Quản lý khối tài sản trên 10.000 tỷ với vài chục khách sạn nhưng Mường Thanh Group có doanh thu khiêm tốn và liên tục lỗ
Năm 2018, doanh thu của Mường Thanh Group - công ty quản lý phần lớn số khách sạn Mường Thanh - đạt chưa đến 800 tỷ đồng, thấp hơn cả hệ thống khách sạn của Thành Thành Công và chỉ bằng một phần nhỏ so với Vinpearl.
- 11-07-2019Ngoài Mường Thanh, Hà Nội còn các dự án nào xây vượt tầng, phá vỡ quy hoạch?
- 11-07-2019Chủ tịch Mường Thanh Lê Thanh Thản bị khởi tố lừa dối khách hàng ở dự án nào?
Từ khách sạn đầu tiên được xây dựng vào năm 1997 tại Điện Biên Phủ, hiện Mường Thanh được biết là chuỗi khách sạn vào loại lớn nhất Việt Nam. Theo thông tin trên website, hiện hệ thống Mường Thanh Hospitality gồm gần 60 khách sạn với 4 thương hiệu là Mường Thanh, Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand và Mường Thanh Holiday. Mường Thanh cũng sở hữu 1 khách sạn tại Lào.
Bên cạnh đó, Mường Thanh Hospitality cũng sở hữu một số trung tâm giải trí (Vinh Recreation Center), Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, một số trung tâm thể hình...
Ban đầu, các khách sạn Mường Thanh được sở hữu bởi Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - công ty phát triển bất động sản chủ chốt của ông Lê Thanh Thản.
Tuy nhiên, từ năm 2012, ông Thản đã thành lập thêm CTCP Tập đoàn Mường Thanh (Mường Thanh Group) làm đầu mối quản lý và sở hữu hệ thống khách sạn theo một tiêu chuẩn chất lượng và hình ảnh đồng nhất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Mường Thanh Group đang quản lý/sở hữu hơn 30 khách sạn Mường Thanh. Phần còn lại vẫn do DTNT Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên sở hữu hoặc 1 số pháp nhân khác sở hữu như Mường Thanh Grand Phương Đông thuộc sở hữu của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông - công ty được gia đình ông Thản mua lại từ Ocean Group.
Tính đến tháng 1/2019, Mường Thanh Group có vốn điều lệ 2684,4 tỷ đồng. Trong đó ông Lê Thanh Thản nắm giữ 68,5%; phần còn lại do 3 cá nhân nắm giữ gồm bà Lê Thị Hoàng Yến (19%), ông Đỗ Trung Kiên (8,4%) và ông Lê Hải An (4%).
Năm 2018 ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về quy mô tài sản của Mường Thanh Group khi vốn chủ sở hữu tăng hơn gấp đôi lên gần 3.700 tỷ đồng và tổng tài sản tăng từ 6.800 tỷ lên 12.800 tỷ đồng.
Cùng với việc tiếp nhận thêm các khách sạn, doanh thu của Mường Thanh Group đã tăng lên nhanh chóng nhưng con số 780 tỷ đồng doanh thu năm 2018 là khá khiêm tốn khi mà công ty đang quản lý tới vài chục khách sạn.
Đi cùng với doanh thu khiêm tốn thì Mường Thanh Group cũng liên tục báo lỗ từ năm 2014 đến nay. Dù vậy mức lỗ năm 2018 đã giảm đáng kể xuống còn 12 tỷ so với 95 tỷ của năm trước. Với việc các chỉ tiêu tài chính đang được cải thiện nhanh chóng thì Mường Thanh có thể sẽ sớm có lãi.
Một số khách sạn lớn như New World Saigon hay Metropole Hanoi chỉ với 1 khách sạn duy nhất nhưng cũng có thể thu về cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Cũng quản lý hơn 30 khách sạn như Mường Thanh Group nhưng doanh thu mảng khách sạn của Vinpearl năm 2018 thu về gần 6.500 tỷ đồng (bao gồm cả khu giải trí Vinpearlland).
Thậm chí, kết quả kinh doanh của Mường Thanh Group còn kém hơn cả TTC Hospitality (mã VNG), công ty quản lý chuỗi khách sạn của Tập đoàn Thành Thành Công. Năm 2018, TTC Hospitality đạt 941 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 90 tỷ đồng.