MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan điểm gây chú ý: 'Xin đừng đẩy con cái xa mình vì hai chữ tương lai'

03-07-2023 - 08:03 AM | Sống

Hãy đặt bản thân vào con để hiểu cho nó, đừng để con cái phải gánh vác giấc mơ kỳ vọng của người lớn.

Anh Lê Hùng Phi (hiện 39 tuổi, cựu sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM) là một cái tên khá "nổi" trong cộng đồng du học sinh Việt ở Canada. Đi du học ở tuổi 32 khi đã có gia đình, anh đã đạt được nhiều thành tích như: 

- Xếp loại học tập luôn đạt A, A+, đạt liên tiếp 5 học bổng và đạt 3 job offers ở Toronto khi còn chưa tốt nghiệp.

- Đạt chứng chỉ CELPIP 9.0 tại Canada (tương đương IELTS 8.0) và bằng TESOL (chứng chỉ đủ điều kiện để trở thành gia sư dạy tiếng Anh cho chính người nước ngoài).

- Đạt điểm thi GPA là 4.35/4.5 và đủ chuyên môn trở thành một gia sư tiếng Anh.

Hiện tại, anh Lê Hùng Phi đã lấy được thẻ thường trú nhân cho cả gia đình và đạt được những thành công nhất định ở Canada. Trên trang cá nhân, anh thường xuyên chia sẻ tới cộng đồng mạng kinh nghiệm đi du học của mình. 

Mới đây, bàn về vấn đề cho con đi du học sớm, anh Phi đã có những chia sẻ nhận nhiều sự chú ý. Trên thực tế, ngày càng có nhiều phụ huynh cân nhắc việc cho con đi du học sớm. Nhưng ngoài vấn đề chi phí, còn rất nhiều vấn đề phát sinh khác, liệu có đáng để cha mẹ "hy sinh" không? Anh Phi đã có những quan điểm riêng về vấn đề này.

Quan điểm gây chú ý: "Xin đừng đẩy con cái xa mình vì hai chữ tương lai" - Ảnh 1.

Gia đình anh Lê Hùng Phi.

Được sự đồng ý của anh, xin phép chia sẻ lại bài viết như sau: 

Nhiều người nhắn tin hỏi mình lời khuyên về việc cho con đi du học từ nhỏ, trong khi cha mẹ không muốn đi, chỉ thích sống và kinh doanh ở Việt Nam. Mình đã phải khuyên các anh chị này từ bỏ ý định cho con đi du học từ nhỏ như thế. Một số nghe theo, một số không. 

Mỗi người một lựa chọn, nhưng mình cám cảnh những đứa trẻ 8 đến 10 tuổi chưa đủ tự lo cho bản thân phải ở cách xa cha mẹ để sống bên cạnh những người lạ trên danh nghĩa custodians (người giám hộ) chỉ vì hai chữ tương lai, nghĩ mà tội lắm!

Tương lai là một khái niệm mơ hồ người lớn áp đặt cho trẻ con, trẻ không cần biết tương lai tốt hay xấu. Ở độ tuổi đó, trẻ cần cha mẹ ở bên hơn bao giờ hết.

Vì sao mình biết điều này? Vì mình đã là cha của 3 em nhỏ, đã từng phải xa các con gần 1 năm để đến Canada lập nghiệp trước, sau đó ổn định việc học, việc làm, chỗ ở và cân đối tài chính đủ hết rồi mình mới quay về đưa vợ con qua sau. 

Khoảng thời gian đó đối với mình dài lê thê như hàng thế kỷ và tâm trạng tệ lắm, nhớ con và lo cho gia đình biết bao còn các con mình cũng rất chênh vênh. Có lần con lớn của mình bị bạn trêu. Cháu đã khóc tức tưởi hét to: “mình có ba, ba mình đang đi làm xa, ba về, mình mách ba”.

Nghe vợ kể lại mà mình thương các con, cũng may chỉ là xa cách tạm thời một khoảng thời gian ngắn.

