MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quá khó để 'hạ' Google!

23-10-2020 - 10:50 AM | Tài chính quốc tế

Một khi đã sử dụng Internet, bạn không thể tránh khỏi việc “Google” một thứ gì đó. Có thể nói, Google đồng nghĩa với “tìm kiếm” trên Internet.

Chính sức mạnh ấy đã khiến Google trở thành mục tiêu tiếp theo của Bộ Tư pháp Mỹ. Bộ tuyên bố kiện Google độc quyền trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Không rõ điều gì đang chờ đợi Google song Thứ trưởng Bộ Tư pháp Jeffrey Rosen cho biết không loại trừ bất kỳ khả năng nào.

Nếu mục tiêu của Bộ Tư pháp là kìm cương Google, câu hỏi lớn đặt ra là họ làm điều đó bằng cách nào. Theo website phân tích StatCounter, Google hiện chiếm hơn 92% thị phần công cụ tìm kiếm toàn cầu, Google Chrome chiếm 66% thị phần trình duyệt thế giới và gần 3/4 smartphone đang chạy Android .

Mọi người có thể dừng tìm kiếm Google?

Đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ nhắc đến chuyện Google là công cụ tìm kiếm mặc định trên nhiều thiết bị. Bộ tố cáo công ty chi hàng tỷ USD cho các trình duyệt web, nhà mạng và nhà sản xuất smartphone để bảo đảm công cụ tìm kiếm của mình luôn đứng đầu.

Song Google phản bác hành vi của họ không khác gì hành vi quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp khác. Họ so sánh bản thân với một thương hiệu ngũ cốc trả tiền cho siêu thị để bày hàng trên một số kệ nhất định. Kent Walker, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Các vấn đề toàn cầu Google, chỉ trích vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ là “thiếu sót trầm trọng”. Ông khẳng định mọi người sử dụng Google là lựa chọn của họ, không phải vì cưỡng ép hay vì họ không tìm ra dịch vụ thay thế.

Các nhà quản lý châu Âu đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến với Google khi đã phạt gã khổng lồ này tổng cộng hơn 9 tỷ USD, buộc công ty phải cho phép người dùng Android lựa chọn trình duyệt và công cụ tìm kiếm mà mình muốn sử dụng. Bất chấp điều đó, Google vẫn nắm 93% thị trường tìm kiếm châu Âu tính đến tháng 9/20202, theo StatCounter.

Vấn đề lớn nhất chính là hầu hết mọi người đều tìm tới Google mà không buồn tìm công cụ khác, ngay cả khi có lựa chọn.

Quá khó để sản sinh Google thứ hai

Tước quyền lực của một trong những công ty lớn nhất thế giới – với giá trị thị trường hơn 1 nghìn tỷ USD, nguồn lực vô hạn đã tồn tại hai thập kỷ - không phải dễ dàng.

Sally Hubbard, Giám đốc chiến lược thực thi của Open Markets Institue, cho rằng sức mạnh và quy mô của Google khiến cho các biện pháp của châu Âu trở nên vô hiệu. “Google quá quyền lực. Các khoản phạt không hề hấn gì tới họ”, bà nhận xét.

Một lý do khác để Google duy trì được sự thống trị của mình trên thị trường tìm kiếm trực tuyến là thiếu đối thủ xứng tầm và không dễ gì xây dựng một Google thứ hai.

Trong đơn kiện, Bộ Tư pháp Mỹ cho hay chỉ mục tìm kiếm của Google chứa hàng trăm tỷ trang web và hơn 100 triệu GB dữ liệu. Để phát triển được chỉ số lớn như vậy cũng như thuật toán tìm kiếm đáng tin cậy cần đầu tư hàng tỷ USD.

Công ty cuối cùng đủ sức đấu với Google là Microsoft, song công cụ Bing của họ dù ra đời hơn một thập kỷ trước vẫn thất bại. Bing hiện đứng thứ hai sau Google nhưng chỉ nắm khoảng 3% thị phần tìm kiếm Internet toàn cầu.

Chính phủ có thể làm gì?

Một trong những sức mạnh lớn nhất của Google là lượng dữ liệu khổng lồ, khó ai có được. Dữ liệu ấy được xây dựng qua nhiều năm, từ các cú bấm chuột, từ khóa, từ việc người dùng tìm kiếm… Nó giúp Google dự đoán được gần như chính xác người dùng sẽ bấm vào cái gì. Theo Charlotte Slaiman, Giám đốc chính sách cạnh tranh của tổ chức Public Knowledge, đây là thứ nên bị nhắm vào.

Con đường kìm chế Google phía trước còn chưa rõ ràng. Có người gợi ý nên giảm bớt vai trò của Google trong việc tìm kiếm các dịch vụ là thế mạnh của đối thủ, chẳng hạn Yelp (nhà hàng) hay Expedia (du lịch). Slaiman cho rằng nhà chức trách Mỹ có thể áp đặt nhiều biện pháp để người dùng truy cập trực tiếp những dịch vụ chuyên biệt như vậy nhiều hơn trong khi hạn chế ảnh hưởng của Google.

Chính phủ Mỹ cũng có thể làm theo châu Âu và yêu cầu Google cho phép người dùng tự do lựa chọn công cụ tìm kiếm yêu thích trên thiết bị. Dù vậy, xét tới ảnh hưởng hạn chế của những biện pháp nêu trên cho đến nay, một số chuyên gia kêu gọi phải hành động quyết liệt hơn.

Theo bà Hubbard, phải cấu trúc lại và chia tách Google. Tuy nhiên, chia tách Big Tech đã chứng minh sự chia rẽ về mặt chính trị tại Mỹ. Slaiman chỉ ra rất khó để tòa án chấp thuận phương án buộc công ty thoái vốn khỏi một số lĩnh vực kinh doanh.

Sau cùng, việc hạ bệ Google sẽ khó hơn và tốn thời gian hơn hạ bệ bất kỳ công ty nào khác trong lịch sử. Mọi chuyện đã diễn ra quá lâu, đủ để Google tích lũy và củng cố vị trí đặc biệt quyền lực trên thị trường.

Theo Du Lam

ICTNews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên