MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quá trình điều trị những bệnh nhân "siêu lây nhiễm" có gì đặc biệt?

08-04-2020 - 10:59 AM | Sống

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: "Bệnh nhân siêu lây nhiễm là từ nôm na để gọi những người mang virus đã tiếp xúc gần với nhiều người và làm lây nhiễm nhiều người do điều kiện khách quan".

Trong mùa dịch Covid-19, có một khái niệm mới được nhiều người biết đến đó là "bệnh nhân siêu lây nhiễm".

Theo hãng tin AFP, "siêu lây nhiễm" chỉ những người bệnh có thể lây bệnh cho nhiều người hơn so với tỉ lệ lây nhiễm thông thường, đã xuất hiện trong các dịch bệnh trước như SARS và MERS. Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ không sử dụng cụm từ "siêu lây nhiễm" như một thuật ngữ kỹ thuật, đến nay nó vẫn chưa được xác định một cách đầy đủ hay chính thức.

Trong số những bệnh nhân Covid-19 đã ghi nhận tại Việt Nam, có 2 trường hợp được coi là "siêu lây nhiễm". Cụ thể, đó là bệnh nhân số 16 (Vĩnh Phúc) đi tập huấn tại Vũ Hán (Trung Quốc) về Việt Nam hôm 17/1 và lây bệnh cho 6 người khác. Người thứ hai là bệnh nhân số 34 (Bình Thuận), cũng là nguồn lây bệnh cho 9 bệnh nhân khác.

Quá trình điều trị những bệnh nhân siêu lây nhiễm có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Không chỉ ở nước ta, nhiều quốc gia khác cũng đã ghi nhận những bệnh nhân "siêu lây nhiễm". Điển hình như ở Anh, một doanh nhân nước này đã lây bệnh cho ít nhất 11 người dự hội nghị chung ở Singapore với ông.

Ở Hàn Quốc, bệnh nhân số 31 (61 tuổi) được xác nhận chính là bệnh nhân số 0 đã lây nhiễm cho hàng trăm ca bệnh khác có liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa. Giới chức y tế Hàn Quốc cũng cho biết có khoảng 3/5 trong số hơn 3.500 ca bệnh (tính đến 1/3) có liên quan tới bệnh nhân "siêu lây nhiễm" này.

Điều trị cho bệnh nhân "siêu lây nhiễm" có gì đặc biệt?

Bệnh nhân "siêu lây nhiễm" đến nay vẫn là một khái niệm rất mới, tuy nhiên vì họ có khả năng lây lan cho những bệnh nhân khác nên rất nhiều người đặt câu hỏi: "Dấu hiệu và biểu hiện của bệnh nhân siêu lây nhiễm có khác gì so với bệnh nhân bình thường? Quá trình điều trị có gì khó khăn hơn không?".

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: "Bệnh nhân siêu lây nhiễm là từ nôm na để gọi những người mang virus đã tiếp xúc gần với nhiều người và làm lây nhiễm nhiều người do điều kiện khách quan tạo ra".

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng khẳng định quá trình chữa bệnh cho họ không có gì khác, dấu hiệu và biểu hiện không có gì khác, thậm chí không có triệu chứng gì rõ rệt.

Quá trình điều trị những bệnh nhân siêu lây nhiễm có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Như vậy có thể thấy, cách phát hiện cũng như quy trình điều trị cho những bệnh nhân "siêu lây nhiễm" cũng được thực hiện như các bệnh nhân khác mà thôi.

Theo WHO, giống như các bệnh về đường hô hấp khác, Covid-19 có thể gây ra các triệu chứng nhẹ bao gồm sổ mũi, đau họng, ho và sốt. Bệnh có thể nặng ở một số người và có thể dẫn đến viêm phổi hoặc khó thở. Hiếm gặp hơn, bệnh có thể gây tử vong.

Theo Bộ Y tế, hiện nay chưa có vắc-xin, chưa có thuốc điều trị dự phòng dành cho Covid-19. Phương pháp điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 dựa trên các quy tắc cơ bản:

1. Điều trị triệu chứng (sốt thì hạ sốt).

2. Đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung chất điện giải.

3. Quan sát diễn biến tình trạng hô hấp để ứng cứu kịp thời.

Theo Đỗ Đỗ

Báo Dân sinh

Trở lên trên