MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan chức Fed lo ngại khủng hoảng nhà đất 2008 lặp lại

20-09-2016 - 09:08 AM | Tài chính quốc tế

Kể từ cuối năm 2009, giá cả liên tục tăng mà chủ yếu là do chính sách lãi suất thấp mà Fed và nhiều NHTW khác trên thế giới thi hành chứ không phải bởi yếu tố cung cầu cơ bản. Ông Rosengren lo lắng điều này đang lặp lại.

Chủ tịch Fed Boston - ông Eric Rosengren - là người luôn đi đầu trong Hội đồng thống đốc ủng hộ các chính sách tiền tệ "bồ câu", tức là sử dụng lãi suất thấp để kích thích nền kinh tế. Nhưng vừa qua, ông phải lên tiếng tuyên bố rằng Fed đang phải đối mặt với những rủi ro lãi suất thấp.

Những cuộc họp của Fed luôn khiến thị trường biến động. Kể từ lần nâng lãi suất gần nhất đến nay cũng đã được hơn nửa năm, thị trường hết lần này đến lần khác đoán già đoán non về thời hạn nâng lãi suất tiếp theo của Fed.

Có người cho rằng, Fed không phải là "người thích lỡ hẹn", chẳng qua họ đang muốn sử dụng chiêu bài trì hoãn như một cách để điều tiết tâm lý thị trường.

Chủ tịch Fed Boston - Eric Rosengren là người nổi tiếng tại Hội đồng thống đốc có quan điểm bồ câu. Tuy nhiên trong mấy ngày gần đây, ông đã phải lên tiếng tuyên bố rằng chính sách tiền tệ nới lỏng có thể khiến thị trường đi chệch đường ray như hồi khủng hoảng tài chính năm 2008. Hơn nữa, ông đã công khai thúc giục những người đồng nghiệp của mình phải đứng lên hành động trước khi sự việc đi quá xa.

Trả lời phỏng vấn hôm 9/9, ông Rosengren cho biết: "Để tỷ lệ thất nghiệp thấp như hiện nay không phải là tự nhiên mà có. Các công cụ mà chúng tôi đang nắm trong tay tính đến thời điểm này đã không còn sắc bén. Vì vậy, tốt hơn hết chúng ta nên làm những điều cần làm trước khi mọi thứ quá muộn".

Hội đồng thống đốc Fed đang bị chia rẽ thành nhiều luồng ý kiến khác nhau về thời hạn để nâng lãi suất. Thị trường tương lai cho thấy khả năng lãi suất sẽ được nâng lên trong tháng này là khá hiếm hoi.

Ông Rosengren cảnh báo Fed cần xem xét những ảnh hưởng của chính sách lãi suất thấp trong bối cảnh bong bóng giá cả mà quan trọng nhất là thị trường bất động sản thương mại. 8 năm sau khi khủng hoảng bong bóng bất động sản, nước Mỹ vẫn chưa thể nào quên những hậu quả ảnh hưởng lên nền kinh tế như thế nào.

Theo ngân hàng Fed Boston, tính đến tháng 3/2016, tổng cho vay bất động sản đã đạt 3.600 tỷ USD, trong đó ngân hàng chỉ đứng lên cho vay hơn một nửa, còn lại là các tổ chức tài chính như quỹ hưu trí và bảo hiểm nhân thọ.

Kể từ cuối năm 2009, giá cả liên tục tăng mà chủ yếu là do chính sách lãi suất thấp mà Fed và nhiều NHTW khác trên thế giới thi hành chứ không phải bởi yếu tố cung cầu cơ bản. Đó chính là điều mà ông Rosengren lo lắng.

"Chúng ta có nên thay đổi điều kiện kinh tế hiện tại để đối phó với một cú sốc cực lớn chuẩn bị đổ ập đến nền kinh tế khi mà giá bất động sản thương mại sẽ tụt giảm nhanh chóng, các tổ chức cho vay sẽ thua lỗ thê thảm". Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 31/8, ông Rosengren cho biết.

Điều đặc biệt là ông cho rằng, nâng lãi suất chính là giải pháp chống lại bất ổn tài chính, mặc dù điều này có thể làm chậm tiến trình giảm tỷ lệ thất nghiệp và mục tiêu lạm phát 2% của Fed - một mô hình đánh đổi bất thường giữa chi phí và lợi ích.

Tuyên bố của ông Rosengren đã khiến cho nhà đầu tư vốn đã hoang mang càng thêm lo lắng về nguy cơ các NHTW trên thế giới sẽ tiếp tục giữ chính sách tiền tệ nới lỏng. Thị trường ngay lập tức phản ứng. Chỉ số S&P 500 trong suốt 43 ngày trước chưa có lúc nào biến động đến 1%, nhưng 4 trong 6 ngày giao dịch gần đây nhất đều tăng giảm trên 1%. Lợi tức trái phiếu 10 năm kể từ hôm 7/9 tăng 0,16%.

Trong khi khả năng lãi suất tăng trong kỳ họp tuần này của Fed ít có cơ hội xảy ra, thị trường và một số quan chức Fed có vẻ như đồng lòng muốn nâng lãi suất trong vài tháng tới. Ít nhất ông Rosengren sẽ là tiếng nói lớn nhất để khiến cho bà Yellen phải hành động.

Tuy nhiên, lo lắng của ông Rosengren về rủi ro bong bóng bất động sản không được tất cả giới chức Fed ủng hộ. Trong khi một số công nhận ngành bất động sản đang ngày càng nóng lên, một số khác lại hoài nghi về khả năng nó sẽ làm phá huỷ toàn bộ nền kinh tế.

Trước khi gia nhập Fed Boston năm 1985 và trở thành chủ tịch năm 2007, ông Rosengren đảm nhận chức vụ phó chủ tịch điều hành Ban Giám sát của ngân hàng này và có nhiều kinh nghiệm trong nghề ngân hàng. Ông nhận thấy trong tất cả những rủi ro của ngành tài chính thì bất động sản thương mại là nghiêm trọng nhất.

Lời cảnh báo của ông như một sự thừa nhận ngầm về thất bại của Fed trong việc ngăn chặn bong bóng nhà ở và khủng hoảng kinh tế năm 2008. Trước khi bong bóng vỡ tung, ở thời điểm đó nhiều nhà kinh tế vẫn cho rằng kích thước cho vay tín dụng xấu vẫn quá nhỏ để tạo ra những nguy cơ thực sự cho nền kinh tế nói chung. Nhưng thực tế đã chứng minh họ sai lầm.

Đáp lại câu hỏi của phóng viên về quan điểm diều hâu gần đây từ một người ủng hộ mạnh mẽ chính sách nới lỏng để kích cầu, ông Rosengren cho biết: “Tôi không quan tâm lắm đến hình ảnh bản thân”.

Anh Sa

WSJ

Trở lên trên