MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PVOIL lần đầu nói về những trăn trở cổ phần hóa, khẳng định đang xúc tiến thoái vốn Nhà nước xuống dưới chi phối

22-04-2019 - 14:36 PM | Doanh nghiệp

Trước thời điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 - Đại hội của năm đầu tiên PVOIL chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Hội đồng quản trị và Ban Điều hành PVOIL đã có buổi gặp mặt các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán. Tại buổi gặp mặt, nhiều ý kiến đã được nêu ra và phân tích, đánh giá. Trong đó, các vấn đề xoay quanh giá cổ phiếu OIL ở thời điểm hiện tại so với thời điểm IPO, về kết quả kinh doanh năm 2018 và định hướng phát triển của PVOIL trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Ông Cao Hoài Dương – Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc PVOIL cùng Ban Lãnh đạo PVOIL đã thẳng thắn chia sẻ và giải đáp những ý kiến thắc mắc, băn khoăn của nhà đầu tư.

Quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp theo phương án tối ưu

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư: "Tại sao PVOIL không hoàn tất việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược?", hay "Tại sao PVOIL không chuyển sang công ty cổ phần ngay sau khi IPO thành công mà phải đến ngày 30/07/2018 mới tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất?", Ban Lãnh đạo doanh nghiệp giãi bày:

Theo phương án cổ phần hóa PVOIL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ nắm giữ 35,1% vốn điều lệ tại PVOIL, 20% vốn điều lệ bán đấu giá công khai và bán cho nhà đầu tư chiến lược 44,72% vốn điều lệ. Tại phiên đấu giá IPO ngày 25/01/2018, PVOIL đã chào bán thành công toàn bộ hơn 206 triệu cổ phần với giá đấu thành công bình quân là 20.196 đồng/cổ phần.

PVOIL cũng như các nhà đầu tư, các cổ đông, đều mong muốn hoàn thành việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt. Có như vậy, việc cổ phần hóa PVOIL mới đạt kết quả thiết thực, lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông mới được đảm bảo cao nhất.

Chính vì vậy, PVOIL đã rất tích cực, khẩn trương đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược song song với việc triển khai IPO. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chiến lược đều cần có thêm thời gian để thẩm định đầu tư, cũng như đàm phán các điều khoản hợp đồng, vì đây là một thương vụ mua cổ phần rất lớn với giá trị lên đến 450 triệu USD, trong khi quy định của Nhà nước là phải hoàn thành việc bán cổ phần trong vòng 04 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hóa được phê duyệt. Trên cơ sở cam kết của một số nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng đặt cọc để mua cổ phần sau khi thẩm định đầu tư (1 nhà đầu tư Hàn Quốc, 1 Nhật bản và 1 trong nước), PVOIL đã báo cáo Chính phủ xin phép gia hạn thời gian hoàn thành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thêm 03 tháng (đến hết tháng 07/2018); tuy nhiên, đề xuất này đã không được Chính phủ chấp thuận.

Ngay sau khi nhận được văn bản của Chính phủ về việc không chấp thuận gia hạn thời gian hoàn thành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, PVOIL đã nhanh chóng hoàn thành các thủ tục trong vòng 02 tháng để tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất vào ngày 30/7/2018 và chỉ 02 ngày sau đó, ngày 01/8/2018, PVOIL đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Đó là những nỗ lực rất lớn của PVOIL nhằm hướng đến lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông và vì mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp theo phương án tối ưu trong khả năng có thể.

Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của công ty cổ phần (CTCP): bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan

Một vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là kết quả sản xuất kinh doanh của CTCP giai đoạn 5 tháng cuối năm 2018. Theo số liệu báo cáo tài chính đã được kiểm toán, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5 tháng cuối năm của CTCP PVOIL đạt 83 tỷ đồng, chỉ bằng 64% kế hoạch (130 tỷ đồng).

