MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PTGĐ VISAHO: Khác biệt trong Quản lý bất động sản của doanh nghiệp Nhật Bản

11-09-2021 - 08:00 AM | Bất động sản

PTGĐ VISAHO: Khác biệt trong Quản lý bất động sản của doanh nghiệp Nhật Bản

Năm 2015, Công ty Cổ phần VISAHO thành lập với mong muốn cung cấp dịch vụ quản lý BĐS chuyên nghiệp, hướng tới tiêu chuẩn Nhật Bản. Sau 6 năm, VISAHO đang là thương hiệu uy tín được nhiều chủ đầu tư, khách hàng đánh giá cao.

Là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng công ty và cũng là người đồng hành cũng VISAHO suốt 6 năm qua, ông Phạm Tất Thành - Phó TGĐ Công ty Cổ phần VISAHO đã có chia sẻ về những nỗ lực và ấp ủ của lãnh đạo công ty trong định hướng phát triển tương lai.

PTGĐ VISAHO: Khác biệt trong Quản lý bất động sản của doanh nghiệp Nhật Bản - Ảnh 1.

Ông Phạm Tất Thành – Phó TGĐ Công ty Cổ phần VISAHO

Trải qua 6 năm cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam, VISAHO đã có sự chuyển mình như thế nào?

Năm 2015, Công ty Cổ phần VISAHO được thành lập với 4 cổ đông, trong đó có Tập đoàn Sankei Building Nhật Bản và TCT VIGLACERA. Hai năm đầu, VISAHO tập trung vận hành các dự án thuộc cổ đông, mục đích là xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhân sự, từng bước áp dụng quy trình quản lý BĐS của Nhật Bản một cách thực tế tại Việt Nam. Chúng tôi chỉnh sửa dần những quy trình này nhằm phù hợp hơn với văn hóa, phong tục, thói quen, pháp luật của Việt Nam.

Với tính cách cẩn trọng, chu toàn của các nhà đầu tư Nhật Bản, VISAHO không lựa chọn cách phát triển nhanh, "nóng" mà lựa chọn phát triển chậm mà chắc. Đấy là lý do chúng tôi không đặt mục tiêu quản lý quá nhiều dự án BĐS ngay từ đầu.

Các bước triển khai của VISAHO thực hiện bài bản, từ nghiên cứu đến tư vấn, sau đó tiến tới quản lý vận hành. Chúng tôi cũng chủ động lựa chọn đối tác với mục tiêu chất lượng là hàng đầu. Nếu đối tác không cùng mục tiêu, VISAHO sẽ không hợp tác hoặc chủ động ngừng hợp tác nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn Nhật Bản được đưa đến khách hàng một cách trọn vẹn nhất. Bộ máy nhân sự được hoàn thiện và bổ sung mỗi năm. Riêng các nhân sự nhà thầu đều trải qua quá trình chọn lọc, đào tạo từ chuyên gia của VISAHO. Năm 2020, VISAHO mở rộng thị trường tại TP Hồ Chí Minh. Doanh thu hàng năm tăng trưởng bình quân 183%, đây là thành quả cho sự nỗ lực của toàn công ty.

Giữa rất nhiều thương hiệu công ty QLVH, đâu là điều tạo nên sự khác biệt và chiến lược của VISAHO?

Thời gian đầu, các trưởng bộ phận đều là chuyên gia người Nhật, thực hiện chuyển giao kiến thức và công nghệ. Hiện nay, các nhân sự Việt Nam đã vững vàng đảm nhận các vị trí chủ chốt trong công ty. Trong lĩnh vực vận hành, VISAHO đã thiết lập cơ chế Shikumi-cơ chế thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dịch vụ Nhật Bản và Việt Nam.

Ngoài việc trao đổi kinh nghiệm từ công ty mẹ, VISAHO có các buổi họp định kỳ nhằm rút kinh nghiệm các dự án đã và đang quản lý để thay đổi phù hợp. Chúng tôi xây dựng bộ tiêu chuẩn quản lý BĐS riêng, được bổ sung và chỉnh sửa hàng năm. VISAHO liên tục thực hiện cải tiến KAIZEN, lãnh đạo hướng dẫn trực tiếp để các bộ phận chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ với nhau trong công việc. Thành viên Ban giám đốc cũng trực tiếp điều hành dự án để hiểu sát, hiểu đúng công việc, hỗ trợ kịp thời khi cần. VISAHO duy trình hoạt động Chào sáng "Chourei" toàn công ty trong nhiều năm nhằm huy động sức mạnh tập thể.

PTGĐ VISAHO: Khác biệt trong Quản lý bất động sản của doanh nghiệp Nhật Bản - Ảnh 2.

Ban lãnh đạo hướng dẫn trực tiếp để các bộ phận chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ với nhau trong công việc.

Ngành Quản lý vận hành BĐS vẫn là một ngành nghề khá mới tại Việt Nam nên hẳn có nhiều trở ngại?

Quản lý BĐS là một trong những ngành mới nên nhân lực chưa dồi dào, chúng tôi phải đào tạo nhân sự để đáp ứng nhu cầu tại dự án. Hệ thống pháp luật hiện nay trong lĩnh vực này vẫn chưa hoàn thiện đầy đủ. Nên chúng tôi luôn cố gắng giải quyết kịp thời sự cố trong khuôn khổ pháp lý.

VISAHO hướng tới tiêu chuẩn dịch vụ chất lượng Nhật Bản với cách làm phòng ngừa, bằng cách bỏ chi phí phòng ngừa trước để tránh rủi ro có thể xảy ra về sau. Khác với cách làm trước nay tại nhiều chung cư là xử lý "chuyện đã rồi".

Tôi xin lấy ví dụ, các dự án thuộc công ty mẹ tại Nhật Bản quản lý có chi phí bảo dưỡng, bảo trì được tính đến 30 năm. Đến ngày giờ quy định sẽ thay thế thiết bị, chứ không chờ hỏng hẳn mới sửa/thay. Nếu áp dụng nguyên bản kinh nghiệm từ Nhật Bản thì chi phí rất cao. Nên chúng tôi chọn lọc, điều chỉnh để phù hợp với thị trường Việt Nam.

Xin ông chia sẻ tầm nhìn của VISAHO trong tương lai?

Có thể đối với các doanh nghiệp khác thì quan trọng nhất là tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản như VISAHO thì lợi nhuận không phải là mục tiêu hàng đầu. Chúng tôi hướng đến các giá trị nhân văn và hài hòa lợi ích các bên.

VISAHO đã và đang xây dựng được đội ngũ nhân sự tận tâm, là tiền đề cho mục tiêu tạo nên sự khác biệt trong ngành dịch vụ tại Việt Nam, hướng tới tầm nhìn trở thành doanh nghiệp dịch vụ BĐS số 1 Việt Nam với "Năng lực dịch vụ chất lượng cao và chuyên nghiệp".

Xin cảm ơn ông!

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên