giai đoạn hình thành tầng lớp trung lưu với dự báo 23,2 triệu người vào năm 2030 - xếp hạng thứ bảy trong số chín quốc gia có dân số trung lưu tăng nhanh nhất trong thập kỷ tới.
"Tăng trưởng nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam bây giờ mới bắt đầu, khi mà phần lớn các nhà đầu tư cá nhân đều nằm ở tầng lớp trung lưu với nhu cầu về đầu tư tích lũy tài sản thay vì chỉ là vấn đề cơm áo hàng ngày" – Giám đốc TTPT của PSI nhận định.
Ông Tuấn cũng kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được công bố nâng hạng lên nhóm Thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường hằng năm vào tháng 9 năm 2022. Bên cạnh đó khi hệ thống giao dịch mới (KRX) được hoàn thành đưa vào vận hành trong nửa đầu năm 2022, nhiều khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách theo dõi cũng như hoàn tất công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market) của MSCI trong kỳ đánh giá thường niên vào tháng 5/2024.
Với triển vọng thị trường như vậy, nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu thuộc nhóm ngành nào?
Báo cáo chiến lược của PSI đã đưa ra luận điểm cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ đến từ các yếu tố:
- Hưởng lợi từ giá hàng hóa: Ngành Dầu khí, Ngành Điện;
- Hưởng lợi từ đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng: Ngành Bất động sản khu công nghiệp, Ngành Xây dựng hạ tầng;
- Số hóa nền kinh tế: Ngành Công nghệ, Viễn thông, Ngành Logistics nội địa;
- Cầu nội địa hồi phục: Ngành Dược phẩm, Ngành Bán lẻ, Ngành Hàng tiêu dùng và một số ngành khác sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp như Ngân hàng, Chứng khoán, Bảo hiểm
Danh mục khuyến nghị của CTCK này gồm 19 mã cổ phiếu:
Ngành Dầu khí: Xu hướng mới
PSI đánh giá ngành Dầu khí với câu chuyện "Xu hướng mới – Nhu cầu tiêu thụ LNG bắt đầu được đẩy mạnh".
Dự báo về giá các loại nhiên liệu, PSI nâng giá dầu Brent trung bình cơ sở lên mức trung bình 75 USD/thùng do nguồn cung tăng chậm trong khi nhu cầu dự báo có thể hồi phục về mức trước dịch Covid - 19 trong năm 2022. Với việc giá dầu neo cao, PSI kỳ vọng nhu cầu hoạt động thăm dò, khai thác sẽ được mở rộng. Qua đó giúp hỗ trợ đơn giá cao hơn với các hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan, kho nổi và xây lắp công trình biển.
Về LNG, đây được đánh giá là nguồn năng lượng cho kinh tế phát triển. Quy hoạch điện VIII hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước… và sẽ được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG thân thiện hơn với môi trường.
Với dự báo giá dầu Brent neo ở mức cao trong năm tới, PSI dự báo giá khí trung bình đạt 7,9 USD/mmBTU trong năm 2022 và kỳ vọng giá khí LNG sẽ dần hạ nhiệt trở lại từ cuối 2023.
Trong khi đó, ở ngành Lọc Hóa Dầu, PSI kỳ vọng Crack Spreads sẽ duy trì ổn định trong năm 2022 nhờ nền kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ kích thích nhu cầu sản phẩm. Đặc biệt, thị trường dầu nhiên liệu cũng được hưởng việc là nhiên liệu khả thi thay thế trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên và than đá cao kỷ lục. Ngoài ra, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc bởi các chính sách đối với mục tiêu phát thải thấp hơn có thể làm giảm công suất các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, làm khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Mặc dù vậy, nhiều khả năng áp lực cạnh tranh tại thị trường trong nước sẽ căng thẳng hơn từ cả 2 phía. Về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng trưởng chậm dần bởi nỗ lực hạn chế dần phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn và sự thay thế các phương tiện động cơ điện. Trong khi về phía nguồn cung, dự án Long Sơn dự kiến đi vào vận hành trong 2023 với công suất 1,6 triệu tấn/năm sẽ bổ sung thêm nguồn cung xăng/dầu nội địa.
Ngành điện: Nhiệt điện giành lại ưu thế
Sản lượng điện năm 2022 được PSI dự báo là sẽ tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2021 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và kỳ vọng dịch Covid sẽ được kiểm soát bằng các biện khác ngoài giãn cách xã hội. Giá mua điện bình quân trong năm tới cũng sẽ tăng lên do tỷ trọng sản lượng nhiệt điện và năng lượng tái tạo trong hệ thống sẽ lớn hơn trong khi thủy điện giảm xuống khi điều kiện sản xuất không còn quá thuận lợi.
Cụ thể, theo các mô hình dự báo của Viện nghiên cứu quốc tế (IRI) về khí hậu và xã hội cập nhật ngày 19/10/2021, hiện tượng La Nina sẽ chỉ kéo dài tới khoảng hết quý I năm 2022, sau đó khí hậu sẽ chuyển sang trạng thái trung tính. Dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cũng cho thấy lượng mưa phổ biến trên cả nước sẽ thấp hơn TBNN trong giai đoạn sau của mùa khô (T4-T6). Thêm vào đó, các hồ thủy điện trên bậc thang sông Đà có khả năng thiếu nước trong mùa khô đầu năm 2022 làm dấy lên lo ngại về việc thiếu điện tại khu vực miền Bắc.
Trong khi đó, nhiệt điện hồi phục nhanh chóng khi khí hậu chuyển dần sang pha trung tính và El Nino giúp nhiệt điện hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022. Theo đánh giá của PSI, các nhà máy nhiệt điện sẽ được huy động ở mức cao vì tính ổn định và hiệu quả. Nhờ đó, các nhà máy nhiệt điện sẽ chứng kiến kết quả kinh doanh khả quan trong năm sau, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than khi giá than có xu hướng hạ nhiệt sau thời gian tăng mạnh.
Nguồn khí cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện khí trong năm 2022 cũng sẽ được bổ sung nhờ Kho LNG Thị Vải đi vào hoạt động, tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn khí mới cũng sẽ làm tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp của các nhà máy.
PSI đánh giá năng lượng tái tạo chững lại sau thời kỳ bùng nổ. Các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, quan trọng nhất là cơ chế giá FIT đã hết hạn và thời điểm ban hành các cơ chế giá mới cũng không được đề cập khiến các chủ đầu tư không còn mặn mà với việc phát triển các dự án mới. Năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng trong tổng sản lượng điện, tuy nhiên, việc phát triển thêm nguồn điện mới sẽ chững lại cho tới khi các quy định tiếp theo được ban hành.