Ông Dương chia sẻ: Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của CTCP thấp là điều mà "chúng tôi canh cánh". Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm gần 50% của giá dầu trong quý IV/2018 (phần lớn giai đoạn PVOIL hoạt động theo mô hình CTCP) đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận 5 tháng của CTCP. Lợi nhuận hợp nhất quý 4 giảm chỉ còn 46 tỷ đồng so với mức lãi 208, 175 và 160 tỷ đồng thực hiện được của 3 quý trước.

Ngoài ra, lợi nhuận 5 tháng của CTCP còn chịu ảnh hưởng bởi các khoản xử lý tài chính khi chuyển từ Công ty TNHH Một Thành viên sang CTCP theo quy định của Nhà nước về cổ phần hóa. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của CTCP bị giảm 87 tỷ đồng (còn 83 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ của CTCP bị giảm 261 tỷ đồng (thành lỗ 187 tỷ đồng) do phải trích lập lại các khoản dự phòng đầu tư tài chính và nợ phải thu khó đòi. Nếu không tính ảnh hưởng của khoản trích lập dự phòng này thì lợi nhuận trước thuế hợp nhất và Công ty mẹ của CTCP đều hoàn thành kế hoạch đã được ĐHĐCĐ lần thứ nhất thông qua.

Nếu tính tổng thể cả năm 2018 (giai đoạn 7 tháng Công ty TNHH Một Thành viên và giai đoạn 5 tháng CTCP), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 589 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch điều chỉnh và bằng 103% so với năm 2017.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019: tiếp tục xúc tiến công tác thoái vốn Nhà nước xuống dưới chi phối

Tại buổi gặp mặt, nhiều nhà đầu tư đã so sánh các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh của PVOIL năm 2019 với thông tin PVOIL đã công bố khi tiến hành IPO. Về việc này, đại diện doanh nghiệp cho biết: Kế hoạch phát triển đột phá sau cổ phần hóa của PVOIL nêu trong Cáo bạch trước đây được xây dựng dựa trên giả định tỷ lệ sở hữu Nhà nước giảm xuống còn 35,1% và PVOIL có được cổ đông chiến lược phù hợp. Cơ cấu sở hữu mới này được kỳ vọng rất lớn là sẽ đem lại cho doanh nghiệp sự linh hoạt và tự chủ hơn trong việc ra quyết định kinh doanh đầu tư cũng như sẽ có được sự hỗ trợ hết sức quan trọng của cổ đông chiến lược trong việc mở rộng thị trường, phát triển hệ thống bán lẻ, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng phi xăng dầu tại các cây xăng… Tuy nhiên, việc lựa chọn cổ đông chiến lược đã không diễn ra như kế hoạch. Điều này làm thay đổi cơ bản các giả định về hoạt động của PVOIL sau cổ phần hóa. Hiện tại, PVOIL vẫn hoạt động với các cơ chế như đối với công ty Nhà nước; chưa có nhân tố mới để tạo sự khác biệt. Chính vì vậy, các chỉ tiêu Kế hoạch năm 2019 đã được Ban lãnh đạo PVOIL xây dựng lại, căn cứ vào điều kiện thực tế, có những điểm khác biệt so với Bản cáo bạch thông tin.

Do đó, trong giai đoạn 2019 - 2020, bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, PVOIL sẽ tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền triển khai công tác thoái vốn Nhà nước xuống dưới chi phối. PVOIL đã trình lên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam "Phương án thoái vốn Nhà nước tại PVOIL"; theo đó, PVOIL đề xuất phương án thoái vốn theo lô với mục tiêu lựa chọn được cổ đông lớn đủ tầm vóc, năng lực và kinh nghiệm đồng hành cùng PVOIL phát triển đột phá sau cổ phần hóa.

Một dẫn chứng sinh động để khép lại câu chuyện cổ phần hóa PVOIL năm 2018 và mở ra những cơ hội mới trong năm 2019: Sau khi không trở thành cổ đông chiến lược của PVOIL, SK Energy đã thu mua một lượng lớn cổ phiếu OIL trên thị trường chứng khoán. Đến ngày 13/11/2018, SK Energy đã có hơn 54,12 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,23% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành và trở thành cổ đông lớn của PVOIL.

Hải An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên