MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quá nhiều “vòng kim cô” làm TP HCM khó cất cánh!

TP HCM dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế nhưng lại nằm ở vị trí thấp nhất so với 12 thành phố trong khu vực (nhóm có thể xem là đối thủ cạnh tranh hay mục tiêu hướng đến), khoảng cách về trình độ phát triển, khả năng cạnh tranh, môi trường sống cũng còn rất xa.

TS. Huỳnh Thế Du
TS. Huỳnh Thế Du
Giảng viên Chính sách công Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
28 bài viết

TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận xét như trên tại hội thảo “TP HCM - Khát vọng vươn lên” do Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 19-5.

Theo ông Du, dù TP HCM chỉ chiếm khoảng 10% dân số và 0,6% diện tích nhưng đã tạo ra khoảng 20% GDP, 30% số thu ngân sách và thu hút 20% nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên cả nước. Khoảng cách phát triển với địa phương gần nhất là TP Hà Nội cũng rất xa. Việc đạt được kết quả như hiện nay của TP đã là một nỗ lực rất lớn. TP HCM và cả vùng đang là nơi sử dụng nguồn lực hiệu quả, tạo ra giá trị cao nhất tính trên một đồng vốn của cả nước, kể từ khi đổi mới đến nay.

Nhưng, nhìn ra bên ngoài và ở góc độ phát triển hướng tới một đô thị thịnh vượng qua hai tiêu chí cạnh tranh và đáng sống thì TP HCM lại xếp ở vị trí thấp nhất so với 12 thành phố khác trong khu vực như Tokyo (Nhật), Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines)…

“Đang có quá nhiều vòng kim cô khiến TP HCM khó phát triển, cất cánh, từ một TP sáng tạo đã biến thành bình thường như những địa phương khác trên cả nước. Lãnh đạo TP qua các thời kỳ đều nhận thấy vấn đề và đưa ra những giải pháp nhưng cuối cùng bị bó buộc bởi các điều kiện và nguồn lực eo hẹp. Trong suốt 3 thập kỷ, từ một việc rất nhỏ TP cũng phải xin, trình trung ương cuối cùng ra cơ chế “xin - cho” một phần do thể chế của chúng ta” - ông Du dẫn chứng.

Theo phân tích cụ thể từ vị chuyên gia kinh tế này, có 3 trục trặc chính TP HCM đang gặp phải gồm: ngân sách được giữ lại quá ít; đội ngũ công chức thiếu động cơ và công cụ hữu hiệu; TP chưa bao giờ có chiến lược hay tầm nhìn phát triển dài hạn một cách rõ ràng.

Cụ thể của việc thiếu chiến lược hay tầm nhìn phát triển dài hạn do eo hẹp về nguồn lực, thiếu động cơ và quan hệ giằng co trung ương - địa phương, chưa tận dụng được sức mạnh của đội ngũ trí thức và các doanh nhân. Do không gian ngân sách và quyền tự chủ quá hạn hẹp nên TP không thể chủ động hoạch định chiến lược dài hạn mà một thời lượng và nguồn lực rất lớn của cả bộ máy phải dành cho việc “xin” trung ương cho thêm nguồn lực để ứng phó những vấn đề trước mắt.

Vậy phải tháo những “vòng kim cô” này ra sao? Theo ông Huỳnh Thế Du, TP HCM có thể đề xuất với trung ương cho thử nghiệm mô hình đơn vị hành chính đặc biệt cho Thủ Thiêm với mục tiêu thử nghiệm các cách thức cung cấp dịch vụ công hiện đại. Dựa vào đây, TP đề xuất trung ương được cho giữ lại một tỉ lệ nhiều hơn đối với nguồn thu từ các khu hành chính đặc biệt này.

Đồng thời, phát triển vùng kinh tế Nam Sài Gòn thông qua các chính sách thí điểm phân cấp quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền đô thị một cấp và thúc đẩy cải cách hành chính, tăng trách nhiệm giải trình cho chính quyền địa phương.

“Trong 7 chương trình đột phá mà TP HCM đặt ra thì giải quyết nhu cầu hạ tầng giao thông dựa trên hệ thống vận tải công cộng và phát triển gắn với chỉnh trang đô thị là 2 vấn đề then chốt. Nếu được giải quyết sẽ tạo ra nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và tính đáng sống của TP.

Đột phá là phát triển khu đô thị Thủ Thiêm với mật độ cao, tích hợp các nhu cầu hoạt động của người dân gồm nơi làm việc, nơi mua sắm, nhà ở dọc các tuyến vận tải hành khách công cộng mà trước mắt là tuyến Metro số 1” - ông Du đề xuất.

Theo T.Phương (ghi)

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên