Quản lý khối tài sản trăm nghìn tỷ, Tổng Công ty Đường cao tốc lãi chưa đến 1 tỷ đồng
Với các khoản vay nợ bằng USD và Yên Nhật có giá trị quy đổi lên đến vài chục nghìn tỷ đồng, kết quả kinh doanh của VEC chịu tác động rất lớn của biến động tỷ giá.
Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của nhiều tuyến đường cao tốc quan trọng như Hà Nội - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành...
Với việc đầu tư nhiều dự án lớn như vậy nên tổng tài sản của VEC khá lớn, đạt gần 97.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2018. Tuy vậy, phần lớn tài sản của VEC được hình thành từ vốn vay - chủ yếu là các khoản vay bằng ngoại tệ nên kết quả kinh doanh chịu tác động rất lớn từ biến động tỷ giá.
Năm 2018, lỗ chênh lệch tỷ giá của VEC tăng vọt lên gần 2.200 tỷ so với mức 368 tỷ của năm trước. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lãi ròng năm 2018 chỉ vỏn vẹn 582 triệu đồng - giảm đáng kể so với mức lãi gần 935 tỷ đồng của năm trước.
Năm 2016, với khoản lỗ tỷ giá 2.200 tỷ, VEC đã bị lỗ ròng hơn 800 tỷ đồng. Sang năm 2017, lỗ tỷ giá giảm xuống còn 368 tỷ, VEC đã có lãi 935 tỷ đồng.
Năm 2018, lỗ tỷ giá lại tăng lên 2.200 tỷ đồng nhưng nhờ doanh thu, lãi gộp đã tăng lên đáng kể, VEC vẫn có lãi, dù mức lãi ròng khá "tượng trưng", chỉ đạt 582 triệu đồng.
Doanh thu thu phí năm 2018 của VEC đạt hơn 3.200 tỷ đồng với đóng góp chính từ 3 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và Long Thành - Dầu Giây.
Tại thời điểm 31/12/2018, tổng các khoản vay nợ của VEC là hơn 66.500 tỷ đồng. Trong đó các khoản vay World Bank là hơn 230 triệu USD (5.400 tỷ đồng), vay JICA 136 tỷ JPY (gần 29.000 tỷ đồng), vay ADB hơn 1,3 tỷ USD (hơn 31.200 tỷ đồng) cùng với 900 tỷ đồng trái phiếu.
Bên cạnh đó, VEC còn có gần 8.000 tỷ đồng gốc và lãi trái phiếu phải trả Bộ Tài chính.
Trí Thức Trẻ