Quan chức 14 Bộ sẽ bị cấm kinh doanh trong ngành 2 năm đầu về hưu?
Theo đề xuất, quan chức về hưu hoặc thôi việc của 14 Bộ không được kinh doanh lĩnh vực mình quản lý trong thời gian 12- 24 tháng.
Sáng 27/3, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật Phòng chống tham nhũng. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7.
Thất thoát hàng nghìn tỷ mỗi năm vì tham nhũng
Bà Akiko Fujii - Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nêu quan điểm, tham nhũng là một trong những cản trở lớn nhất trong quá trình tiến tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. “Mặc dù nhiều nước đã rất nỗ lực, song ước tính hàng năm có khoảng 3,6 nghìn tỉ USD sẽ bị thất thoát do tham nhũng” – bà Fujii thông tin và nhấn mạnh, đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt hơn”.
Bà cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng.
Đặc biệt, bà nêu một trong những điểm mới trong Luật Phòng chống tham nhũng là việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực tư nhân.
Theo bà Akiko Fujii, dự thảo nghị định được đưa ra thảo luận tại hội thảo hướng dẫn chi tiết việc thực hiện một số điều trong luật, là bước đầu quan trọng nhằm đưa luật vào cuộc sống.
Giới thiệu chi tiêt hơn về dự thảo nghị định, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh cho hay, dự thảo có 11 chương và có nhiều nội dung mới đáng chú ý, trong đó có chương 4 quy định thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn.
Quy định này nêu rõ quy định thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DN tư nhân sau khi thôi giữ chức vụ.
Cụ thể, dự thảo quy định lãnh đạo, quản lý của 14 bộ ngành thôi giữ chức vụ không được kinh doanh ở lĩnh vực mình quản lý được chia làm 4 nhóm.
Nhóm 1 quy định, quan chức về hưu hoặc thôi việc không được kinh doanh lĩnh vực mình quản lý trong thời gian 12-24 tháng. Đó là các bộ: Công thương; GTVT; KH-ĐT; LĐ-TB-XH; NN-PTNT; Tài chính; TN&MT; TT&TT; Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN; Tư pháp; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.
Nhóm 2 gồm 6 bộ ngành: Bộ GD-ĐT; Bộ KH-CN; Bộ VH-TT-DL; Bộ Y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ủy ban Dân tộc, quan chức đã nghỉ không được kinh doanh trong 6- 12 tháng.
Nhóm 3 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ: Công an; Quốc phòng; Ngoại giao sẽ do Bộ trưởng của 3 bộ này ban hành thời hạn không được kinh doanh đối với người thôi giữ chức vụ thuộc lĩnh vực đặc thù.
Nhóm 4 gồm chương trình, dự án, đề án, kế hoạch do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể danh mục các lĩnh vực và thời hạn mà người thôi giữ chức vụ không được kinh doanh.
Nhận quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối
Ngoài ra, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết dự thảo này cũng quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.
Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định cũng phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng và nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trong thời hạn 5 ngày làm việc.
Về phương án xử lý quà tặng, nếu quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá trị thì thủ trưởng nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định; nếu quà tặng bằng hiện vật thì xác định giá trị và bán công khai để nộp vào ngân sách nhà nước.
Báo Giao thông