Nói riêng về chuyện định cư ở Canada, mình thấy có những cha mẹ muốn định cư ở Canada, dù hồ sơ khả quan nhưng không chịu chủ động đi vì: Lười học tiếng Anh, không muốn học lại nghề nào đó, ngại phải lao động vất vả… cùng ti tỉ lý do khác. Nhìn chung chỉ khoảng 3~5 năm là có thể lấy định cư cho cả gia đình, nhưng những anh chị này lại muốn cho con đi du học từ lớp 6 rồi sau đó con bảo lãnh cha mẹ sau cho nhàn. 

Ý kiến của mình như sau: 

- Lớp 6 đến lớp 12 là 7 năm học: Tiền học một năm cho du học sinh quốc tế, phụ huynh nhân lên cho 7, cộng thêm tiền homestay mỗi tháng và tiền trả cho người giám hộ thay bố mẹ chăm sóc con. Thay vì nếu có PR (Permanent residency - thường trú nhân) là sẽ được học miễn phí.

- Học nghề College là 2 năm, còn học University thì 4 năm: Phụ huynh nhân lên cộng lại. Nếu có PR cháu tự mượn tiền học của chính phủ cho vay, sau đi làm trả góp lại.

- Đi làm thêm 1~2 năm để có Canadian Working Experience (Kinh nghiệm làm việc tại Canada), thêm 1 năm hoàn thiện hồ sơ PR nữa, sơ sơ như trên nhanh thì 10 năm còn chậm là 14 năm trẻ mới có thẻ định cư.

- Để bảo lãnh cha mẹ, con cái phải mang tình trạng PR đi làm 3 năm đóng thuế đủ tiêu chuẩn mới có thể làm hồ sơ này mất thời gian 1~2 năm. Tất cả chi phí ở trên chỉ mới là cho 1 đứa con, gia đình có 2 đứa học thì nhân đôi lên nữa sẽ cực kỳ tốn kém.

Liệu anh chị có đủ kiên nhẫn và tài chính để đầu tư vào một kế hoạch dài hơi như thế? Quan điểm của mình là không nên. Nếu các bạn muốn sống ở một đất nước khác, gia đình ở đâu con cái nên ở đó theo. Trẻ như những cái cây non, không có cha mẹ yêu thương chăm sóc uốn nắn thì sẽ khó phát triển tốt. 

Một vài người bạn của mình được nhà cho đi du học từ cấp 3 kể lại rằng cảm giác rất buồn và cô đơn, chẳng biết phải làm gì và xoay sở ra sao khi lần đầu sống xa gia đình như vậy ở tuổi 16. Huống hồ gì anh chị tính cho những đứa trẻ 8 đến 10 tuổi đi du học một mình, hãy đặt bản thân vào con để hiểu cho nó, đừng để con cái phải gánh vác giấc mơ kỳ vọng của người lớn. Hậu quả có thể thấy là trẻ sẽ cảm thấy xa lạ với gia đình và quên mất truyền thống văn hóa trong nhà. 

Nếu cha mẹ muốn cho con biết thêm về môi trường học và sinh hoạt mới mẻ thì có thể cho cháu tham gia trại hè ngắn hạn khoảng 4~8 tuần, khi nào cháu đủ 16~18 tuổi thì có thể xác định đi du học vài năm vì ở độ tuổi đó có vài cái lợi như: Cũng đã có suy nghĩ và có thể nói lên chính kiến nếu có gì bất thường, học tiếp thu sớm môi trường học thuật mới sẽ dễ đạt kết quả tốt hơn khi vào đại học và thích nghi nhanh cuộc sống sau khi tốt nghiệp đi làm môi trường quốc tế. 

Cái bất lợi là ở độ tuổi teen (tuổi dậy thì) mà không có cha mẹ ở bên hướng dẫn bầu bạn sẽ dễ sa đà vào các nhóm bạn rồi lơ là học hành cũng như dễ bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ không đúng đắn. Môi trường sống và giáo dục ở trường lớp là quan trọng, nhưng giáo dục từ gia đình vẫn là cốt lõi để trẻ em phát triển tốt.

Hãy để gia đình vẫn sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc cho con cái bạn, núi cao hồ rộng có thể phá dỡ đổi dời, nhưng ký ức đẹp của trẻ thơ khi ở bên bạn sẽ không thể thay đổi hoặc tìm lại được nếu lỡ để trôi qua.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên