Qua thời 'sốt', đất đấu giá vùng ven Hà Nội bị 'ngó lơ'
Qua thời kì "sốt đất", hàng loạt lô đất đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội lại rơi vào tình trạng phải đấu giá đi, đấu giá lại nhiều lần mà chưa thành công.
- 13-04-2023Bất ngờ vùng ven Hà Nội chuẩn bị đấu giá đất, giá khởi điểm cao nhất hơn 24 tỷ đồng
- 10-03-2023Sắp đấu giá đất ven đô Hà Nội, cao nhất 51 triệu đồng/m2
- 07-03-2023Luật Đất đai sửa đổi: Có trị được bệnh đấu giá đất xong bỏ hoang?
Đấu giá đi đấu giá lại
Tháng 7 – 8/2022, cơn “sốt đất" đấu giá vùng ven Hà Nội khiến mặt bằng giá của phân khúc này được đẩy lên một ngưỡng mới, trong khoảng 100 triệu đồng/ m2 đối với những lô có vị trí đẹp.
Điển hình, buổi đấu giá 33 lô đất tại điểm X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh đã thu về gần 226 tỷ đồng, chênh gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trong đó, giá trúng cao nhất lên gần 100 triệu đồng/m2. Trong đó, một lô góc ký hiệu LK-A-01, diện tích 193 m3 có mức trúng 87,2 triệu đồng/m2, tương đương 16,8 tỷ đồng, chênh 8,3 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Tại huyện Đông Anh, phiên đấu giá khu đất X2 thôn Mai Châu, xã Đại Mạch thu về trên 39,52 tỷ đồng, chênh hơn 20,6 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trong đó, thửa đất trúng đấu giá cao nhất ở mức 106,9 triệu đồng/m2, thấp nhất là 97,4 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, qua thời kì "sốt đất", kể từ cuối năm 2022 đến nay, hàng loạt lô đất tại các huyện vùng ven Hà Nội như Sóc Sơn, Đông Anh, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Mê Linh... lại rơi vào tình trạng phải đấu giá đi, đấu giá lại nhiều lần mà chưa thành công.
Minh chứng là tại huyện Đông Anh, hàng chục thửa đất tại khu đất X6 thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà được đấu giá nhiều lần như 25 thửa đất có ký hiệu LK 1 (1-01, 1-02, 1-03, 1-13, 1-14, 1-15); LK2 (2-07, 2-08, 2-09, 2-13, 2-14, 2-15); LK3 (3-03, 3-04, 3-10, 3-11, 3-12, 3-13, 3-18, 3-19); LK4 (từ 4-07 đến 4-11).
Được biết, 25 thửa đất này được mang ra đấu giá ngày 12/11/2022 với giá khởi điểm từ 30,3 - 33,3 triệu đồng/m2, và tiếp tục được rao bán vào ngày 11/3 vừa qua.
Còn ở huyện Sóc Sơn, 27 thửa đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược có diện tích 82,1 - 200 m2/thửa được đem ra đấu giá ngày 24/12/2022 với mức giá khởi điểm từ 45 - 50 triệu đồng/m2. Sau đó, 26/27 thửa đất tiếp tục được đấu giá vào ngày 11/3, đến ngày 15/4 vẫn còn 22/27 thửa đất được đem đấu giá lại.
Trong khi đó, 9 thửa đất ở tại khu Miễu 2, thôn Trung Vực Ngoài, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ có diện tích 81,85 - 91,53 m2/thửa, giá khởi điểm từ 23,2 - 25,5 triệu đồng/m2 được tổ chức đấu giá ngày 23/12/2022, và cũng được đấu giá lại vào ngày 1/4 vừa qua.
Khó khăn trong việc hạ giá đất đấu giá
Được biết, trong 03 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn chỉ thu về 17 tỷ đồng từ việc đấu giá đất so với kế hoạch được giao cả năm là 500 tỷ đồng. Còn Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh mới thu được 135 tỷ đồng trong khi kế hoạch được giao cả năm là 1.600 tỷ đồng.
Lý giải về tình trạng vừa nêu, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cho rằng nhiều lô đất không đấu giá thành công do mức giá khởi điểm được xây dựng tại thời điểm “sốt đất” cuối năm 2022 nên đang khá cao so với mặt bằng chung, dẫn tới tình trạng không có người mua.
Thậm chí, một số lô đất đã đấu giá thành công và giá cũng cao hơn giá khởi điểm nên các lô bên cạnh không thể hạ giá tại thời điểm hiện tại nên cần phải đấu giá vài lần để chứng minh không có người tham dự thì mới có thể hạ giá được.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh cho biết, trước đây, đơn vị này xác định giá sàn là lúc thị trường sôi động, giá rất cao. Để hạ được mức giá sàn vào thời điểm này là điều khó khăn, bởi giá các lô đất chưa đấu giá thành công có liên quan đến giá của các lô đã đấu thành công bên cạnh.
Trước thực trạng vừa nêu, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất các địa phương cũng như chuyên gia và người dân cho rằng TP Hà Nội cần sớm có phương án linh hoạt đối với việc điều chỉnh giá khởi điểm để tránh tình trạng đấu giá đi, đấu giá lại để chứng minh chắc chắn không có người mua rồi mới điều chỉnh giảm giá đất...
Tiền phong