Quản lý hơn 300 nhân viên, run rẩy mỗi khi phát biểu, ông chủ hướng nội này vẫn tạo ra doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm: Quyết khởi nghiệp vì một lần bực mình!
"Khi nhìn sản phẩm được làm một cách hời hợt nhưng lại có giá thành đắt nhất trong số những sản phẩm cùng loại trên sàn thương mại điện tử, tôi cảm thấy, vậy thì tôi sẽ tự làm ra sản phẩm kiểu này”.
- 11-04-202210 sai lầm trong ứng xử mà lãnh đạo có EQ không bao giờ mắc phải: Từ quản lý nhân viên để quản trị chính mình, nắm chắc thì công việc luôn suôn sẻ
- 10-04-2020Quản lý nhân viên làm việc tại nhà vì dịch Covid-19 dễ dàng hơn nhờ 5 quy tắc đơn giản: Điều cốt lõi là các sếp phải có lòng tin với cấp dưới
- 21-03-2019Từng quản lý nhân viên chặt chẽ đến từng chi tiết, tới khi toàn bộ bỏ việc hết tôi mới sực tỉnh: Hóa ra mọi nhà lãnh đạo giỏi đều sở hữu đặc điểm chung cực quan trọng này
Kinh doanh sản phẩm cho vật nuôi là một đường đua lớn, Lưu Khôn, là người thành công vang dội trên đường đua này.
Máy cho vật nuôi ăn, máy sấy cho vật nuôi,… các sản phẩm của công ty Homerun của anh luôn nằm trong TOP10 những sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử, doanh thu năm 2023 dự kiến đạt được hơn 400.000.000 tệ (khoảng 1.300 tỷ VNĐ).
Một công ty với hơn 300 nhân viên, nhưng ông chủ của họ, Lưu Khôn lại là một người vô cùng hướng nội, bản thân anh chia sẻ mình sẽ run khi phải phát biểu trong mỗi cuộc họp, suy nghĩ đầu tiên trong đầu luôn là muốn chạy ra bên ngoài.
01
Quyết định khởi nghiệp vì một lần bực mình
Lưu Khôn vốn theo học về kiểm soát tự động tại học viện công nghệ Cáp Nhĩ Tân. Sau khi ra trường, anh tham gia vào ngành thiết bị y tế, làm việc tại Mindray, một công ty chuyên về thiết bị y tế. Làm việc được 3 năm, Lưu Khôn chuyển công tác sang IKA, một công ty của Đức, phụ trách nghiên cứu máy phân tích trong các phòng thí nghiệm.
Anh vốn là người rất thích động vật, thích nuôi mèo, nuôi chó và cũng từng mua rất nhiều sản phẩm cho chó mèo trên mạng, trong đó có một chiếc máy cho ăn tự động. Trong một lần đi công tác hai ngày, khi trở về nhà, anh phát hiện ra mèo của mình kêu rất nhiều, sau khi kiểm tra, anh phát hiện ra chiếc máy cho ăn tự động bị kẹt, "lúc đó tôi đã rất tức giận, tôi tháo chiếc máy đó ra, phát hiện ra bảng mạch có chỗ dùng băng dính dán lại, phần âm báo cũng chỉ là một sợi dây treo lửng lơ tại đó, không được cố định. Vì ngành nghề và công việc trước đó mà tôi làm liên quan tới thiết bị y tế nên yêu cầu với sản phẩm là cực kì nghiêm ngặt, vậy nên khi nhìn sản phẩm được làm một cách hời hợt nhưng lại có giá thành đắt nhất trong số những sản phẩm cùng loại trên sàn thương mại điện tử, tôi cảm thấy, vậy thì tôi sẽ tự làm ra sản phẩm kiểu này."
Cứ như vậy, hành trình khởi nghiệp của Lưu Khôn chính thức bắt đầu.
02
"Đã có những lúc tôi cảm thấy vô cùng cô đơn"
Nghĩ là làm, khi đã nung nấu ý định, Lưu Khôn quyết định nghỉ việc để tập trung hoàn toàn cho việc khởi nghiệp.
Khoảng thời gian đó, anh may mắn gặp được quý nhân và cũng là nhà đầu tư đầu tiên của mình.
Giai đoạn đầu khi mới khởi nghiệp và nhận đầu tư, mỗi ngày Lưu Khôn đều tiêu tiền vào nghiên cứu, anh cũng luôn có trong đầu một suy nghĩ không biết liệu có trụ được tới nửa năm hay một năm hay không.
Năm 2015, sau khi nhận được 100 vạn tệ tiền đầu tư (khoảng 3.2 tỷ đồng), ngoài việc làm máy cho thú cưng ăn tự động, anh cũng nghĩ tới việc thiết kế robot tự động có thể đi theo vật nuôi, giúp chủ nhân biết vật nuôi của mình đang làm gì cũng như tình trạng cơ thể ra sao. Nhà đầu tư rất hài lòng sau khi biết ý tưởng và bản thiết kế, đồng thời đầu tư thêm 500 vạn (khoảng 16 tỷ đồng) để sản xuất ra sản phẩm. Tuy nhiên sau khi đi vào sản xuất, anh phát hiện ra tỷ lệ rủi ro khi thương mại hóa robot là khá lớn, vì vậy, cả nhóm quyết định chỉ sản xuất máy cho vật nuôi ăn tự động. Năm 2017, anh và đồng đội của mình chính thức bày bán sản phẩm ra thị trường, thu được doanh thu 300 vạn tệ (khoảng 9.7 tỷ đồng).
Sau đó, cả nhóm tiếp tục nhận được đầu tư từ một nhà đầu tư về công nghệ có tiếng. Lúc này, Lưu Khôn tiếp tục ý tưởng tạo ra máy vệ sinh cho mèo. Ý tưởng này xuất phát từ thực tế khi đó tại Trung Quốc, khay cát cho mèo đi vệ sinh vẫn chưa xuất hiện, chỉ có sản phẩm ở nước ngoài có tên Little Robot, giá cả khi bán ở Trung Quốc khá đắt đỏ, hơn 5000 tệ (khoảng 16 triệu đồng), vì vậy, khi sản phẩm mẫu của Homerun ra mắt, ngay lập tức đã có khoảng 10.000.000 đơn hàng đặt trước.
Nhận được số lượng lớn đơn đặt hàng, anh bắt tay vào sản xuất. Những tưởng công việc kinh doanh sẽ đi vào quỹ đạo và bùng nổ, tuy nhiên, biến cố lớn đã xảy ra.
Trong quá trình kiểm nghiệm lần cuối trước khi chính thức sản xuất với số lượng lớn, Lưu Khôn và nhóm của mình phát hiện ra vấn đề tiềm ẩn về an toàn, cụ thể, sản phẩm có thể xuất hiện trường hợp máy kẹp làm mèo bị thương. Vì sản phẩm Little Robot của nước ngoài cũng tồn tại vấn đề này, vậy nên khi làm sản phẩm này, Lưu Khôn hi vọng mình có thể giải quyết được vấn đề này thay vì vẫn để nó tồn đọng, anh không muốn sự việc của mèo của khách hàng bị thương hay những tình huống cực đoan hơn xảy ra. Vì vậy, anh đã đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn, hủy bỏ toàn bộ hơn 10 triệu đơn đặt hàng trước đó để nghiên cứu lại từ đầu sản phẩm. Số tiền bỏ ra để tham dự triển lãm, tất cả những đầu tư vào nghiên cứu trước đó cũng coi như bỏ đi. Đây cũng chính là giai đoạn khó khăn nhất trong suốt 7 năm khởi nghiệp của anh.
