MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Quá chán” vì nhiều tiền, tỷ phú Úc ôm tham vọng đưa tàu Titanic “trở lại từ đáy biển sâu”

17-03-2024 - 16:16 PM | Tài chính quốc tế

“Quá chán” vì nhiều tiền, tỷ phú Úc ôm tham vọng đưa tàu Titanic “trở lại từ đáy biển sâu”

Có niềm đam mê lớn với tàu Titanic, một tỷ phú người Úc đã quyết tâm đóng một con tàu y hệt và đem nó ra khơi.

Cảm hứng đóng tàu

Trong hơn một thập kỷ, tỷ phú người Úc Clive Palmer đã ôm ấp kế hoạch đóng tàu Titanic II – bản sao của con tàu xấu số bị chìm năm 1912 với hơn 2.200 người trên tàu.

Tai nạn hàng hải Titanic năm đó đã tước đi sinh mạng của hơn 1.000 người, chỉ khoảng 700 người sống sót. Nó đã trở thành một trong những chuyến đi thảm khốc nhất lịch sử thế giới. Tuy nhiên, giờ đây, tàu Titanic lại trở thành ý tưởng và tham vọng của một tỷ phú có sở thích đi du lịch biển.

Palmer lần đầu tiên đưa ra kế hoạch cho Titanic II vào năm 2012 và một lần nữa vào năm 2018.

Sáu năm sau, ông bắt đầu thực hiện lại kế hoạch, khởi động dự án trong cuộc họp báo tại Nhà hát Opera Sydney, giữa những bến cảng nổi tiếng của thành phố.

Nhiều người tò mò đã đặt ra câu hỏi về động lực đằng sau của tỷ phú này.

“Quá chán” vì nhiều tiền, tỷ phú Úc ôm tham vọng đưa tàu Titanic “trở lại từ đáy biển sâu”- Ảnh 1.

Phát biểu trước truyền thông, ông Palmer nói một cách thẳng thắn – trên cương vị của một người kiếm được gần nửa tỷ đô la tiền từ quyền khai thác mỏ mỗi năm – rằng: “Đóng tàu Titanic thú vị hơn nhiều so với việc ngồi ở nhà và đếm tiền”.

Đối với Palmer, điều đau đầu không phải là làm thế nào để kiếm tiền mà là tiêu tiền vào đâu.

Khi ông lần đầu tiên thực hiện ước mơ đóng một phiên bản tàu Titanic cách đây hơn một thập kỷ, nhiều người cho rằng ông đủ giàu và lập dị để thực hiện điều đó.

Nhưng đại dịch ập đến và dự án trị giá hàng triệu đô la này đã bị tạm dừng khi các cảng đóng cửa và hành khách đánh giá lại mức độ chấp nhận rủi ro của họ khi bị cách ly trên biển.

Palmer, chủ tịch công ty Blue Star Line đứng đằng sau dự án Titanic, cũng có những vấn đề khác về pháp lí.

Trong những năm gần đây, ông đã đệ đơn nhiều vụ kiện đối với chính quyền tiểu bang và liên bang.

Ông đã phản đối chính quyền bang Tây Úc về quyết định đóng cửa biên giới trong thời gian xảy ra đại dịch. Ông cũng đòi chính quyền bang bồi thường hàng tỷ đô la vì vấn đề liên quan đến một dự án quặng sắt.

Hiện ông Palmer đang đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, yêu cầu chính phủ liên bang bồi thường gần 200 tỷ USD.

Khi đại dịch đi qua và các tàu du lịch một lần nữa lại ra khơi, Palmer cho biết đã đến lúc phải sống lại giấc mơ Titanic của mình.

“Chúng tôi rất vui mừng thông báo rằng sau những trì hoãn không lường trước được trên toàn cầu, chúng tôi đã hợp tác lại với các đối tác để biến giấc mơ Titanic ll thành hiện thực. Hãy để cuộc hành trình bắt đầu”, ông Palmer nói trong một thông cáo báo chí.

Các kế hoạch này rất giống với các lần trước, được kiểm tra để đảm bảo chúng tuân thủ các quy định hiện hành.

Các cuộc đấu thầu đang bắt đầu với kế hoạch xác nhận một nhà đóng tàu vào cuối năm nay, sau đó sẽ bắt đầu công việc vào quý đầu tiên của năm 2025.

Hi vọng Titanic tái sinh

Hiện tại, Palmer hy vọng các nhà thầu trúng thầu sẽ có trụ sở tại Châu Âu. Ông nói với các phóng viên rằng ông không tin rằng các tiêu chuẩn của phía Trung Quốc sẽ đáp ứng được nhiệm vụ này.

Tại buổi ra mắt, nhóm của ông đã chiếu một đoạn video dài 8 phút, cho thấy cách bố trí của con tàu và diện mạo của mỗi phòng, cùng với các diễn viên mặc trang phục cổ xưa.

Một phát ngôn viên cho biết hành khách sẽ được khuyến khích ăn mặc theo phong cách những năm 1900, nhưng điều đó không bắt buộc.

Con tàu sẽ dài 269 mét, rộng 32,2 mét – rộng hơn một chút so với nguyên bản. Sức chứa sẽ là 2.345 hành khách trải rộng trên chín tầng với 835 cabin. Gần một nửa trong số đó sẽ được dành cho hành khách hạng nhất.

“Quá chán” vì nhiều tiền, tỷ phú Úc ôm tham vọng đưa tàu Titanic “trở lại từ đáy biển sâu”- Ảnh 2.

Hành khách hạng ba sẽ được thưởng thức món hầm và nghiền tại những chiếc bàn dài trong phòng ăn chung – giống như trên chiếc thuyền ban đầu – mặc dù một phát ngôn viên cho biết những bữa ăn khác cũng sẽ được cung cấp cho những ai muốn có trải nghiệm “kém chân thực” hơn.

Hơn một thế kỷ sau khi tàu Titanic bị chìm, các nhà nghiên cứu và sử học vẫn bị thu hút bởi câu chuyện đằng sau sự kiện này.

Thảm kịch đã truyền cảm hứng cho bộ phim bom tấn đoạt giải Oscar năm 1997 của James Cameron “Titanic”, với sự tham gia của Leonardo DiCaprio và Kate Winslet, đồng thời đã mê hoặc những nhà thám hiểm nghiệp dư bị thu hút bởi xác tàu đắm.

Một nhiệm vụ như vậy đã kết thúc trong bi kịch vào tháng 6 năm ngoái khi cả 5 hành khách trên tàu lặn Titan đều thiệt mạng khi con tàu nổ thảm khốc trên đường tới xác Titanic.

Palmer muốn tái tạo con tàu Titanic – tất nhiên là không có kết cục bi thảm – và ông cũng muốn hòa bình thế giới.

“Titanic ll là thứ có thể mang lại hòa bình. Nó có thể là con tàu hòa bình giữa tất cả các quốc gia trên thế giới. Hàng triệu người đã mơ ước được đi trên đó, nhìn thấy con tàu ở cảng và trải nghiệm vẻ uy nghi độc đáo của con tàu này. Titanic ll sẽ là con tàu biến những giấc mơ đó thành hiện thực”, Palmer nói.

Tham khảo CNN

Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên