MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan chống tham nhũng tham nhũng (K1): Đả hổ quan đả hổ

19-09-2016 - 10:25 AM | Tài chính quốc tế

Cựu Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng tỉnh Quảng Đông Chung Thế Kiên.

Muối mà không mặn chỉ còn cách đem đổ ra đường cho người ta đạp lên. Cũng vậy, các quan chức chịu trách nhiệm chống tham nhũng nhưng lại tham nhũng phải chịu những hình phạt thích đáng.

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất nổi tiếng với chiến dịch chống tham nhũng quy mô mang tên “đả hổ, diệt ruồi”, nhắm mục tiêu đưa tất cả quan chức tham nhũng, từ nhỏ (ruồi) đến lớn (hổ) ra trừng trị. Trong chiến dịch này, có rất nhiều quan to nắm những vị trí giám sát, kiểm soát tham nhũng cũng bị điều tra.

Miệng hô khẩu hiệu, tay nhận tiền

Ngày 1-4-2015, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết một trong những quan chức chống tham nhũng của họ đang bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật", một cụm từ thường được Trung Quốc dùng cho tội tham nhũng. Đó là ông Chung Thế Kiên, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật, Giám đốc Sở Giám sát và là Giám đốc Cục Phòng chống Tham nhũng tỉnh Quảng Đông. Theo cổng thông tin Sohu, ông Chung đã bị khám nhà vào ngày 30-3-2015. Các nhân viên điều tra mặc thường phục lục soát nơi ở của ông Chung đã phát hiện hơn 10 thỏi vàng đúc hình con rùa, mỗi thỏi trị giá hàng chục ngàn NDT. Theo tín ngưỡng truyền thống Trung Quốc, rùa là biểu tượng của sự giàu có và thịnh vượng.

Tỉnh Quảng Đông, nằm ở miền Nam của Trung Quốc, có hơn 100 triệu dân. Từ tháng 1-2007 đến tháng 9-2011, ông Chung là Chủ tịch UBND kiêm Bí thư Thành ủy Chu Hải, trước khi được bổ nhiệm làm Phó bí thư cơ quan chống tham nhũng của tỉnh. Theo Sohu, ông Chung luôn tạo dựng cho mình hình ảnh là một thành viên trung thực của lực lượng chống tham nhũng.

Tại một cuộc họp của Tỉnh ủy vào tháng 2-2015, ông Chung đã nêu thí dụ về cựu quan chức tỉnh Quảng Đông, ông Pan Shengshen, người đã bị sa thải vì tội tham nhũng. “Đây là thí dụ hoàn hảo về một quan chức hay lớn tiếng nhưng đã không biết giữ mình” - ông Chung nói. Trong một bài phát biểu vào tháng 3-2014 trên trang web của Ủy ban Chống tham nhũng tỉnh Quảng Đông, ông Chung tiếp tục lên giọng: “Việc giám sát chỉ có thể thực hiện được nếu chính bản thân mình cũng bị giám sát. Khi chúng ta giám sát những người khác, chúng ta cũng phải tự đặt mình vào địa vị của những người bị giám sát. Một số quan chức của Ủy ban Chống tham nhũng đã không tuân thủ pháp luật, lạm dụng quyền lực của mình và trở thành kẻ tham nhũng, gây ra những rối loạn nghiêm trọng trong xã hội”.

Đến nay sự thực đã rõ, kẻ hô hào chống tham nhũng và mạnh miệng rao giảng đạo đức về tệ tham nhũng lại chính là một con hổ tham nhũng. Ngày 21-7-2015, trang China News dẫn thông báo của Ủy ban Giám sát kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI), cho biết ông Chung đã bị cách chức và khai trừ khỏi ĐCSTQ do dính líu tới hành vi tham nhũng.

Ủy ban này đã bàn giao ông Chung Thế Kiên cho cơ quan tư pháp để xử lý theo pháp luật với các cáo buộc tham nhũng và nhận hối lộ. China News trích thông cáo của CCDI cho biết quá trình điều tra cho thấy ông Chung Thế Kiên đã "vi phạm nghiêm trọng quy định chính trị, can dự vào vào vụ xét vử tham nhũng, làm lộ thông tin điều tra cho bị cáo.

