Quản lý và sử dụng đất đai nhìn đâu cũng thấy sai phạm
Hàng loạt vấn đề về chuyển nhượng quyền sử dụng, sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng, tổ chức đấu thầu, điều chỉnh quy hoạch cục bộ… cần sớm được khắc phục.
- 07-10-2022Tăng cường quản lý đất đai tại các địa phương
- 08-09-2022Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai
- 15-08-2022Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Cần cơ quan độc lập quản lý giá đất
Sáng 21/12, tại Hà Nội, Kiếm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán Nhà nước”. Nhiều vấn đề “nóng” trong lĩnh vực đất đai cũng như những thách thức trong công tác kiểm toán đối với lĩnh vực này đã được các chuyên gia phân tích tại Hội thảo này.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá, đất đai là tài sản công, được giao cho nhiều cá nhân, tổ chức và chịu sự giám sát, quản lý của rất nhiều đơn vị. Những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Luật đất đai là rất phức tạp. Trong khi đó, cơ chế, chính sách về lĩnh vực này còn nhiều bất cập, thậm chí nhiều quy định chồng chéo, thiếu đồng nhất.
Toàn cảnh Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán Nhà nước”.
Sự thiếu đồng nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật đã bị nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm. Hàng loạt vấn đề về chuyển nhượng quyền sử dụng, việc sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng, tổ chức đấu thầu, điều chỉnh quy hoạch cục bộ… đang cần sớm được khắc phục.
Bà Lê Anh Thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội nêu thực tế, sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây với Hà Nội, thành phố đã phải giải quyết rất nhiều vấn đề còn tồn tại. “Khó khăn trong quản lý đất đai không chỉ riêng thời kỳ này mà cả của thời kỳ trước. Làm sao để công tác quản lý Nhà nước về đất đai đảm bảo hiệu lực, hiệu quả về pháp lý cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân và DN”, bà Thư nêu rõ.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trong công tác quản lý sử dụng đất đang có những lỗ hổng, thậm chí là lỗ hổng rất lớn, dẫn đến sai phạm trong lĩnh vực này trở nên phổ biến, ngày càng tăng và mức độ, quy mô càng lớn, tranh chấp liên quan đến đất đai nhiều năm liền chiếm tỷ lệ đa số.
“Nếu như rà soát toàn bộ quá trình từ quản lý đến sử dụng đất đai gần như nhìn vào khâu nào, lĩnh vực nào cũng thấy lỗ hổng, sai phạm. Từ khâu quy hoạch cho đến vấn đề giao đất có thu tiền sử dụng cho đến vấn đề đấu giá đất. Vấn đề định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính với đất đai cũng đều thấy rất nhiều lỗ hổng và sai phạm”, ông Ánh nhận xét.
Các giải pháp được các đại biểu đề xuất là cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai; Cần nâng cao trình độ chuyên môn và trách nhiệm đối với cán bộ làm công tác quản lý đất đai.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng làm rõ hơn vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất đai; Đánh giá, nhận diện những mặt đã làm được cũng như những hạn chế cần khắc phục. Với nhiệm vụ của mình, Kiểm toán Nhà nước đã đi sâu kiểm toán với các lĩnh vực nhiều rủi ro, trong đó có lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai để kịp thời phát hiện và ngăn chặn sai phạm.
Hội thảo lần này cũng là dịp để Kiểm toán Nhà nước nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, trên cơ sở đó giúp Chính phủ nâng cao hiệu quả quản lý, giúp Quốc hội, HĐND các cấp giám sát tốt hơn lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, sau hội thảo sẽ tổng hợp đánh giá tổng quan để sắp tới sẽ tham gia góp ý với Bộ Tài nguyên và Môi trường - là cơ quan chủ trì sửa đổi Luật đất đai. Đồng thời sẽ làm rõ thêm những khó khăn vướng mắc, những bất cập trong quá trình triển khai Luật đất đai thời gian qua./.
VOV