Quan điểm đáng suy ngẫm: Nhiều phụ huynh chỉ muốn con có bảng điểm đẹp, vô tình chặn đứng ước mơ tương lai của trẻ
Hãy để con bạn được phát huy thế mạnh của bản thân và thực hiện được những ước mơ dù bảng điểm không đẹp.
- 09-10-2021NS Thanh Bùi: Giáo dục sáng tạo là tạo ra 1 môi trường mở để các con có thể đặt bất kì câu hỏi nào mà không bị chê trách, không bị "phạt"
- 08-10-2021GS Ngô Bảo Châu: "Năng lực sáng tạo là kỹ năng cần thiết để sống cuộc sống hiệu quả, giáo dục sáng tạo không phải là một trào lưu nhất thời mà là xu thế tất yếu"
- 03-10-2021Nếu bị đánh vì mắc lỗi, trẻ sẽ chỉ ghi nhớ việc "bị đánh rất đau": Chuyên gia nhấn mạnh giáo dục trẻ em cần đúng cách, đúng mục đích và người lớn cần đặc biệt lưu ý điều này
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc, được biết tới với bút danh quen thuộc là Penci Black. Ngoài mảng văn học, truyện ngắn, anh Bùi Ngọc Phúc còn rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và từng tư vấn, giúp đỡ nhiều học sinh thi đỗ cấp 3, đại học. Anh cũng chính là tác giả của hai cuốn bí kíp được các bậc phụ huynh, học sinh truyền tay nhau mỗi đợt tuyển sinh là "Cùng con bước qua các kỳ thi" và "Tư vấn kỳ thi vào 10".
Trên trang cá nhân, anh thường có những chia sẻ tâm huyết về các vấn đề thi cử, giáo dục. Các chia sẻ của nam nhà văn nhận nhiều sự đồng tình vì tính thời sự, bám sát thời cuộc. Mới đây, anh Bùi Ngọc Phúc có đôi dòng về một chủ đề tuy cũ nhưng chưa bao giờ hết hot: Khi điểm số là rào cản ước mơ.
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc.
Dưới đây là chia sẻ của anh:
"Như mọi người đều biết trong giáo dục, mục đích của việc cho điểm nhằm đánh giá và phân loại học sinh, từ đó giúp các con học tập sao cho hiệu quả. Có nhiều cách cho điểm và đánh giá khác nhau trên thế giới. Ngày trước các nước XHCN và Liên Xô có thang điểm đến 5, Việt Nam và một số nước trong khu vực có thang điểm đến 10 (hiện nay vẫn áp dụng) còn nhiều nước khác họ đánh giá theo mức; A ... A.. B... C. Các du học sinh vẫn được đánh giá bài theo cách đó.
Hiện nay ở bậc tiểu học, nhiều môn đã không chấm điểm, giáo viên chỉ phê; H = hoàn thành. Đ = Đạt và F là mức không hoàn thành. Nếu như ở nước ngoài, mục đích của việc đánh giá trong học tập nhằm giúp học sinh phát huy được thế mạnh của mình, qua đó định hướng cho tương lai, thì ở Việt Nam điểm số lại được nhìn nhận theo cách khác.
Trong các bài giới thiệu về du học các nước, tôi cũng ghi rõ, nhiều con học hết bậc THPT là đi thẳng vào các trường nghề, các trường cao đẳng với thời gian đào tạo ngắn hơn, chi phí thấp hơn. Khi học xong các con có thể tham gia thị trường lao động được ngay, tuy nhiên ở Việt Nam các gia đình đi theo chiều ngược lại. Nhiều bạn học rất giỏi các môn tự nhiên, điểm số các môn Toán, Lý, Hóa rất cao, nhưng điểm số các môn xã hội, nhất là môn Ngữ Văn lại khá thấp.
Ngược lại các bạn có điểm môn Ngữ Văn cao, còn điểm môn Lý, Hóa không được như ý. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh vội tìm thầy cô dạy thêm cho con mình để có kết quả tốt hơn. Tuy nhiên không phải bạn nào đi học thêm là hóa giải được điểm số, do sự hứng thú cũng như khả năng của mỗi con là có hạn.
Mấy năm trước khi việc chấm thi vào THPT cộng với xét điểm cộng của 4 năm học THCS khiến cho việc chạy điểm, nâng điểm diễn ra khá phổ biến. Thậm chí nhiều phụ huynh không biết sức học thật của con mình ở đâu khi nhìn vào học bạ hay bảng điểm. Đặc biệt nếu nhìn vào học bạ của học sinh cuối cấp, không khó để nhận ra các cô giáo có phần nương tay khi cho điểm các con.
Không trách các cô được, bởi chính phụ huynh nếu thấy con điểm không được như mong muốn, ngay lập tức sẽ tìm mọi cách xin xỏ. Thậm chí có phụ huynh gọi điện cho cô giáo dù mới 4 giờ sáng, nếu không được toại nguyện, phụ huynh dọa chuyển con sang trường khác hoặc đăng bài nói xấu cô và trường học. Tất cả những việc chấm điểm nương tay, xin điểm hoặc cho điểm đã tạo ra một sự chạy đua điểm số khiến các con cũng bị cuốn vào dòng thác đó. Vậy nên các con không thể phát huy được thế mạnh của mình.
Một lớp 40 cháu nhưng có đến 39 cháu đạt danh hiệu HSG, cháu nào bảng điểm cũng giống y chang nhau. Chính vì vậy sau này mới có tình trạng, 12 điểm cho 3 môn vẫn bước vào giảng đường Đại học chứ quyết không chịu đi học nghề. Có năm, thủ khoa đầu vào của một trường Đại học Dân lập có 14 điểm. Thay vì giúp con phát huy thế mạnh cá nhân, nhiều phụ huynh chỉ muốn con mình có bảng điểm đẹp như mơ. Tình trạng "be bờ đắp đập" xảy ra, các con sẽ học thêm hầu hết các môn, dù rằng thực tế đã chứng minh, điều đó là không cần thiết.
Phụ huynh cần nhớ rằng: "Một ông nhà thơ suốt ngày lãng đãng, đừng mong vị đó nhớ đến hàm số hay giải tích. Một ông làm về khoa học máy tính, không nhất thiết phải nhớ ai đạt giải Nobel về Văn học...".
Do chạy theo thành tích, vô hình chung bảng điểm lại được coi như là thước đo đánh giá một con người. Chắc mọi người còn nhớ, khi Hoa hậu Việt Nam đăng quang vào tối hôm trước ở vòng chung kết, ngay sáng hôm sau, bảng điểm của cô tân Hoa hậu sẽ được tung tràn ngập trên các báo mạng, kéo theo đó là hàng ngàn bình phẩm ác ý bởi vì kết quả học tập của tân Hoa hậu quá kém.
Dù mọi so sánh là khập khiễng, nhưng ngày trước nếu không bị đuổi về đi chăn lợn vì mải chơi không chịu học theo sách vở, chắc nước Mỹ sẽ không có nhà phát minh Thomas Edison với 1.093 bằng sáng chế được thế giới công nhận. Hơn ai hết bố mẹ hãy để con mình được phát huy sở trường, không nên quá lo lắng về điểm số một vài môn không được như mong muốn.
Mấy năm gần đây, không chỉ các nhà tuyển sinh của các trường đại học nước ngoài, mà chính các nhà tuyển dụng lớn của quốc tế đã khẳng định: GPA không phải là tất cả. Thay vì chỉ đọc các bài luận, nhìn bảng điểm, họ chú trọng hơn vào phần phỏng vấn để tìm người thích hợp. Có một bài viết được chia sẻ có nội dung mà tôi thấy khá tâm đắc: Khi cậu học sinh bị thầy giáo cho điểm kém vì bài viết không theo giáo trình, thay vì sửa bài theo yêu cầu để được tăng điểm, bạn học sinh đó đã nói: "Điểm 01 thầy hãy ghi vào sổ, còn em sẽ ôm lấy giấc mơ của mình".
Con đi học có được điểm cao tất cả các môn là mong muốn của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên điều tuyệt vời hơn, đó chính là hãy để con bạn được phát huy thế mạnh của bản thân và thực hiện được những ước mơ dù bảng điểm không đẹp như mơ.
Muốn được như vậy, không ai khác chính bố mẹ đừng để điểm số là rào cản những ước mơ của con mình".
Pháp luật và bạn đọc