Khi đó, công ty đồng thời cũng đang nghiên cứu sản phẩm buồng sấy cho chó mèo, tuy nhiên, rất nhiều người trong nhóm phản đối việc hủy đơn hàng khay vệ sinh cho mèo, họ đồng thời cũng cho rằng thị trường của sản phẩm buồng sấy không tiềm năng. Cứ như vậy trong suốt năm 2020, công ty của anh không cho ra sản phẩm mới. Cuối năm 2020, sau khi nghiên cứu xong buồng sấy, anh không còn tiền để đầu tư cho khuôn mẫu, số liệu kinh doanh của công ty rớt thảm hại, tổn thất rất nặng nề. Nội bộ công ty cũng xảy ra những điều không như ý. Một vài nhân viên quyết định rời đi, người phụ trách kết cấu sản phẩm của nhóm cũng rời đi.
Khó khăn là vậy, nhưng cuối năm đó, anh vẫn cố gắng xoay sở để phát lương và cả thưởng cho nhân viên của mình, cộng với việc cuối năm cần thanh toán cho nhà cung ứng, anh quyết định thế chấp ngôi nhà mình đang ở, và đi vay bạn bè. Khoảnh khắc thế chấp nhà, anh chia sẻ bản thân cũng rất hoang mang, "không biết một năm sau, mình vẫn gánh trên mình số nợ này hay có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Một khi thất bại, tôi sẽ mất hết tất cả. Suốt cả giai đoạn đó, một mình tôi gánh vác, chịu đựng hết mọi chuyện, cảm giác như trên thế giới này, tôi chỉ có một mình vậy. Giống như một ngọn lửa, chỉ một mình bạn nỗ lực duy trì nó, cố gắng không để nó tắt. Khi đó thực sự cảm thấy vô cùng cô đơn. Nhưng càng là tới giai đoạn này rồi, bạn lại càng không thể bỏ cuộc, hi vọng thắng lợi đang ở phía trước."
Sau đó, mọi chuyện cũng được giải quyết, sản phẩm máy sấy được bày bán, số liệu kinh doanh dần dần có sự khởi sắc.
Bắt đầu từ năm 2017, doanh thu của công ty là 350 vạn tệ (khoảng 11 tỷ đồng), tới 2021, doanh thu là 100 triệu tệ, năm 2022, doanh thu 250 triệu tệ, năm 2023, dự tính doanh thu rơi vào khoảng 400 triệu tệ (khoảng 1.300 tỷ VNĐ).
03
"Cứ làm thật tốt sản phẩm của mình, rồi một ngày nào đó bạn sẽ được công nhận"
Cá nhân Lưu Khôn cho rằng những nhà khởi nghiệp tập trung vào phát triển và tạo ra sản phẩm chất lượng, trong tương lai, khoảng 10 tới 20 năm nữa, sẽ là nhóm người gặp được rất nhiều cơ hội và là những người thành công nhất.
"Những năm 70-90, tại Trung Quốc, chỉ cần có gan, bạn làm gì cũng có thể kiếm tiền. Những năm 90 tới năm 2000, là giai đoạn quản lý chi tiết hóa, sản xuất sản phẩm thay cho các thương hiệu nước ngoài lên ngôi, lúc này bạn cần khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm, cần năng lực về mặt chi phí, vốn, trong giai đoạn này, người sở hữu điều này sẽ thành công. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn tạo ra những sản phẩm chất lượng tầm vóc toàn cầu, đây là điều mà Trung Quốc hiện tại đang thiếu nhất và cũng là lĩnh vực tạo ra nhiều cơ hội lớn cho những nhà khởi nghiệp tập trung vào phát triển và tạo ra sản phẩm chất lượng", Lưu Khôn bày tỏ quan điểm của mình.
Và để làm được điều đó thì theo anh, một giám đốc về sản phẩm cần có, "thẩm mỹ tốt, không nhất định là về ngoại hình, họ biết đâu là thứ tạo nên một sản phẩm tốt. Phán đoán sắc bén và biết lắng nghe, giỏi quan sát, có thể sắc bén nhìn ra được nhu cầu thực sự của khách hàng. Ngoài ra cũng cần những kiến thức về công nghệ kỹ thuật khá là rộng, cũng như luôn tò mò về công nghệ kĩ thuật, và có nhiệt huyết tinh thần muốn đi nghiên cứu sản phẩm đó."
