PV Power trong cuộc chơi xây trạm sạc xe điện: Hai chaebol đình đám Hàn Quốc bắt tay
Đơn giá sạc trung bình dự kiến khoảng 3.858 đồng/kWh, mức giá tương đương với trạm sạc do Vinfast vận hành và thấp hơn một số đơn vị khác như EverCharge, EV One…
- 24-03-2024Mở app tìm trạm sạc chỉ ra trạm VinFast: Cuộc đua không cân sức và nước cờ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
- 20-03-2024Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong 2 tháng "đổi ngôi" làm CEO VinFast: Mở rộng đến 6 thị trường, dự kiến đầu tư 3,2 tỷ USD xây 2 nhà máy, bỏ tiền túi mở công ty xây trạm sạc
- 15-01-2024Nhờ khoản lợi nhuận khác và cho VinFast đặt trạm sạc, một công ty xăng dầu thoát lỗ
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) mới đây đã cho biết đang nghiên cứu và tiến hành đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện thí điểm đầu tiên.
Theo đó, PV Power đã ký biên bản Thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc. để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam.
Sau thời gian nghiên cứu, đánh giá, PV Power đã quyết định triển khai xây dựng trạm sạc xe điện thí điểm tại số 6 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Trạm sạc nhanh DC có tổng công suất sử dụng 100-120kW. Diện tích đặt trạm khoảng 30-35m2. Trạm sạc gồm 2 cây sạc dạng tủ đứng, có trang bị 2 cổng sạc với công suất từ 50 - 60kW/cổng sạc. Cây sạc có trang bị màn hình hiển thị, thanh toán qua hình thức quét mã QR. Tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng.
Doanh thu sạc điện tính trên sản lượng sạc ước tính và đơn giá sạc dự kiến chia 3 mức đơn giá theo các khung giờ thấp điểm, bình thường và cao điểm. Trong đó, đơn giá sạc trung bình dự kiến khoảng 3.858 đồng/kWh, mức giá tương đương với trạm sạc do Vinfast vận hành và thấp hơn một số đơn vị khác như EverCharge, EV One…
Đối tác nước ngoài của PV Power, EN Technologies Inc. được thành lập vào năm 2003 với sự góp vốn của Samsung SDI và LG Electronics. Năm 2007, công ty nhận được khoản đầu tư 45 triệu USD từ liên doanh Samsung và Ngân hàng IBK (Industrial Bank of Korea). Đến năm 2011, công ty tiếp tục được đầu tư 10 triệu USD từ LG Electronics.
Theo giới thiệu, EN Technologies Inc. hoạt động trong lĩnh vực điện tử công suất và thiết bị đóng cắt điện. Công ty là công ty thứ ba có thể sản xuất và cung cấp nguồn điện plasma bên cạnh những doanh nghiệp Hoa Kỳ và Đức.
Gần đây, EN Technologies Inc. mở rộng hoạt động kinh doanh sang bộ sạc ESS và EV.
Bên cạnh PV Power, một doanh nghiệp nhà nước khác đã tự sản xuất và lắp đặt trạm sạc nhanh cho ô tô điện từ lâu là EVN, thậm chí còn trước khi Vinfast xây trạm sạc.
Theo đó, từ năm 2017, Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nghiên cứu và chế tạo trạm sạc cho xe điện.
Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung đã lắp đặt trạm sạc cho 13 Công ty Điện lực thành viên và hợp tác thử nghiệm trạm sạc xe điện kết nối với hệ thống điện mặt trời với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL).
Theo giới thiệu, trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện do EVN sản xuất có các tính năng: Nhiều chế độ sạc, sạc song song 2 vòi cùng một lúc, thiết kế theo hướng module hóa, hỗ trợ tiêu chuẩn sạc khác nhau, kết nối cổng thanh toán VNPay, quản lý mạng lưới trạm sạc và trạng thái hoạt động.
Trạm sạc của EVN mang dòng điện áp một chiều từ 300-750 V với cường độ tối đa 60 A và công suất đạt 60 kW. Hiệu suất chuyển đổi từ điện lưới sang điện một chiều của trạm lên tới 93%, trong khi hiệu suất chuyển đổi năng lượng ở xe xăng truyền thống khoảng 17-21%.
Trạm sạc được tích hợp bảng hiển thị thông số về tổng lượng pin được nạp và thời gian sạc. Người dùng chỉ cần thao tác chọn bắt đầu quá trình sạc xe. Khi kết thúc, trạm tự động ngắt điện và có thông báo bằng âm thanh. Tùy vào lưu lượng điện còn lại trong pin xe, trạm sạc có thể cung cấp 80% pin trong 30 phút.
Cũng theo giới thiệu, sản phẩm được làm hoàn toàn tại Việt Nam từ khâu gia công như vỏ tủ trạm sạc, phát triển phần mềm, lắp ráp thiết bị, vì vậy giá thành chỉ bằng khoảng 2/3 so với hàng ngoại nhập. 2 trạm sạc cấp 3 tích hợp trong cửa hàng xăng dầu tại thành phố Đà Nẵng đã được vận hành từ tháng 7/2020.
Nhịp sống thị trường