Quá lớn để sụp đổ, công ty được coi là 'chúa nợ' của Trung Quốc bất ngờ thoát chết dù ôm khoản nợ hơn 120 tỷ USD
Theo Bloomberg, tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã thực hiện bước đi quan trọng để tránh gây ra cuộc khủng hoảng tiền mặt – có thể khiến hệ thống tài chính 50 nghìn tỷ USD của quốc gia này bị xáo trộn và tạo "tiếng xấu" trên các thị trường toàn cầu.
- 29-09-2020Ngập chìm trong nợ, tăng trưởng trì trệ, cả thế giới đang đi theo mô hình của quốc gia này?
- 12-09-2020Tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc giảm giá bán nhà 30%
- 10-06-2020Niêm yết ở Mỹ, cổ phiếu công ty bất động sản Trung Quốc tăng 1.200% trong ngày trước khi bị ngừng giao dịch 1 tiếng vì quá sốc
Evergrande đã trải qua vài ngày hỗn loạn, khi các ngân hàng, trái chủ và quan chức cấp cao của chính phủ ngày càng lo ngại về tình hình tài chính của tập đoàn này. Mới đây, nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với 1 nhóm nhà đầu tư chiến lược, nhằm tránh các khoản nợ có thể tạo áp lực cho bảng cân đối kế toán của công ty vốn được xếp hạng là "rác".
Thoả thuận này được đưa ra trong khoảng thời gian quan trọng đối với Evergrande để ngăn chặn "mạng lưới" nợ phức tạp. Những khoản nợ là điều mà một số nhà phân tích cho rằng họ đã trở thành một công ty nắm giữ khối tài sản quá lớn đến mức không thể sụp đổ. Evergrande đã nợ các ngân hàng, tổ chức tín dụng đen và nhà đầu tư nhỏ lẻ trên khắp Trung Quốc số tiền 88 tỷ USD và vay 35 tỷ USD từ các trái chủ trên khắp thế giới. Hơn 2 triệu người mua nhà cũng đã thanh toán cho công ty này dù những dự án đó còn chưa hoàn thiện.
Trước đó, ngày 24/9, ít nhất 5 ngân hàng Trung Quốc và 2 công ty tín thác đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp thảo luận các vấn đề của Evergrande và khả năng tiếp cận tài sản thế chấp. Ở thời điểm đó, ít nhất 2 trong số các ngân hàng trên đã quyết định cấm công ty rút các hạn mức tín dụng không sử dụng.
Thông báo của Evergrande đã giúp các nhà đầu tư, ngân hàng được xoa dịu. Theo đó, một trong những loại trái phiếu định danh bằng USD của công ty này chứng kiến mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3.
Tuần trước, trái phiếu của nhà phát triển bất động sản này đã giảm giá mạnh khi có tin đồn họ gửi lời cảnh báo đến các quan chức Trung Quốc về việc thắt chặt thanh khoán, vì phải trả lại tiền cho một số nhà đầu tư chiến lược nếu không được niêm yết cửa sau (backdoor listing) đối với các tài sản bất động sản chính ở Trung Quốc vào ngày 31/1.
Dù công ty này đã bác bỏ tin đồn trên và gọi là là "bịa đặt", nhưng thông tin này cũng phần nào tạo ra tình trạng bán tháo trái phiếu lợi suất cao trên khắp thị trường châu Á.
Ngày 29/9, Evergrande cho biết các nhà đầu tư nắm giữ cổ phần trị giá khoảng 86,3 tỷ CNY (12,7 tỷ USD) đã đồng ý giữ cổ phần của họ và không yêu cầu công ty này phải mua lại toàn bộ. Nhóm nhà đầu tư này đại diện cho phần lớn trong 130 tỷ CNY cổ phiếu được nắm giữ bởi các nhà đầu tư chiến lược, thuộc công ty Hengda Real Estate của họ - những người đã yêu cầu Evergrande trả tiền hồi tháng 1 với một số điều kiện nhất định.
Hiện tại, Evergrande đang đàm phán với các nhà đầu tư còn lại về thương vụ tương tự. Nhà phát triển bất động sản đã kết thúc cuộc đàm phán với nhóm nhà đầu tư nắm giữ 15,5 tỷ CNY. Các cuộc thảo luận với nhóm nhà đầu tư nắm giữ 28,2 tỷ CNY còn lại đang diễn ra.
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa rõ liệu giới chức Trung Quốc có tham gia vào việc thảo thuận hay không. Nguồn tin thân cận tiết lộ, nội các Trung Quốc và ủy ban ổn định tài chính do Phó Thủ tướng Lưu Hạc làm chủ tịch đã thảo luận về những rủi ro mà Evergrande có thể gây ra, nhưng không đưa ra quyết định về việc có can thiệp hay không.
Trong khi đó, một số cơ quan quản lý đang cân nhắc một số lựa chọn để hỗ trợ Evergrande, ví dụ như chỉ đạo các công ty nhà nước mua cổ phần trong tập đoàn này hoặc bật đèn xanh cho đề xuất niêm yết công ty xe điện của họ tại Trung Quốc.
Dù khoản nợ khổng lồ của Evergrande khiến một số nhà đầu tư đối diện với rủi ro cao, thì một số khác đã đặt cược rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thấy rằng nhà phát triển bất động sản này là quá lớn để sụp đổ. Suy đoán cho rằng các nhà chức trách sẽ giúp công ty này giải quyết bất kỳ vấn đề về thanh khoản nào, đó là 1 trong những lý do tại sao cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande tăng giá ngay cả trước khi họ đưa ra thông báo vào ngày 29/9.
Từ lâu, chính phủ Trung Quốc đã "ra tay" cứu giúp các công ty đóng vai trò quan trọng về mặt hệ thống, nhằm duy trì sự ổn định tài chính. Trong khi các nhà hoạch định chính sách trong những năm gần đây tìm cách tăng cường kỷ luật đối với thị trường và giảm thiểu rủi ro, thì cú sốc về kinh tế do khủng hoảng Covid-19 lại khiến họ tập trung vào sự ổn định.
Evergrande từ lâu đã được coi là trường hợp điển hình cho các công ty có đòn bẩy tài chính cao ở Trung Quốc, nơi nợ công ty đã tăng lên mức kỷ lục 205% GDP vào năm 2019 và có thể sẽ tăng cao hơn nữa trong năm nay, khi các công ty tăng cường vay nợ để ứng phó với đại dịch.
Trong những năm gần đây, công ty này đã huy động vốn từ các ngân hàng, công ty cho vay chợ đen và thị trường trái phiếu trong để mở rộng ra ngoài ngành bất động sản, sang các lĩnh vực từ ô tô điện đến bệnh viện và công viên giải trí.
Tham khảo Bloomberg