Ông Chung cũng đã nhận quà biếu, tiền biếu phi pháp; lợi dụng chức vụ để trục lợi cho người khác trong tuyển chọn cán bộ, trong kinh doanh của xí nghiệp, đồng thời đút lót để thăng chức. Trong đó việc nhận hối lộ và đút lót đã cấu thành tội phạm". Ngoài ra, ông Chung còn có hành vi quấy rối, ngăn cản tổ chức điều tra, bịa đặt khẩu cung với người đưa hối lộ, che giấu khối lượng lớn tài sản.

Thông báo của CCDI còn cho biết “với tư cách là cán bộ cấp cao của ĐCSTQ nhưng ông Chung đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng. Sau Đại hội Đảng lần thứ 18 vẫn chưa chịu buông tay mà tiếp tục các hành vi sai trái”. CCDI thông báo căn cứ vào điều lệ xử lý kỷ luật đảng, Trung ương Đảng quyết định cách chức và khai trừ đảng đối với ông Chung Thế Kiên. Các hành vi liên quan tới hành vi phạm tội của ông Chung sẽ được gửi tới cơ quan tư pháp để xử lý theo pháp luật.

Chạy trời không thoát nắng

Cùng với chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Tập, đã có rất nhiều quan tham Trung Quốc tìm cách tẩu thoát bằng nhiều cách, như sống chui nhủi trong lòng đất, trốn ra nước ngoài, phẫu thuật gương mặt... nhưng đa số vẫn không trốn thoát. Một thí dụ điển hình là ông Vương Quốc Cường, cựu Bí thư Thành ủy Phượng Thành ở tỉnh Liêu Ninh, người đã ra đầu thú ngày 22-12-2014.

Ông Vương đã trốn sang Hoa Kỳ trong 2 năm rưỡi, sau khi biển thủ hàng triệu NDT. Khi trở về, ông này đã cung cấp lời chứng thực về việc đào tẩu khó khăn như thế nào. “Đó là một cơn ác mộng trong đời tôi” - ông Vương nói trong lời thú tội. Ông cho biết vì quá sợ hãi nên đã không dám sử dụng danh tính của bản thân hay của vợ mình ở Hoa Kỳ. Ông kể một lần đã suýt chết vì một cơn đau tim, nhưng không thể kiếm được một đơn thuốc hay đi khám bác sĩ vì không muốn sử dụng hộ chiếu. “Tôi thà chết vì bệnh tật còn hơn để lộ danh tính của mình.

Thật là thảm hại” - ông Vương nói. Họ cũng không liên lạc với bạn bè hay gia đình, kể cả với đứa con gái duy nhất của họ. Ông Vương nói: “Nếu tôi phải lựa chọn giữa việc bị bỏ tù hoặc bỏ trốn sang Hoa Kỳ, tôi thà đi tù còn hơn”.

Bà Dương Tú Châu, cựu Phó Thị trưởng thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, được trao biệt danh “nữ tham quan hàng đầu Trung Quốc”. Bà Dương đã bị cảnh sát bắt giữ tại Rotterdam, Hà Lan sau khi bỏ trốn với hơn 250 triệu NDT (40 triệu USD). Trước đó (từ năm 2003), bà Dương đã trốn đến Singapore và Hoa Kỳ, rồi mới sang Hà Lan.

Tại Singapore, bạn bè của bà Dương đã tống tiền bà, nói sẽ tố cáo nếu bà không đưa tiền cho họ. Tại Hoa Kỳ, bà Dương bị các nhà điều tra liên bang đeo bám, họ hoài nghi về nguồn gốc số tiền của bà. Bà Dương được đưa tin rằng đã bỏ 5 ngôi nhà sang trọng mua ở Hoa Kỳ để chuyển đến châu Âu. Tại Rotterdam, bà Dương thuê một căn hầm tối để trốn, nhưng cuối cùng vẫn không thoát.

Tân Hoa Xã cũng kể đến trường hợp ông Chen Manxiong, tổng giám đốc của một công ty phát triển công nghiệp ở thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Châu. Ông này đã chạy trốn sang Thái Lan vào năm 1995 cùng với vợ sau khi biển thủ công quỹ hơn 420 triệu NDT (68 triệu USD). Ông Chen đã mua một chứng minh thư Thái Lan trên thị trường chợ đen, đổi tên thành tên Thái Lan, tẩy trắng da, thậm chí thay đổi khuôn mặt mình qua việc phẫu thuật tạo hình. Nhưng rốt cuộc, ông Chen vẫn bị cảnh sát Thái Lan phát hiện và gửi trả lại cho Trung Quốc. Hiện ông đã bị kết án tù chung thân.

(còn tiếp)

Theo Vĩnh Cẩm

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên