MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý nguồn gốc xuất xứ: Blockchain là một giải pháp hứa hẹn

03-06-2022 - 08:20 AM | Kinh tế số

Bộ thương mại Mỹ khởi xướng điều tra nguồn gốc tủ gỗ Việt Nam

Bộ thương mại Mỹ khởi xướng điều tra nguồn gốc tủ gỗ Việt Nam

Việc Bộ thương mại Mỹ khởi xướng điều tra nguồn gốc tủ gỗ Việt Nam cho thấy truy xuất, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm là một vấn đề nổi cộm, và blockchain hứa hẹn là một giải pháp hữu hiệu.

Vào cuối tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào nước này. DOC nghi ngờ các sản phẩm này sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc nhóm mà Mỹ đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo quy định từ phía Mỹ thì các bên liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng (24/5) để nộp các hồ sơ cung cấp thông tin phản biện đến cơ quan điều tra. Sau đó DOC sẽ đi đến kết luận cuối cùng.

Trong vụ việc kể trên, điểm mấu chốt là phải truy xuất và chứng minh được xuất xứ của sản phẩm. Đây là bài toán không mới, cũng có nhiều giải pháp được đề xuất. Trong đó blockchain là một phương án khá hứa hẹn.

Theo nhiều chuyên gia, sử dụng blockchain sẽ phát huy được hiệu quả trong một số lĩnh vực nhất định, ví dụ thực phẩm hoặc thời trang.

Chẳng hạn trong lĩnh vực thực phẩm, các công ty có thể sử dụng blockchain trong việc thu hồi sản phẩm. Thu hồi sản phẩm chắc chắn là điều chẳng ai muốn xảy ra. Tuy nhiên một khi thực sự xảy ra, thì điều tiên quyết là phải truy xuất nhanh chóng và chính xác các thông tin nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, cũng như phải có bên thứ ba không có khả năng thao túng những thông tin đó để giúp các công ty giảm bớt chi phí thu hồi, thiệt hại về lợi nhuận, danh tiếng, v.v..

Với các yêu cầu này thì không gì có thể thích hợp hơn blockchain. Bởi vì blockchain có khả năng xác định chính xác lô sản phẩm nào cần thu hồi khi có vấn đề phát sinh.

Quản lý nguồn gốc xuất xứ: Blockchain là một giải pháp hứa hẹn - Ảnh 1.

Blockchain rất hữu dụng trong việc theo dõi nguồn gốc xuất xứ

Ngoài ra, blockchain còn có thể ứng dụng trong ngành thực phẩm để theo dõi các sản phẩm dễ hư hỏng. Nhờ blockchain, các công ty có thể đảm bảo người dùng cuối nhận được sản phẩm với chất lượng tốt và thời hạn sử dụng lâu. Khả năng truy xuất nhanh từ blockchain cũng có thể giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, từ đó yên tâm mua hàng hơn.

Còn trong lĩnh vực thời trang, blockchain cũng rất hữu dụng trong việc theo dõi nguồn gốc xuất xứ của từng bộ phận trên một sản phẩm. Đây là một việc cần thiết vì trong ngành thời trang, một sản phẩm duy nhất nhưng lại có thể được kết hợp bởi nguyên liệu/thành phần từ nhiều quốc gia, nhiều nhà cung ứng, đơn vị gia công.

Vậy nên nếu có phần sản phẩm nào bị hư, các công ty có thể truy xuất và xác định xem đó là từ nguyên liệu của nhà cung cấp nào, hoặc được gia công từ công ty nào. Từ đó sẽ có những biện pháp thu hồi, thay đổi. v.v. nhanh chóng và chính xác.

Ngoài ra, blockchain còn cho phép các công ty sản xuất và phân phối theo dõi thời gian của các quy trình sản xuất nguyên liệu thô và các thành phần phụ, từ đó giúp họ dự đoán được thời gian và chi phí liên quan.

Một thương hiệu từng sử dụng blockchain trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là Starbucks. Họ từng cho phép khách hàng truy xuất nguồn gốc các hạt cà phê bằng một giải pháp blockchain của Microsoft.

Theo đó, khi mua cà phê gói ở các cửa hàng Starbucks tại Mỹ, khách hàng có thể quét mã trên gói đó để xác định “hành trình” của hạt cà phê. Các thông tin được hiển thị từ một lần quét mã bao gồm nơi trồng hạt cà phê, nơi rang, cũng như một số bí quyết ủ cà phê từ các baristas. Đồng thời các nông dân cũng có thể theo dõi ngược lại xem hạt cà phê của mình đã đi về đâu.

Quản lý nguồn gốc xuất xứ: Blockchain là một giải pháp hứa hẹn - Ảnh 2.

Starbucks sử dụng blockchain trong việc truy xuất nguồn gốc

Đây là động thái của Starbucks nhằm đáp ứng sự tò mò của những khách hàng trẻ tuổi, tệp khách hàng chính của thương hiệu cà phê này, đối với nguồn gốc thực phẩm.

Walmart cũng là một cái tên khác cũng đang ứng dụng blockchain. Để đối phó với đợt bùng dịch E.coli trong một số thực phẩm năm 2018, Walmart quyết định sử dụng chuỗi khối để nâng cao tính đảm bảo cho chuỗi cung ứng thực phẩm. Theo Walmart, nếu dùng cách thủ công (giấy tờ) để theo dõi nguồn thực phẩm nhiễm bẩn thì rất dễ bị chậm trễ và bế tắc.

Kết quả đến năm 2020, Walmart có thể theo dõi hơn 500 thực phẩm bằng blockchain và có thể cung cấp nguồn gốc thông tin cho FDA chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, một mức giảm rất lớn so với 7 ngày nếu sử dụng phương án thủ công.

Đó là hai ví dụ trên thế giới. Còn tại Việt Nam, tiềm năng blockchain cũng khá lớn, đặc biệt khi Hiệp hội Blockchain Việt Nam vừa được thành lập vào ngày 17/5/2022. Hiệp hội có vai trò tham mưu tư vấn xây dựng hành lang pháp lý để ứng dụng phát triển sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng blockchain, cũng như phối hợp với các doanh nghiệp khác để nghiên cứu đẩy mạnh blockchain tại Việt Nam.

Với sự kiện này, hy vọng các doanh nghiệp có thể cho ra lò một giải pháp hữu hiệu để quản lý nguồn gốc xuất xứ, tránh những vụ việc tương tự như vụ tủ gỗ Việt Nam bị Mỹ điều tra diễn ra trong tương lai.

Theo Quân Bảo

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên