Quần áo chứa “formadehyte” đầu độc người sử dụng
Hàng dệt may chất lượng thấp, đa phần của Trung Quốc bị nghi có chứa hàm lượng formaldehyde (chất có nguy cơ gây ung thư dẫn đến tử vong) cao vượt ngưỡng cho phép, trong khi thứ hàng hóa này đang được thẩm lậu vào Việt Nam bằng nhiều con đường.
- 26-04-2016EU cảnh báo quần áo gây ung thư từ Trung Quốc
- 09-04-2016Hãi hùng quần áo đổ đống siêu rẻ
- 30-03-2016Phá đường dây buôn lậu quần áo xuyên lục địa
Người tiêu dùng do hám rẻ đã không lường đến nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Song điều đáng nói là ngay cả các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm kiểm soát hàm lượng chất này trong sản phẩm dệt may cũng khó đưa ra cảnh báo.
Mù mờ chất lượng, xuất xứ
Khảo sát của PV Báo Lao Động tại khu chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội), đa phần quần áo ở đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc với màu sắc sặc sỡ, đa dạng chủng loại được bày bán nhan nhản. Khi được hỏi về tác hại của chất formaldehyde có trong quần áo thì hầu hết người bán hàng đều không biết và không quan tâm: “Ở đâu cũng nhập quần áo Trung Quốc vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp và quanh năm suốt tháng chúng tôi cũng mặc những loại quần áo này, nhưng có sao đâu?”, chủ một sạp hàng tại đây chia sẻ.
Bạn Ngọc Hà, sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho hay: “Em thường mua quần áo tại khu chợ đầu mối Ninh Hiệp (Bắc Ninh), ở đấy quần áo rất rẻ và đẹp. Lần đầu tiên em nghe chất formaldehyde có trong quần áo sẽ gây hại cho sức khỏe vì chưa bao giờ được cảnh báo về điều này. Đa phần sinh viên thường tìm mua quần áo hỏi ra đều có xuất xứ Trung Quốc, do giá bán rẻ, hợp túi tiền. Còn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe thì thú thật là “chưa thấy quan tài, chưa nhỏ lệ”.
Trên đường Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân, Hà Nội), quần áo trẻ em được đổ đống trên vỉa hè với giá thành quảng cáo chỉ từ 20.000 - 40.000 đồng/bộ. Đa phần quần áo đó đều không có xuất xứ và nếu có chủ yếu là hàng “Made in China”, nhưng vẫn rất nhiều người xúm xít vào mua. Các bà mẹ trẻ đang nhanh chóng lựa cho con cái mình vài bộ quần áo dù chất liệu không thật tốt, nhưng giá quá… “bèo”.
Đáng lo ngại nhất vẫn là quần áo lót Trung Quốc được bán tràn lan tại vỉa hè, chợ, cửa hàng… Dư luận nhiều lần dấy lên mối nghi khi áo lót Trung Quốc có dị vật lạ, gây ngứa. Câu hỏi đặt ra là sản phẩm tiếp xúc với vùng nhạy cảm lại chứa chất gây ung thư, chất độc hại thì người dùng nó sẽ như thế nào? Chưa có cơ quan nào chính thức công bố về chất lượng các loại đồ lót dạng này, song chúng vẫn được bày bán nhan nhản ở khắp nơi..
Vàng thau lẫn lộn
Trước những nguy cơ bị lạm dụng bởi formadehyde, năm 2009, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 32/2009/TT-BCT quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyde với sản phẩm dệt may, nhằm kiểm soát việc sử dụng hóa chất có hại cho sức khỏe cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, do thông tư 32 quá rộng, thủ tục kiểm tra phức tạp cộng với chi phí cao nên ngày 30.10.2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 37/2015/TT-BCT thay thế.
Theo thông tư 37 quy định thì mức giới hạn hàm lượng formaldehyde trong sản phẩm dệt may đưa ra thị trường, sản phẩm dệt may cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi tối đa đạt 30mg/kg; sản phẩm dệt may tiếp xúc trực tiếp với da 75mg/kg và sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da 300mg/kg. Tuy nhiên trái ngược với kỳ vọng sẽ xóa bỏ những bất cập cho doanh nghiệp (DN), quy định này thực tế đang dồn DN vào thế “bí” bởi thủ tục phức tạp, gây mất nhiều thời gian và chi phí hơn và chủ yếu nắm những DN “có tóc”, trong khi để lọt các sản phẩm dệt may không nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.
Ông Nguyễn Sơn Hà - đại diện CTCP May 10 - doanh nghiệp xuất khẩu dệt may cho biết: “Thông tư 37 dù đã có những sửa đổi, nhưng chưa rõ ràng và vẫn gây vướng mắc cho DN. Cụ thể, khi khách hàng gửi mẫu để sản xuất, cơ quan hải quan yêu cầu dù chỉ từ 1 - 2 mẫu vẫn phải kiểm tra hàm lượng formaldehyde mới được thông quan.
Đứng về phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng thừa nhận: Rất khó để nhận biết đâu là sản phẩm có chứa formaldehyde, thời gian qua, Hội đã từng lên tiếng cảnh báo mặt hàng quần áo trẻ em Trung Quốc phát hiện có chất NPE gây rối loạn và phá hủy hormone, gây vô sinh, rất độc hại, đã từng phản ánh đến cơ quan chức năng. Song việc kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng chỉ khi có báo chí phản ánh mới vào cuộc.
Không chỉ có “kẽ hở” trong quản lý hàng dệt may trong nước mà theo thống kê, giai đoạn 2009- 2015, có tới 12 thông báo yêu cầu rút sản phẩm VN khỏi EU chủ yếu liên quan tới vi phạm về an toàn sản phẩm và vi phạm về sử dụng hóa chất. Cơ quan chịu trách nhiệm ban hành thông tư 37 là Bộ Công Thương, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - khẳng định, mục đích của Thông tư 37 hướng tới bảo vệ người tiêu dùng VN. Nếu không có những quy định kiểm tra nghiêm ngặt, hàng dệt may giá rẻ sẽ tràn vào, hàng Việt sẽ rất khó cạnh tranh. “Mất bò mới lo làm chuồng”, nếu các quy định “ngặt nghèo” nêu trên vẫn chỉ gây khó DN, mà “bỏ lọt” đối tượng cần phải kiểm tra thì thông tư 37 vẫn khó đi vào cuộc sống.
*GS.TS Nguyễn Hải Nam - Trưởng bộ môn Hóa dược (Trường Đại học Dược Hà Nội): Tổ chức Y tế Thế giới liệt kê formaldehyde vào loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Cơ thể con người nếu tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng...
Formaldehyde tồn tại trong vải là hoàn toàn có thể, không phân biệt vải dệt của nhà máy hay vải dệt thủ công truyền thống. Formaldehyde tồn tại trong vải do được sử dụng trong công đoạn in nhuộm và hoàn tất nhằm giữ màu và tạo liên kết ngang để chống nhăn trong khâu hoàn tất, chống nấm mốc. Dùng formaldehyde dạng nhựa trong xử lý hoàn tất để chống nhàu, phần lớn áp dụng cho các sản phẩm dệt từ sợi thiên nhiên như cotton, tơ tằm...
Mặc dù hiện nay có rất nhiều công nghệ và hóa chất khác để thay thế formaldehyde, nhưng formaldehyde vẫn được sử dụng trong công nghiệp dệt vì giá thành rẻ.
* PGS.TS Trần Việt Hùng- Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Thuốc trung ương: Formaldehyde là một trong những hóa chất công nghiệp cơ bản, rất độc nhưng lại rất thông dụng. Sản lượng formaldehyde thế giới hiện nay khoảng 20 triệu tấn/năm và tăng hàng năm khoảng 5%, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng các loại hóa chất thông dụng. Hiện nay còn nhiều nước (trong đó có Việt Nam), về tiêu chuẩn chất lượng vải không đề cập đến formaldehyde. Do đó, các lô hàng quần áo nhập khẩu vào Việt Nam không bị kiểm nghiệm tiêu chuẩn này. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra xác định được formaldehyde trong vải nhưng do chưa có quy định nên không kiểm tra.
Giang Thùy Linh
Lao động