MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan tâm hàng đầu trong quy hoạch Thủ đô là yếu tố Văn hóa

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, quy hoạch Hà Nội sẽ có nhiều trục phát triển, nhưng cần nhất quán về trục phát triển sông Hồng và ưu tiên yếu tố văn hóa.

Ngày 21/11, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan Trung ương, tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp… cùng đại diện các tỉnh, thành phố: Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Bắc Giang; các đại biểu quốc tế có đại diện công ty của Hàn Quốc, đại diện cơ quan, đại diện vùng của Pháp.

Hội thảo tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề lớn: Lý luận và thực tiễn về lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực tiễn xây dựng và thực hiện quy hoạch các ngành và quận, huyện TP Hà Nội để sử dụng hiệu quả các nguồn lực thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quan tâm hàng đầu trong quy hoạch Thủ đô là yếu tố Văn hóa - Ảnh 1.

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tham luận tại hội thảo.

Tại Hội thảo,  PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trình bày tham luận, nêu rõ: Về trục phát triển, quy hoạch Hà Nội sẽ có nhiều trục phát triển, nhưng cần nhấn mạnh hơn với một tinh thần nhất quán với trục phát triển sông Hồng về tâm linh, môi trường, giao thông, cây xanh, mật độ xây dựng, kiến trúc, văn hóa... Theo ông, trong quy hoạch Thủ đô cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hóa.

“Quy hoạch Hà Nội theo hướng là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến; Hà Nội là thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hoá phát triển, thành phố thông minh; là điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; thành phố của các sự kiện văn hoá mang tầm quốc tế thường niên; thành phố hiện đại nhưng thanh bình với con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà gợi ý.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh, Hà Nội đã là thành phố duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Hà Nội đang triển khai đồng thời lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2013 để trình Quốc hội vào năm 2024. Đây là thời cơ, nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển Thủ đô.

Trên cơ sở đó, PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà lưu ý Hà Nội cần tuân thủ nhận thức “Lưng tựa Ba Vì, mặt hướng sông Hồng”. Trong xu thế chung của thế giới khi biển ngày càng có ý nghĩa quan trọng, thế tựa núi, hướng biển của Thủ đô sẽ nâng thế và lực của quốc gia lên tầm cao mới.

Một số tham luận tiêu biểu khác tập trung vào các nội dung trọng yếu như: Lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô; Một số nội dung chủ yếu về Quy hoạch Thủ đô; thể chế để phát triển Thủ đô theo hướng thông minh và bản sắc, tầm nhìn đến năm 2050; cơ chế, chính sách “vượt trội”, đặc thù bảo đảm lợi thế so sánh và ưu thế cạnh tranh cho phát triển Thủ đô; cách tiếp cận đa chiều đối với lập quy hoạch Thủ đô; quản lý quy hoạch để phát triển không gian Thủ đô; phát huy vai trò của các nguồn vốn tài chính, đất đai trong xây dựng và phát triển Thủ đô…

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, TP Hà Nội tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là một trong những nội dung quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được tập trung xây dựng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, với phương pháp tích hợp, đồng bộ và cách làm khoa học, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới; với mục tiêu xuyên suốt đó là “văn hóa và con người không chỉ là mục tiêu, còn là động lực, nguồn lực quan trọng phát triển Thủ đô”.

Ngoài việc triển khai thực hiện theo quy định, quy hoạch Thủ đô đã quán triệt và cụ thể hoá các chủ trương, định hướng chiến lược trong Nghị quyết số 15 và các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; huy động sự tham gia của các cá nhân, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước trên địa bàn, mời và tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, đội ngũ trí thức hàng đầu của cả nước và Thủ đô với nhiều hình thức: Hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ xin ý kiến, tham vấn, phỏng vấn, trao đổi…

Quan tâm hàng đầu trong quy hoạch Thủ đô là yếu tố Văn hóa - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo.

TP Hà Nội đang tiến hành các bước xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi trình thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Hội thảo lần này nhằm mục đích làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô, đồng thời tiếp tục gợi mở, đề xuất các ý tưởng, giải pháp xây dựng quy hoạch, nhất là những nội dung đột phá, trọng tâm và việc khai thác, huy động nguồn lực để thực hiện Quy hoạch một cách hiệu quả, bền vững.

Đồng thời, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các định hướng quan trọng theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo Trung Nguyên

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên