Quản lý quỹ gần 1 tỷ USD nhưng Chủ tịch Dragon Capital từng startup chỉ với 30.000 USD, vay của bố mẹ và em gái
Ông Dominic Scriven cho biết, khi bắt đầu kêu gọi vốn đầu tư, ông không tìm được một nhà đầu tư nước ngoài nào và buộc phải huy động vốn của bố, mẹ và em gái, mỗi người 10.000 USD. Chỉ sau 4 năm, ông thua lỗ 1/3 số vốn này.
- 16-11-2016Dragon Capital tạm lãi trăm tỷ chỉ sau 2 tháng đầu tư vào cổ phiếu PC1
- 27-09-2016Nhóm Dragon Capital nâng tỷ lệ sở hữu tại FPT lên 9%
- 23-09-2016Dragon Capital chi gần 400 tỷ mua cổ phiếu Thế giới Di động từ Mekong Capital
Chiều 16/11, tại TPHCM diễn ra buổi tọa đàm "Thị trường chứng khoán 20 năm và bước chuyển của dòng vốn ngoại" với sự tham gia của nhiều gương mặt nổi tiếng như ông Nguyễn Duy Hưng, ông Vũ Bằng, ông Dominic Scriven...
Tại buổi tọa đàm, ông Dominic Scriven đã có những chia sẻ về những ngày đầu tiên đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khi đó là năm 1994, ông Dominic nghe tin Việt Nam đang trong quá trình phát triển thị trường chứng khoán. Cũng giống như các startup khác, ông Dominic cũng phải đi tìm vốn nhưng không thể gọi vốn được từ nhà đầu tư nước ngoài nào. Chính vì thế, ông tìm tới những người trong gia đình và 3 người đầu tiên rót vốn cho ông chính là bố, mẹ và em gái, mỗi người 10.000 USD.
Tuy nhiên, con đường đầu tư không hề đơn giản. Kinh tế châu Á bắt đầu gặp khủng hoảng từ năm 1996 và sang năm 1997 thì lan rộng, khiến các thị trường mất 60-70% giá trị. Đến năm 1998, trong một dịp về nhà ăn Tết Tây, ông đã phải thú nhận với mẹ về việc lỗ 1/3 số vốn.
Thời điểm Dragon Capital được thành lập năm 1995, thị trường Việt Nam còn rất mới. Các nhà đầu tư nước ngoài hồi đó bắt đầu tham gia tại Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan,... Ông Dominic cho biết, khi ông lập công ty, ai cũng nghĩ ông chỉ làm 2-3 năm rồi về hưu nhưng hơn 20 năm đã trôi qua và hiện ông vẫn đang làm việc tại Dragon Capital.
Dragon Capital hiện đang quản lý nhiều quỹ đầu tư vào nhiều phân khúc khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là quỹ VEIL với tài sản 970 triệu USD.
Ông Dominic cho biết, ông ở lại với thị trường Việt nam vì cùng phát triển với thị trường từ con số 0 tròn trĩnh và muốn đi chung với thị trường này.
Ông Dominic nhận định, thị trường Myanmar hiện nay đang khá giống Việt Nam hồi năm 94, và những nhà đầu tư trẻ có thể sang Myanmar để bắt đầu. Còn cá nhân ông, ông vẫn sẽ ở lại Việt Nam.
Trí thức trẻ/CafeBiz