Quán cà phê không dám tăng giá vì sợ mất khách
So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê nguyên liệu đã tăng gấp đôi nhưng giá bán các sản phẩm chế biến từ cà phê chỉ tăng nhẹ, thậm chí giữ nguyên
- 04-04-2024Giá cà phê tăng cao vượt mọi dự đoán
- 03-04-2024Sở hữu chuỗi cà phê vạn người mê, người Mỹ vẫn mạnh tay gom "vàng xanh" của Việt Nam về uống, xuất khẩu tăng hơn 100% trong 2 tháng đầu năm
- 01-04-2024Nguồn cung hạn chế, giá cà phê, hồ tiêu vẫn tiếp tục tăng giá
Thường xuyên theo dõi tin tức về giá cà phê hằng ngày nhưng anh Nguyễn Vũ (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) nhận thấy giá tiền ly cà phê các thương hiệu quen thuộc vẫn không đổi suốt một năm qua. "Có thể họ lấy lời từ những món khác hoặc những ly cà phê đó tỉ lệ cà phê không có nhiều" - anh Vũ phán đoán.
Xoay trở để giữ giá
Trong khi đó, trên các diễn đàn về kinh doanh quán cà phê, có rất nhiều lời than thở về việc giá cà phê đầu vào tăng vọt nhưng một số quán chỉ dám tăng giá rất nhẹ trên mỗi ly cà phê để khách hàng không bị sốc.
Anh Nguyễn Đức Thành, người sáng lập chuỗi hệ thống AM Café với 5 chi nhánh tại TP HCM, nói rằng anh rất sốt ruột khi giá cà phê rang xay tăng từng ngày nhưng không thể tăng giá bán. "Chỉ cần tăng giá 1.000-2.000 đồng/ly là mất khách ngay. Thà giảm lợi nhuận còn hơn để khách đi quán khác" - anh Thành lý giải.
Cũng theo anh Thành, chuỗi AM Café tiêu thụ khoảng 250 kg cà phê rang xay/tháng và đã có hợp đồng mua cà phê nguyên liệu từ các HTX ở Tây Nguyên với giá ưu đãi, sau đó đặt rang xay theo công thức riêng.
"Nhờ vậy, giá đầu vào của chúng tôi chỉ tăng nhẹ, chủ yếu phụ thêm tiền nhân công và vận chuyển cho các HTX. Tuy vậy, lượng hàng giá thấp chỉ dùng đủ đến hết quý II, sau đó phải mua hàng theo giá thị trường nên không biết có giữ giá đến sau thời điểm đó hay không" - anh Thành bày tỏ.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, ngay cả các chuỗi cà phê lớn như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House… đều đang cố giữ giá bán các loại thức uống, đặc biệt là cà phê suốt hơn 1 năm qua. Nhiều chuỗi còn đưa ra chương trình giảm giá, quét mã, ưu đãi khi mua combo để giữ chân khách hàng.
Lý giải về tình trạng này, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB Director - Horeca Business School, cho biết thị trường dịch vụ cà phê có tính nhạy cảm về giá rất cao, khi tăng giá bán sẽ mất đáng kể lượng khách hoặc khách giảm tần suất tiêu dùng.
Hơn nữa, giá nguyên liệu tăng cao nhưng nhìn vào tỉ lệ sử dụng thực tế trên từng ly sẽ thấy tác động không quá lớn, nhất là ở phân khúc trung và cao cấp.
"Do đó, việc tăng giá bán còn nằm trong kế hoạch chứ chưa tăng trên thực tế nhiều. Trong vài tháng tới, nếu giá nguyên liệu cà phê tiếp tục tăng, các quán buộc phải điều chỉnh theo. Mức tăng dự kiến sẽ từ 2.000-3.000 đồng/ly với cà phê bình dân và 2.000-5.000 đồng/ly với các quán lớn hoặc chuỗi" - ông Thanh dự báo.
Doanh nghiệp gồng lỗ
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Cà phê Napoli (chuỗi Napoli) chuyên các loại cà phê rang xay và cà phê hòa tan, nói rằng đây là giai đoạn khó khăn của Napoli. Công ty chỉ có thể tăng giá 5% để giữ thị trường.
"Từ tháng 10-2023 đến nay, Napoli đã lỗ đến 10 tỉ đồng do giá nguyên liệu tăng quá nhanh. Thường chúng tôi chỉ trữ cà phê nguyên liệu đủ cho 1 tháng bán hàng nên bị tác động về giá rất mạnh" - ông Hưng tiết lộ.
Cũng theo ông Hưng, do Napoli theo triết lý cà phê nguyên chất 100% và sản phẩm bán chính là cà phê hạt nên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Trong khi đó, một số thương hiệu cà phê rang xay trên thị trường có hiện tượng độn thêm bắp, đậu nành rang cháy để hạ giá thành nên ít bị ảnh hưởng hơn. "Ở Việt Nam lâu nay cà phê bột trộn bắp, đậu nành khá phổ biến thì nay các sản phẩm này càng có thêm lợi thế về giá" - ông Hưng than.
Dù vậy, ông Hưng vẫn tin tưởng xu hướng uống cà phê nguyên chất vẫn đang tăng và giá cà phê nguyên liệu sẽ tiếp tục ở mức cao. "Về dài hạn, cạnh tranh trong ngành cà phê sẽ nằm ở khâu chế biến sâu để gia tăng giá trị, marketing, cách pha chế chứ không phải giá nguyên liệu" - ông Hưng dự đoán.
Ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty CP Học viện café Việt Nam VCA (tỉnh Gia Lai), nói giá cà phê thế giới năm nay rất giống với năm 1994, khi giá cà phê Robusta lập đỉnh 4.040 USD/tấn (năm nay giá cao nhất là 3.812 USD/tấn - PV). Năm đó, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 3 đến tháng 7, giá cà phê đã tăng hơn 200% và điều này có thể lặp lại trong năm nay.
Ở thị trường trong nước, giá nguyên liệu cà phê đang lập đỉnh lịch sử 106.000 đồng/kg dấy lên lo ngại về việc các nhà rang xay dùng các phương pháp không bảo đảm an toàn thực phẩm để hạ giá thành.
Doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp rủi ro
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), tình hình thị trường cà phê thế giới và trong nước thời gian vừa qua có nhiều biến động ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp (DN) trong chuỗi sản xuất chế biến, thu mua cung ứng và kinh doanh xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2023-2024.
Giá cà phê tăng cao nhất qua các năm và tăng liên tục từ đầu vụ (tháng 3-2023 giá 47.000 đồng/kg, tháng 10-2023 lên 58.000 đồng/kg, nay giá đã vượt qua 100.000 đồng/kg) khiến cho các DN kinh doanh rất khó huy động thêm vốn vay ngân hàng để thu mua cà phê. Bởi hạn mức cho vay không tăng theo giá cà phê. Đặc biệt, giá cà phê tăng nhanh cũng khiến rủi ro thu mua cà phê qua các đại lý, thương lái để xuất khẩu gia tăng đáng kể. Thực tế, nhiều DN xuất khẩu cà phê (trong đó có DN nước ngoài) đã phản ánh với VICOFA về việc một số đại lý thu mua đã không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng.
Người lao động