Quan điểm của Fed về lạm phát đang thay đổi và đây là lý do tại sao
Trong nhiều thập kỷ, ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất để kìm hãm nguy cơ xảy ra lạm phát. Hiện nay, thận trọng hơn, các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương cần phải nhìn thấy sự tăng giá thực tế trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào.
- 31-10-2019Fed hạ lãi suất, chứng khoán Mỹ bất ngờ bứt phá, S&P 500 chạm đỉnh lịch sử
- 31-10-2019Fed hạ lãi suất lần thứ 3 trong năm, phát tín hiệu sẽ tạm dừng nới lỏng chính sách
- 30-10-2019S&P 500 trượt khỏi đỉnh lịch sử khi thị trường hồi hộp chờ đợi cuộc họp quan trọng của Fed
- 09-10-2019Chủ tịch FED phát tín hiệu sẵn sàng giảm thêm lãi suất
Năm 1999, tỷ lệ thất nghiệp thấp và các công ty có lãi. Sau 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 1998, những rủi ro quốc tế dần được đẩy lùi, Ngân hàng trung ương thành công trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát, mà Fed có nhiệm vụ ổn định, vẫn ở mức thấp.
Trong cuộc họp thiết lập chính sách vào mùa hè năm 1999, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Alan Greenspan nói rằng đây là một tình huống rất mâu thuẫn. "Có một sự tăng tốc rất lớn trong tổng cầu nhưng chúng tôi không thấy hiệu ứng thông thường về giá cả."
Hiện nay, sau 20 năm, Fed có thể sớm phải đối mặt với một tình huống tương tự. Các quan chức đã cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay, một phần trong nỗ lực bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động xấu từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump, và tăng trưởng toàn cầu trì trệ. Việc cắt giảm lãi suất năm 2019 đã được mô hình hóa, một phần, theo chu kỳ năm 1998 của ông Greenspan.
Giá cổ phiếu đang tăng vọt và lợi nhuận doanh nghiệp cũng tăng mạnh. Nếu rủi ro từ cuộc chiến thương mại của ông Trump và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu giảm dần, có thể thấy sự ổn định tương tự như những gì xảy ra vào năm 1999. Các quan chức đã báo hiệu sẽ ngừng cắt giảm lãi suất, nếu dữ liệu vẫn lạc quan.
Một triển vọng rủi ro một lần nữa có thể đến trong bối cảnh lạm phát yếu. Một chỉ số giá quan trọng đã công bố mức tăng 1,3% trong tháng 9, theo dữ liệu mới nhất, vẫn xa mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Nhưng có một sự khác biệt quan trọng giữa 2 thời kỳ. Năm 1999, ông Greenspan và các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất để chống lại nguy cơ lạm phát tăng cao - điều mà họ tin chắc sẽ xảy ra trong nền kinh tế mạnh. Quan điểm của Chủ tịch Fed đương nhiệm Jay Powell là ngân hàng trung ương cần phải thấy sự gia tăng thực tế trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào.
"Lý do tại sao chúng tôi tăng lãi suất, nói chung, là vì lạm phát tăng, hoặc có nguy cơ tăng lên đáng kể, và chúng tôi thực sự không thấy điều đó lúc này. Chúng tôi cần phải thấy lạm phát tăng đáng kể trước khi xem xét tăng lãi suất để giải quyết các mối quan tâm về lạm phát," ông Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp tháng 10 của Fed.
Fed sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn với biến động thị trường, thay vì đón đầu chặn trước, báo hiệu một sự phá vỡ quy tắc đã tồn tại nhiều năm nay của Fed.
Fed đã tăng lãi suất 9 lần từ năm 2015 đến 2018 để kìm hãm đà tăng giá. Thời điểm tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh sau khi đạt 10% trong năm 2009, các quan chức tin rằng lương và lạm phát sẽ sớm tăng cao.
Tiền lương đã tăng lên, nhưng ít hơn đáng kể so với tỷ lệ thất nghiệp, hiện ở mức 3,5%. Giá cũng chỉ nhích lên một chút.
"Chúng tôi ở dưới mức mục tiêu 90% thời gian trong 10 năm qua," ông Torves Slok, giám đốc điều hành của Deutsche Bank Securities cho biết. Điều đó đang thúc đẩy một sự thay đổi cơ bản trong cách các ngân hàng trung ương suy nghĩ về lạm phát.
Nhưng đó không đơn giản là sự thay đổi trong một sớm một chiều. Fed đang xem xét lại khung chính sách của mình và mục tiêu chính là tìm ra biện pháp tốt hơn để giữ lạm phát dao động khoảng 2%.
Nhiều nhà kinh tế học cho rằng Fed sẽ quyết định giữ mức lạm phát trung bình 2% trong một khoảng thời gian. Trong các chu kỳ kinh tế gần đây, điều này đòi hỏi lãi suất rất thấp trong thời gian dài hơn.
Tăng giá chậm có thể là tin tốt đối với những người mua sắm hàng ngày, nhưng lại là tin xấu cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Các ngân hàng trung ương bắt đầu nhắm mục tiêu lạm phát vào những năm 1990 như một cách để giữ cho giá trị của tiền không bị thay đổi nhanh chóng khiến kinh tế bất ổn. Vào năm 2012, Fed chính thức áp dụng mục tiêu lạm phát 2% - mức thấp vừa đủ để ổn định tối đa giá cả và việc làm.
Khi lạm phát thấp và ổn định, các cá nhân có thể giữ tiền mà không phải lo lắng rằng lạm phát cao sẽ nhanh chóng làm xói mòn sức mua của họ. Hơn nữa, các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định tài chính dài hạn như vay, cho vay, tiết kiệm và đầu tư chính xác hơn. Lãi suất dài hạn cũng thường ở mức vừa phải khi lạm phát thấp và ổn định.
Tỷ lệ lạm phát cao hơn sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của các quyết định kinh tế và tài chính dài hạn. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát quá thấp có khả năng biến thành giảm phát, một hiện tượng liên quan đến điều kiện kinh tế rất yếu.
Hiện nay, cả thế giới đang đối mặt với áp lực chống lạm phát, Fed cũng không ngoại lệ.
Tại Nhật Bản, kỳ vọng lạm phát bắt đầu trượt dốc vào đầu những năm 1990 khi mức tăng giá theo thời gian thực bị giảm xuống dưới 2%. Giá hiện đang tăng ít hơn 1%/năm, ngay cả sau khi ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất xuống dưới 0 và mở ra một chiến dịch mua tài sản tích cực.
Sự bất ổn đã lan sang khu vực đồng euro. Cho thấy các nhà kinh tế không kỳ vọng lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2% bất kỳ thời điểm nào trong vòng 5 năm tới, mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cắt giảm lãi suất chính sách gần đây.
Fed đã đến rất gần với mục tiêu đã đặt ra, giá cả đang tăng chậm trong năm nay - nhiều nhà kinh tế vẫn hy vọng chúng sẽ đạt 2%.
Theo ông Randal Quarles, phó chủ tịch giám sát của Fed, các chỉ số lạm phát hiện tại đang rất gần với con số 2% và có thể đạt được mục tiêu đó trong những tháng tới.
Nhưng tại Mỹ, kỳ vọng lạm phát tiêu dùng đã bắt đầu tụt dốc.
Ước tính của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York về mức độ kỳ vọng lạm phát tiêu dùng dài hạn đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2013. Chỉ số kỳ vọng lạm phát Đại học Michigan công bố cũng giảm.
Ông Richard Clarida, phó chủ tịch của Fed, cho rằng kỳ vọng lạm phát như vậy phù hợp với sự ổn định giá cả. Ông Powell đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ chúng ở mức phù hợp với việc đạt được mục tiêu giá của ngân hàng trung ương.
Bà Lael Brainard, một thống đốc Fed, đã gợi ý rằng ngân hàng trung ương có thể nắm lấy cơ hội phục hồi hệ thống tiền tệ: cho phép tăng giá tạm thời từ thuế quan hoặc các nguồn khác không bị ảnh hưởng, chứng tỏ rằng Fed nghiêm túc với mục tiêu đặt ra.
Tổng thống Trump, người đã gây áp lực với Fed - tổ chức độc lập về chính trị để giảm lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng, đã đăng trên Twitter vào tháng 8: "Mỹ nên giữ mức lãi suất thấp nhất. Không lạm phát! Đó chỉ là sự ngây thơ của Jay Powell và Cục Dự trữ Liên bang mà không cho phép chúng ta làm những gì các quốc gia khác đang làm."
Nhưng giữ lãi suất thấp để đẩy lạm phát cao hơn có thể phải trả giá, khi các nhà đầu tư theo đuổi lợi nhuận cao hơn, như đã xảy ra vào đầu những năm 2000 - khi bong bóng dotcom vỡ tung và vào năm 2008 - khi lãi suất thấp đã góp phần vào sự bùng nổ nhà ở, làm sụp đổ hệ thống tài chính toàn cầu.
Điều đó đã khiến một số quan chức, như bà Esther George, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Thành phố Kansas, không ủng hộ việc cắt giảm lãi suất gần đây của ngân hàng trung ương.
Chính sách nới lỏng có thể làm tăng lạm phát, nhưng lại thắt chặt hơn một thị trường lao động vốn đã nóng và thúc đẩy sự mất cân đối tài chính, bà George nói trong một bài phát biểu gần đây. Đối với tình trạng kinh tế trì trệ, cần một lượng tiền tệ đáng kể để đẩy lạm phát đi lên.
Hiện tại, Phố Wall tin rằng chi phí vay sẽ không tăng cao hơn trong thời gian tới. Điều này một phần phản ánh triển vọng kinh tế ảm đạm, nhưng giá cả thị trường cho thấy khả năng trong năm tới, lãi suất sẽ giảm, chứ không tăng.
Tuần trước, ông Powell đã nói: "Hiện giờ chúng tôi không nghĩ đến việc tăng lãi suất."