[Q&A] Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam: 10 triệu tỷ đồng lấy từ đâu? 'Tiêu xài' như thế nào?
Tái cơ cấu kinh tế bản chất là phân bố nguồn lực để sử dụng hợp lý hơn, chứ không phải huy động nguồn lực. Con số 10 triệu tỷ đồng mọi người thường đưa ra thực chất là tổng đầu tư xã hội giai đoạn 2016 – 2020, đơn giản hơn, con số rất lớn này chỉ là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
- 31-10-2016Giải mã 10 triệu tỷ đồng trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020
- 31-10-2016Quốc hội bàn kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 10 triệu tỷ đồng
- 26-10-2016450 tỷ USD cho tái cơ cấu kinh tế: “Chính sách tốt cũng cần truyền thông”
Q: Tái cơ cấu kinh tế là gì?
Tái cơ cấu kinh tế là quá trình phân bố lại nguồn lực (trước hết là vốn đầu tư) trên phạm vi quốc gia nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung (bao gồm hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bố).
Hiểu đơn giản, bản chất tái cơ cấu kinh tế là phân bố lại nguồn lực bằng thị trường theo cơ chế thị trường, không phải cơ chế xin - cho phổ biến như hiện nay.
Q: Tại sao phải tái cơ cấu kinh tế?
Cách thức tăng trưởng kinh tế hiện tại là gia tăng số lượng vốn, lao động, khai thác tài nguyên thiên nhiên…, mà không chú ý đến vấn đề dài hạn và những yếu tố của chất lượng tăng trưởng như năng suất lao động , hiệu quả sử dụng vốn.
Với cách thức tăng trưởng như trên, chúng ta đang điều hành tăng trưởng bằng cách sử dụng những công cụ vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng, mà cách đơn giản nhất là tăng đầu tư, bằng cách tăng huy động, tăng đầu tư, tăng tín dụng, đẩy đầu tư giải ngân nhanh...
Với cách điều hành này, chi ngân sách tăng, từ đó buộc phải tăng thu ngân sách . Khi thu trong nước không đủ sẽ buộc phải đi vay, về lâu dài sẽ dẫn đến bất ổn vĩ mô.
Cách điều hành này cũng làm chúng ta quên đi cải cách vì nó luôn ngắn hạn.
Kết quả của cách thức này là trong 30 năm qua, mỗi một thập kỷ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm 1 điểm %.
Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm qua ngày càng giảm mạnh.
Q: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự kiến cần khoảng 10,567 triệu tỷ đồng (tương đương 480 tỷ USD) để tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới. Sao phải dùng tới 10 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu? Số tiền khổng lồ này được dùng vào việc gì?
10 triệu tỷ đồng là con số nói tròn theo giá thực tế. Đó là một con số ước tính về tổng đầu tư xã hội có thể huy động được trong giai đoạn 2016 – 2020 dựa trên những thông số:
- Dự tính tổng đầu tư xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020 từ 32 – 34% GDP, tức khoảng 1/3 GDP
- Lạm phát có thể ở mức khoảng 4%
- Tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%/năm
Với những thông số trên, dự tính tổng GDP theo giá thực tế của năm 2016 – 2020 là khoảng hơn 30 triệu tỷ đồng, như thế tổng đầu tư xã hội cần trong giai đoạn trên bằng 1/3 GDP, tương đương 10 triệu tỷ đồng.
Như vậy, đây không phải con số thể hiện nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế, mà là con số thể hiện tổng đầu tư xã hội dự tính có thể huy động được trong năm 2016 – 2020.
Nói đơn giản, con số 10 triệu tỷ đồng chỉ là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tương tự hoàn toàn như những kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trước đây.
Còn tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì trọng tâm của nó không phải là huy động nguồn lực, mà là phân bố lại nguồn lực để sử dụng nguồn lực một cách hợp lý hơn, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là hiệu quả đầu tư và nâng cao năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của các nhân tố khởi nghiệp vào tăng trưởng GDP .
Q: Nếu tái cơ cấu, nguồn lực sẽ được phân bố thế nào?
Sẽ không còn phân bố nguồn lực theo cơ chế hành chính, xin – cho, mà sẽ chuyển đổi sang cách thức phân bố bởi thị trường và theo cơ chế thị trường.
Như vậy, tái cơ cấu kinh tế nằm ở cải cách kinh tế, và đặc biệt là cải cách để thiết lập một thể chế kinh tế thị trường vận hành tốt hơn, đặc biệt là các thị trường nhân tố sản xuất như thị trường vốn, lao động, đất đai, khoa học công nghệ…
Q: Những điểm chính của đề án tái cơ cấu kinh tế là gì?
2 điểm chính của đề án được đặc biệt nhấn mạnh là Thắt chặt chi tiêu ngân sách nhà nước , và Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Thắt chặt ngân sách: Buộc tất cả cơ quan sử dụng ngân sách, đặc biệt là đầu tư phải lựa chọn dự án đầu tư tốt nhất để phân bổ, tránh đầu tư dàn trải trong dự án và lãng phí như lâu nay.
Tái cơ cấu DNNN: Nếu Nhà nước rút vốn, một mặt tạo cơ hội cho dòng vốn của tư nhân vào trong khu vực doanh nghiệp, mặt khác Nhà nước có thêm vốn để thực hiện nhiệm vụ của mình như xây dựng hạ tầng…
Nếu tái cơ cấu kinh tế theo nghĩa làm cho thị trường vận hành tốt hơn, phát triển hơn, phân bố nguồn lực tốt hơn thì dư địa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không chỉ ở mức 6,5%, mà có thể tăng lên 7,5%.
Bài viết sử dụng thông tin trả lời phỏng vấn của TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và báo cáo "Phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam sau 30 năm Đổi mới: Một số bài học rút ra" của nhóm tác giả Hoàng văn Cương, Phạm Phú Minh (CIEM), và Văn Thiên Hào (ĐH Tổng hợp Hữu nghị các Dân tộc Nga).
Trí thức trẻ/ Cafebiz