Sản phẩm máy sấy của công ty Homerun hiện đã phá vỡ kỉ lục thế giới. Tiếp theo, Lưu Khôn chia sẻ rằng các nước Âu Mỹ sẽ là thị trường chính thứ hai mà họ hướng tới, thị trường nước ngoài gộp lại lớn gấp 10 lần thị trường tại Trung Quốc, và đây sẽ là một không gian thị trường vô cùng tiềm năng.
04
Kiên định và kiên định hơn nữa!
Bàn về cách tạo gợi nhớ thương hiệu, ông Nguyễn Trung Dũng, CEO của DH Foods trong một buổi trò chuyện với Vietsuccess, cũng từng chia sẻ quan điểm của mình rằng: "Ở Việt Nam thì nghĩ làm thương hiệu là truyền thông, logo, tôi thì lại nghĩ khác. Thương hiệu chính là chất lượng, từ sản phẩm đến dịch vụ. Tức là mình làm chỉn chu từ đầu. Mỗi ngày có thể tốt hơn một chút, cho đến một ngày, người ta sẽ nhớ đến tên của mình. Nhưng người ta nhớ đến không phải do mình làm quảng cáo hay gì nhiều, mà người ta nhớ vì người ta đã mua sản phẩm đó rồi. Họ đã dùng rồi và thích sản phẩm đó rồi. Mình cứ đi theo hướng của mình."
Steve Jobs, người đồng sáng lập của Apple, cũng từng chia sẻ quan điểm của bản thân trong một bài phỏng vấn cách đây rất nhiều năm rằng: "Có một hiện tượng rất thú vị đó là có một nhóm người không bao giờ nhắc tới chất lượng sản phẩm của mình trong quá trình làm marketing, những người đó là người Nhật Bản. Bạn sẽ không bao giờ thấy họ tự khen sản phẩm của mình tốt ra sao trong những bài marketing của mình. Chỉ những người Mỹ mới thích làm điều này. Và nếu như bạn hỏi bất cứ một ai, những người đi trên phố, sản phẩm của quốc gia nào là chất lượng nhất, câu trả lời của họ sẽ là sản phẩm của Nhật Bản. Tại sao lại như vậy? Đáp án chính là khách hàng không hình thành quan điểm của họ về chất lượng của sản phẩm thông qua marketing, họ không hình thành quan điểm của họ về chất lượng sản phẩm thông qua việc ai đó hay công ty nào đó chiến thắng các giải thưởng như Demming Award hay Baldridge Award, họ hình thành quan điểm của mình về chất lượng sản phẩm thông qua chính trải nghiệm của họ về sản phẩm hay dịch vụ đó."
Quyết định khởi nghiệp từ năm 2015, khi đó công ty của Lưu Khôn chỉ là một căn hộ nhỏ vỏn vẹn vài chục mét vuông, nhưng dù văn phòng có nhỏ bé, cũ kĩ tới đâu, anh vẫn kiên quyết dành ra một khoảng diện tích nhỏ gọi là phòng thử nghiệm để thử nghiệm tất cả các sản phẩm làm ra, anh cũng từ chối hàng triệu đơn đặt hàng cho sản phẩm khay cát cho mèo đi vệ sinh của mình, từ bỏ lợi nhuận vì sản phẩm không đạt chất lượng. Chính sự kiên định với chất lượng sản phẩm, kiên định với triết lý "sản phẩm được tạo ra cần giải quyết vấn đề nào đó" mà anh được các nhà đầu tư tin tưởng đầu tư ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất, đồng thời đạt được thành công lớn và bền vững như hiện tại.
Không có con đường nào là dễ đi, dù là làm công ăn lương hay khởi nghiệp, nhưng tư duy của người đi làm, ý niệm về đạo đức và những cống hiến cho xã hội, sự kiên định với hướng đi của bản thân, giống như câu tục ngữ "Người có chí thì nên, nhà có nền thì vững" có lẽ chính là một trong những điều khiến một người trỗi dậy giữa vô số những thất bại ngoài kia.
Đời sống & pháp luật