Quá nóng, giá đất nền thành phố Sầm Sơn “phi mã”
Với tốc độ tăng giá đất chóng mặt, việc nhà đầu tư bỏ túi lợi nhuận gấp đôi chỉ sau một năm đầu tư vào đất nền Sầm Sơn không phải là những trường hợp hiếm thấy. Xu hướng này không những không có dấu hiệu hạ nhiệt, mà còn lan rộng nhanh chóng vào nửa đầu năm 2018.
Giá đất tăng gấp… 10 lần
Theo khảo sát thị trường mới nhất do Hội môi giới bất động sản Việt Nam thực hiện, đất nền, đất liền kề, nhà phố tại nhiều tỉnh thành, trong đó có Sầm Sơn - Thanh Hóa, đang ở giai đoạn “tăng nóng”, tỷ lệ thanh khoản ở cá biệt một số khu vực sôi động có thể lên tới 70 – 80%.
Trên thực tế, thông tin khảo sát từ một số đại lý phân phối cho thấy, mặc dù giá đất nền tại Sầm Sơn tăng mạnh nhất trong giai đoạn một năm trở lại đây, xu hướng giá lên đã “âm ỉ” từ vài năm trước.
Đáng chú ý, các đợt tăng giá không xảy ra "ngẫu nhiên", mà đều gắn với nhiều mốc phát triển quan trọng của thành phố, ví dụ như năm 2015 sau khi quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái năm sao đầu tiên đi vào hoạt động, hay tháng 4/2017 khi Sầm Sơn chính thức lên thành phố.
Cụ thể, giá đất thổ cư ở mặt đường Nguyễn Du, bãi tắm C của biển Sầm Sơn chỉ đạt trung bình 10 – 13 triệu đồng/m2 vào năm 2015, nhưng đã tăng lên 15 – 16 triệu đồng/m2 năm 2016, tăng mạnh lên mức 20 -25 triệu/m2 năm 2017 và đạt mức xấp xỉ 30 triệu đồng/m2 tính đến thời điểm hiện tại.
Giá đất mặt đường Hồ Xuân Hương thậm chí đang ngang ngửa so với khu vực thành phố Hà Nội và TP.HCM khi nhiều mảnh đã cán mốc giá 100 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với mốc năm 2015.
“Ở Sầm Sơn đang xảy ra một hiện tượng có thể gọi là ‘nghịch lý’ so với các thành phố trung ương khác, khi giá đất vùng ven như đường Hồ Xuân Hương thậm chí còn cao hơn giá ở trung tâm thành phố, đang rập rình ở mức 75 - 80 triệu đồng/m2 mặt đường Lê Lợi, hay 30 – 40 triệu đồng/m2 đường Thanh Niên”, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại đây chỉ ra.
Cá biệt, giá đất một số khu vực tại xã Quảng Cư đã tăng gấp tới 10 lần chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, từ mức 2 – 4 triệu đồng/m2 năm 2015 lên mức 16 – 20 triệu đồng/m2.
Với tốc độ tăng giá chóng mặt như vậy, việc nhà đầu tư bỏ túi lợi nhuận gấp đôi chỉ sau một năm đầu tư vào đất nền Sầm Sơn không phải là những trường hợp hiếm thấy, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Hạ tầng và du lịch dẫn dắt
Các chuyên gia cho rằng, yếu tố quyết định dẫn đến việc giá đất Sầm Sơn “phi mã” chính là cơ sơ hạ tầng và tăng trưởng du lịch, tương tự với nhiều địa phương khác cùng chung cơn sốt như Phú Quốc, Vân Đồn, Nha Trang, Đà Nẵng…
Theo quy hoạch TP. Sầm Sơn dự kiến đến năm 2040 có quy mô dân số 250.000 người, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 3.908 ha; các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật được áp dụng và tính toán theo tiêu chuẩn đô thị loại I.
Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm được xây dựng và đưa vào sử dụng như: đường Lý Tự Trọng, quốc lộ 47, đường Hồ Xuân Hương, đại lộ Nam Sông Mã, đại lộ Voi - Sầm Sơn, các tuyến đường theo hướng Đông - Tây khu vực nội thị, sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Sầm Sơn...
Cùng với hạ tầng du lịch tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện; công tác tổ chức, quản lý kinh doanh dịch vụ du lịch có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các doanh nghiệp trong quản lý, đầu tư, khai thác du lịch... đã góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Sầm Sơn ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách.
Năm 2017, TP. Sầm Sơn đón 4,2 triệu lượt khách, đạt doanh thu du lịch 3.065 tỷ đồng. Thương hiệu du lịch Sầm Sơn được công nhận là 1 trong 5 khu du lịch hấp dẫn nhất cả nước, do du khách và các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch cả nước đánh giá và bầu chọn.
Năm 2018, thành phố phấn đấu đón hơn 4,2 triệu lượt khách, đạt doanh thu du lịch 3.600 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2017. Tính đến tháng 4/2018, trước thềm các hoạt động phục vụ lễ mở cửa biển chào hè đón tiếp du khách dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Sầm Sơn đã đón 1,15 triệu lượt khách, doanh thu ước hơn 1.053 tỷ đồng.
Lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu đưa Sầm Sơn sớm trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia đến năm 2020, thu hút khoảng 5 triệu lượt khách, với doanh thu đạt trên 5 nghìn tỷ đồng.
Chính sự nâng cấp đô thị và lượng khách du lịch tăng kéo theo nhu cầu về dịch vụ du lịch, thương mại, nông hải sản, nhu cầu về mặt bằng kinh doanh... Do vậy, các nhà đầu tư nhanh nhạy đã sớm nhìn thấy xu hướng này và săn lùng tìm mua để ở và đầu tư.
“Khi thị trường còn mới, cơ hội cho các nhà đầu tư sẽ rất lớn. Còn khi thị trường đã ổn định thì dư địa tăng trưởng lợi nhuận không còn nhiều”, anh Nguyễn Hải Minh, nhà đầu tư tại quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận xét.
BizLive