Quán phở, shop thời trang chuyển bán rau củ, đồ thiết yếu xoay xở mùa dịch
Từ quán phở nườm nượp khách vào ra, đến shop quần áo mới mở chưa trả hết tiền vay ngân hàng... dịch ập đến và kéo dài buộc phải ngừng bán hàng và nhiều ông, bà chủ đã phải xoay sang bán rau củ, thực phẩm để duy trì.
- 07-08-2021Hà Nội: Rau xanh, thực phẩm giá tăng vọt khi nhiều chợ đầu mối, siêu thị đóng cửa
- 06-08-2021Các chợ tạm đóng do dịch Covid-19 sẽ được mở trở lại khi 100% tiểu thương được tiêm 1 mũi vắc xin
- 05-08-2021TPHCM mở lại 14 chợ truyền thống
Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng tới nhiều người, nhất là lĩnh vực nhà hàng, quán ăn khiến nhiều ông chủ nhà hàng, quán ăn, shop kinh doanh quần áo... phải "đóng cửa" để chống dịch đồng nghĩa với việc đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông chủ quán Phở Đường Tăng quê ở Nam Định, lên Hà Nội lập nghiệp bằng nghề phở gia truyền gần 30 năm nay đã và đang xoay sở đủ hướng để có thể lo ăn, ở cho nhân viên của mình.
Ông chủ quán Phở Đường Tăng chuyển bán rau củ, xoay sở mùa dịch. |
Thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh, quán phở của ông Vũ Văn Tăng ở Khương Hạ, Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng giống như nhiều nhà hàng, quán ăn khác phải đóng cửa, dừng bán hàng. Gần chục nhân viên không kịp về quê, cùng với tiền thuê nhà hơn 60 triệu đồng mỗi tháng khiến vợ chồng ông lo lắng, mất ngủ nhiều đêm để nghĩ cách xoay sở. |
Chia sẻ với PV Infonet, ông Tăng cho biết: "Đứng trước hoàn cảnh vừa phải lo trả tiền mặt bằng thuê làm quán phở hàng tháng; rồi lo ăn uống, chỗ ở trọ cho 8-9 nhân viên, tôi đã quyết định xin phép chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tôi được bán rau củ trong thời gian quán phở phải ngừng bán".
“Chợ đầu mối đóng cửa, vợ chồng tôi phải đi khắp các mối để lấy hàng tận gốc mới có thể về bán giá rẻ cho bà con. Hàng ngày, cứ từ 12h đêm đến 5h sáng mới gom đủ hàng để về bán, rất vất vả”, ông Tăng nói.
Ông Tăng cũng cho biết, bán rau củ hàng ngày cũng chỉ đủ tiền để ông trang trải tiền ăn, tiền thuê nhà trọ cho nhân viên. Còn lại, ông phải bù lỗ khá nhiều vì ông còn hỗ trợ trả 50% lương cho nhân viên để họ có thể yên tâm ở lại cùng mình vượt qua khó khăn đến khi quán phở được hoạt động trở lại thì họ vẫn tiếp tục làm việc ở quán.
“Tôi sẽ bán rau củ đến khi nào hàng quán được phép mở lại sẽ tiếp tục bán phở.... Mong lắm đến ngày ấy, còn giờ thì cố gắng vượt qua mỗi ngày thôi”, ông Tăng chia sẻ.
Cũng thấm khó khăn khi dịch bệnh ập đến, rồi kéo dài, chị Nguyễn Thị Nga, chủ một cửa hàng bán quần áo ở phố Hoàng Đạo Thành (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) rớt nước mắt khi chia sẻ với PV Infonet.
Chị Nga cho hay, một nách 4 đứa con, còn chồng chị thì bị K vòm họng. Đầu tư vài trăm triệu đồng mở cửa hàng bán quần áo từ đầu năm 2019, chưa kịp bán để trả tiền vay ngân hàng, vay anh em, bạn bè... thì dịch bệnh xảy ra.
Chủ một shop quần áo phuyển bán hoa quả, rau củ để vượt qua khó khăn trong mùa dịch. (Ảnh chụp màn hình) |
Đến nay, chấp hành quy định phòng chống dịch, phải ngừng bán hàng nhưng tiền trả nợ, tiền thuê mặt bằng 12 triệu mỗi tháng vẫn phải trả đều khiến chị phải tìm đủ mọi cách để gồng gánh. |
Thấy người dân chỉ lo đi mua thực phẩm nên chị Nga đã nảy ra ý tưởng và quyết định bán hoa quả, rau củ, thịt bò, trứng... Nguồn hàng được chị nhờ người thân gom từ quê ở Hải Dương rồi thuê xe chuyển lên Hà Nội để bán.
Chị Nga chia sẻ, chị thường vào các hội nhóm chợ bán thực phẩm để đăng bán và nhận đơn hàng, có hôm phải thức đến 2h sáng mới chốt xong đơn trước khi trời sáng để kịp ship hàng trả khách. Từ ngày bán rau thịt, mỗi đêm chị Nga chỉ ngủ được 2-3 tiếng, sụt cân... vất vả là thế nhưng vẫn phải cố gắng hết sức.
“Tiền phí vận chuyển mỗi ngày một tăng cao nhưng cũng phải chấp nhận giảm lãi đi để bán, mỗi ngày không kiếm được 500.000-700.000 đồng tôi chẳng biết trông vào đâu để trang trải cuộc sống, với tiền thuê nhà. Mỗi người một phận, dịch thế này chỉ mong sao được bình an”, chị Nga cho hay.
Tương tự như trường hợp chị Nga, chủ một shop quần áo ở phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cũng "vượt khó" trong mùa dịch bằng cách thuê lại mặt bằng của một nhà hàng trên đường Hoàng Quốc Việt để bán rau, củ, quả.
Còn cạnh cổng chợ Nghĩa Tân, một số quán bún, phở, nơi thì chuyển sang bán rau, nơi lại chuyển sang bán hoa quả.
Hiện tại, ngoài những trường hợp kể trên thì tại Hà Nội có khá nhiều chủ quán ăn, cửa hàng kinh doanh vì dịch bệnh nên phải nghĩ cách gồng gánh, xoay xở làm ăn mong vượt qua đại dịch này.
Trước đó, vào ngày 24/5, UBND TP Hà Nội ban hành công điện khẩn về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, từ 12h ngày 25/5, tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.
Sau đó, đến ngày 22/6, TP Hà Nội cho phép mở cửa trở lại một số loại hình kinh doanh như dịch vụ cắt tóc, gội đầu, dịch vụ ăn, uống… với số lượng không quá 50% công suất và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp nên từ 0h ngày 13/7, TP Hà Nội lại quyết định dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Đến đêm 23/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 17 về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 06h ngày 24/7.
Infonet