MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PVN đạt 11.369 tỷ lợi nhuận sau 8 tháng, kỳ vọng thị trường dầu sẽ dần hồi phục vào cuối năm 2020

03-09-2020 - 16:42 PM | Doanh nghiệp

Theo PVN, tình hình tiêu thụ sản phẩm sau giãn cách xã hội cũng có đà tăng trở lại nên đã bù đắp một phần vào doanh thu tập đoàn, đặc biệt là tình hình tiêu thụ sản phẩm lọc hóa dầu của BSR, PV Oil và chi nhánh PVNDB trong tháng 6-7.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa tổng kết tình hình kinh doanh tháng 8/2020 với doanh thu 41.613 tỷ, tương ứng LNST hợp nhất gần 1.368 tỷ đồng. Luỹ kế 8 tháng, Tập đoàn đạt hơn 372.308 tỷ doanh thu, theo đó thu về lợi nhuận khoảng 11.369 tỷ đồng. Nộp Ngân sách Nhà nước khoảng 45.000 tỷ đồng.

Chi tiết về sản xuất, 8 tháng đầu năm PVN khai thác được 7,76 triệu tấn quy dầu các loại. Sản xuất đạm ghi nhận gần 1,2 triệu tấn. Sản xuất điện ở mức 14,03 tỷ kWh. Sản xuất xăng dầu đạt hơn 8,2 triệu tấn.

Trong đó, lĩnh vực giảm sản xuất là do các đơn vị thành viên như Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Đạm Cà Mau tiến hành bảo dưỡng nhà máy sản lượng của hai đơn vị này giảm tương ứng với số ngày dừng bảo dưỡng. Ngoài ra, tháng 8 cũng là thời điểm bắt đầu mùa mưa bão nên các đơn vị khai thác dầu khí, sản xuất sản phẩm đều chủ động điều chỉnh giảm công suất về mức an toàn, giảm sản lượng sản xuất để phù hợp với nhu cầu thị trường.

Mặt khác, giá dầu thô xuất bán của PVN trung bình tháng 8 đạt 47,5 USD/thùng, dù tăng khoảng 2,3 USD/thùng so với giá dầu tháng trước nhưng vẫn thấp hơn so với giá dầu kế hoạch năm 2020 là 60 USD/thùng.

Dịch Covid-19 vẫn đang là tác nhân lớn nhất đe dọa làm chậm quá trình phục hồi kinh tế, trong khi đó, căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc được cảnh báo có thể kéo theo một cuộc chiến thương mại mới. Đi cùng một loạt các vấn đề về lạm phát, nợ Chính phủ, lũ lụt ở Trung Quốc… tất cả những nhân tố này tiếp tục là những mối đe dọa thường trực đối với các hoạt động kinh tế, qua đó gián tiếp tác động tiêu cực đến nhu cầu năng lượng, trong đó có các sản phẩm của dầu thô trên thị trường.

Mặc dù vậy, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 cũng đang ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan. Đó là nhiều loại vắc-xin Covid-19 đang được phát triển và dự kiến sẽ được sản xuất thương mại vào đầu năm 2021, qua đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… sẽ giúp tái khởi động, hàn gắn lại chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu… Và chính nhân tố này đang hỗ trợ giá dầu phục hồi trong thời gian gần đây.

Theo Tập đoàn, tình hình tiêu thụ sản phẩm sau giãn cách xã hội cũng có đà tăng trở lại nên đã bù đắp một phần vào doanh thu tập đoàn, đặc biệt là tình hình tiêu thụ sản phẩm lọc hóa dầu của BSR, PV Oil và chi nhánh PVNDB trong tháng 6-7.

Cùng với đó, thị trường dầu mỏ trên thế giới đang có dấu hiệu ấm dần. Theo dự báo của Moody's, giá dầu trung hạn ở mức 45-65 USD/thùng với điều kiện các quốc gia thành viên OPEC+ tiếp tục thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm sản lượng trong vòng ít nhất 2 năm, nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ tăng dần theo nhịp phục hồi kinh tế toàn cầu (phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh Covid-19). Moody’s cảnh báo tình trạng tăng nguồn cung một khi giá dầu thế giới vượt mốc 50 USD/thùng; tuy nhiên, nếu xuất hiện vắc xin hiệu quả dẫn đến phục hồi kinh tế nhanh chóng, giá dầu trong thời gian ngắn có thể vượt lên trên mốc 65 USD/thùng.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên