Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại
Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có diện tích khiêm tốn nhưng lại là khu vực sầm uất, phát triển và đắt đỏ bậc nhất Thủ đô.
Quận Hoàn Kiếm là quận nhỏ nhất Thủ đô khi có diện tích 5,29 km2, còn nhỏ hơn diện tích hồ Tây (5,3 km2). Tuy vậy, năm 2021, quận thu ngân sách của quận lên đến 14.008 tỷ đồng, bằng 7 tỉnh thu ngân sách thấp nhất cộng lại (Đắk Nông, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn).
Quận Hoàn Kiếm được thành lập vào ngày 31/5/1961 theo chủ trương mở rộng Thủ đô của Bộ Chính trị và Nghị quyết kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa II. Đến hết năm 2019, quận có dân số khoảng 162.000 người. Mật độ dân số lên tới hơn 30.600 người/km2, gấp gần 13 lần mật độ dân số trung bình của Hà Nội. (Ảnh: HanoiFlycam)
Với vai trò trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm thương mại, dịch vụ, quận Hoàn Kiếm có nhiều điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực này luôn tập trung đông đảo người dân vào mỗi dịp đặc biệt, lễ, Tết, tạo thành thú vui “lên bờ Hồ” nổi tiếng.
Tọa lạc ở trung tâm Hà Nội, quận Hoàn Kiếm sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh và công trình kiến trúc nổi bật. Nhiều Bộ, Sở, Ban, ngành và các cơ quan quản lý Nhà nước đã tập trung xây dựng trụ sở tại đây. Ngoài ra còn có trụ sở của nhiều Đại sứ quán, đơn vị quản lý hành chính - chính trị - xã hội - tôn giáo.
Các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng cũng chọn quận Hoàn Kiếm là “đầu não” giao dịch kinh tế. Nơi đây có trụ sở chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hàng loạt ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV…
Quận Hoàn Kiếm cũng là nơi có giá đất cao nhất Hà Nội. Theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 của thành phố thì giá đất cao nhất tại đây là gần 188 triệu đồng/m2; còn trên các trang rao vặt, mua bán bất động sản thì con số có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng/m2.
Quận Hoàn Kiếm đề cao việc bảo tồn di sản, đặc biệt là kiến trúc nhà ở thuộc 36 tuyến phố cổ. Không gian xưa cũ kết hợp với nhịp sống hiện đại chính là cầu nối quá khứ - hiện tại, để người dân và du khách hiểu hơn về thủ đô nghìn năm văn hiến.
Quận trung tâm này có 190 điểm di tích lịch sử văn hoá và di tích cách mạng - kháng chiến, các công trình kiến trúc văn hoá có giá trị, trong đó 81 điểm đã được xếp hạng và gắn biển; tiêu biểu như hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, khu phố Pháp... Các công trình này thường xuyên được quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.
Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm còn có những công trình văn hoá lớn như con đường gốm sứ dài nhất thế giới dài 3,85 km được hoàn thành để chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Sau thời gian chững lại vì dịch Covid-19, quận Hoàn Kiếm tiếp tục khai thác các không gian sáng tạo mang tính điểm nhấn, thương hiệu từ ngày 18/3/2022 gồm: phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố sách 19/12, phố bích họa phố Phùng Hưng, con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân... Ảnh: Thuý Hà.
Có vị trí trung tâm, nhiều di tích lịch sử, văn hoá nên ngành du lịch ở quận Hoàn Kiếm rất phát triển. Trong thời kỳ đỉnh cao trước dịch Covid-19, quận có tới 157 công ty lữ hành đang hoạt động; 464 khách sạn, cơ sở lưu trú với 10.846 phòng (trong đó có 225 khách sạn được xếp hạng, gắn sao).
Bên cạnh đó, với bề dày truyền thống của 36 phố phường, quận Hoàn Kiếm có nhiều thế mạnh để phát triển thương mại, dịch vụ với các chợ truyền thống nổi tiếng và các trung tâm thương mại hiện đại, sầm uất như chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Bè, chợ hoa Quảng Bá, Tràng Tiền Plaza... Năm 2019, tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, du lịch chiếm đến 98,04% cơ cấu kinh tế của quận.
Tổ Quốc