MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quán cà phê - nơi trú ẩn của những người thất nghiệp nhưng giả vờ đi làm

19-06-2024 - 22:23 PM | Lifestyle

Các quán cà phê Trung Quốc đang là nơi trú ẩn của “những kẻ lang thang thành thị”, đó là những người thất nghiệp nhưng hằng ngày vẫn giả vờ đi làm để giấu gia đình.

Thuật ngữ “kẻ lang thang thành thị” gần đây lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, được dùng để mô tả những người thất nghiệp hoặc đang chật vật tìm việc làm, phải lang thang trên đường phố trong giờ làm việc để che giấu hoàn cảnh khó khăn của họ với gia đình.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị ở mức 5,2%, giảm 0,2% so với năm ngoái. Trong tháng 4/2024, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16-24, không bao gồm sinh viên đại học, là 14,7%.

Zhang Ni, 35 tuổi, chưa bao giờ mất việc trong đời, nhưng cô quyết định nghỉ việc dành thời gian cho bản thân vì công việc vừa qua đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cô. Zhang Ni cho biết, công ty khởi nghiệp ở Bắc Kinh mà cô từng làm không đối xử bình đẳng với cô, buộc cô phải làm việc quá sức.

Quán cà phê - nơi trú ẩn của những người thất nghiệp nhưng giả vờ đi làm- Ảnh 1.

Nhiều “kẻ lang thang thành thị” dành cả tuần làm việc ở quán cà phê. (Ảnh: Shutterstock)

Sau khi rời công ty vào tháng 11/2023, Zhang không muốn gia đình lo lắng cho mình nên các ngày thường trong tuần cô đều đến quán cà phê sách, giả vờ như vẫn đi làm việc bình thường. Hiện cô vẫn duy trì thói quen này suốt 6 tháng nay.

Bằng tài khoản @KouniConnie, Zhang chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu rằng đó là một trải nghiệm "vừa lo lắng vừa may mắn". Mặc dù lo lắng về chuyện thu nhập giảm và không đạt được thành tích, cô vẫn cảm thấy không thể bắt đầu công việc mới mà mình không thích.

Mặt khác, khoảng thời gian thất nghiệp đã giúp cô khám phá lại vẻ đẹp của Bắc Kinh, hiểu thêm về thành phố mình đã sống trong nhiều năm.

Một người đàn ông họ Zen 31 tuổi ở Thâm Quyến cũng chia sẻ với trang Shenran rằng, anh chọn cách giấu gia đình và bạn bè về tình trạng thất nghiệp của mình vì “khắp nơi trong thành phố này đều là nei juan". Nei juan là một thuật ngữ đang thịnh hành của Trung Quốc, được sử dụng để mô tả quá trình sống sót vô tận và dường như vô ích ở nơi làm việc.

Nơi Zen thường đến để giả vờ làm việc là một quán cà phê. Đây là nơi anh có thể ngồi cả ngày với chi phí tối thiểu, đắm mình trong những tài liệu học tập mà anh hy vọng sẽ giúp mình bắt đầu sự nghiệp mới.

Quán cà phê - nơi trú ẩn của những người thất nghiệp nhưng giả vờ đi làm- Ảnh 2.

Nhiều người thất nghiệp cho rằng việc trở thành “kẻ lang thang thành thị” giúp họ có thời gian suy nghĩ về tương lai. (Ảnh: Shutterstock)

Một thanh niên khác ở Bắc Kinh là Liu Jinyan (35 tuổi) cũng trở thành "kẻ lang thang thành thị" lần thứ ba khi bị sa thải vào năm ngoái. Anh cho biết các quán cà phê là “nơi trú ẩn tốt nhất cho những người trung niên, thất nghiệp” vì chúng cho họ không gian để suy nghĩ về tương lai của mình.

Trên mạng xã hội Trung Quốc có nhiều cuộc thảo luận về “cuộc khủng hoảng tuổi 35”. Nhiều công ty từ chối người trên 35 tuổi xin việc. Vì vậy nếu bị sa thải ở độ tuổi đó, họ sẽ khó tìm được công việc mới.

Ngày 26/5, người được mệnh danh là "nữ hoàng máy điều hòa" của Trung Quốc, Chủ tịch Gree Electric Appliances Dong Mingzhu, đã gây tranh cãi khi tuyên bố “cuộc khủng hoảng 35 tuổi” không tồn tại. Cô nói: “Nếu không có ai tuyển dụng bạn nữa, bạn có thể bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình".

Nhiều người không đồng tình với quan điểm này và một người đã đáp trả trên Weibo rằng: “Chúng ta không còn sống trong thời đại mà bạn có thể tự tin nói: 'Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường'”.

Theo Nhật Thùy/VTC News

VTC News

Trở lên trên