Quận đông dân nhất Hà Nội lột xác, tăng thu ngân sách hơn 60 lần sau 19 năm thành lập
Năm 2021, tổng thu ngân sách của Hoàng Mai đạt 5.664 tỷ đồng, gấp hơn 60 lần con số 90 tỷ đồng của năm 2004 khi mới lập quận.
- 01-12-2022Thu hồi triệt để các dự án treo
- 01-12-2022PMI Việt Nam tháng 11 giảm còn 47.4 điểm do điều kiện kinh tế thế giới xấu đi
- 01-12-2022Tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương
Quận Hoàng Mai có diện tích 41 km², dân số là 506.347 người và là quận đông dân nhất Hà Nội, nằm trong top 10 quận đông dân nhất Việt Nam (Theo Tổng điều tra dân số năm 2019). Quận được thành lập năm 2003 chỉ với khoảng 187.000 người. Trong những năm đầu thành lập, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của quận, thương mại - dịch vụ còn manh mún.
Thu ngân sách của Hoàng Mai cũng có những bước tăng trưởng ấn tượng. Năm 2004, thu ngân sách quận đạt 90 tỷ đồng. Sau 15 năm thành lập, vào năm 2018, tổng thu ngân sách quận ước đạt gần 7.100 tỷ, gấp gần 80 lần so với khi mới thành lập. Năm 2021, do dịch bệnh, nhiệm vụ thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, tổng thu ngân sách quận Hoàng Mai vẫn đạt 100% dự toán (5.664 tỷ đồng); tổng chi ngân sách đạt 98% dự toán (2.3337 tỷ đồng).
Trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế quận Hoàng Mai tăng trưởng khá, tổng giá trị các ngành chủ yếu ước đạt 30.567,6 tỷ đồng, tăng 9,34% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới là 2.836 doanh nghiệp, tăng 15% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn quận lên 17.460 doanh nghiệp (gấp hơn 40 lần con số 421 doanh nghiệp năm 2004). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước đạt 3.127,37 tỷ đồng, bằng 70,5% dự toán.
Quận Hoàng Mai cũng là đầu mối giao thương của thành phố với các loại hình giao thông phong phú: đường thủy, đường sắt, đường bộ. Quận có các tuyến giao thông quan trọng đi qua gồm: Quốc lộ 1, đường vành đai 2,5, đường vành đai 3, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cầu Thanh Trì và nhiều tuyến đường sắt đô thị sẽ được xây dựng trong tương lai.
Quận Hoàng Mai có ga Giáp Bát, bến xe Giáp Bát, bến xe Nước ngầm là đầu mối, trọng điểm trong kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hoá.
Đi cùng với tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, quận Hoàng Mai cũng đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Hàng loạt khu đô thị mới được xây dựng thay đổi diện mạo của quận như Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Định Công, Đại Kim, Đền Lừ I - II, Kim Văn - Kim Lũ, Vĩnh Hoàng, Hoàng Văn Thụ…
Công viên Yên Sở rộng gần 150 ha là công viên rộng nhất Hà Nội, có thể phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, dã ngoại và tập thể dục của người dân.
Quận Hoàng Mai vẫn còn gần 400 ha đất nông nghiệp, nằm trên địa bàn các phường Lĩnh Nam, Yên Sở và Trần Phú. Quận có nghề trồng hoa, rau sạch tại Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng; nuôi cá ở Yên Sở.
Bản đồ quận Hoàng Mai
Nhịp sống thị trường