MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản thị trường xăng dầu: Đề xuất loạt chính sách đặc biệt

Chia sẻ và trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua ở các địa phương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện thị trường xăng dầu thế giới không bình thường, thậm chí một số chuyên gia cho rằng, đây là trạng thái dị biệt. Do đó, điều hành cũng sẽ có những chính sách đặc biệt, khác với bình thường.

Nâng lượng dự trữ quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện cơ quan điều hành chỉ có duy nhất một công cụ điều hành giá xăng dầu là Quỹ Bình ổn giá, để khi giá xăng dầu tăng quá cao thì bù vào. Tuy nhiên, quỹ này sử dụng từ tiền mua xăng dầu của người dân nên khi quỹ âm thì không còn tác dụng. Bên cạnh đó, công cụ thuế phí đã được sử dụng thời gian qua song chỉ có tác dụng với người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, còn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì không được hưởng lợi.

Quản thị trường xăng dầu: Đề xuất loạt chính sách đặc biệt - Ảnh 1.

Tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn, người dân đã dễ mua xăng hơn. Ảnh: Nguyễn Bằng

Theo đại diện Bộ Công Thương, dự trữ xăng dầu quốc gia là nguồn quan trọng nhưng hiện tại, dự trữ của quốc gia chỉ đảm bảo cho 5-7 ngày. Điều đáng nói là dự trữ xăng dầu quốc gia hiện chủ yếu được giao cho vài doanh nghiệp Nhà nước thực hiện. So với các nước, dự trữ của ta rất thấp trong khi các quốc gia khác như Nhật Bản, Úc dự trữ quốc gia của họ đạt tới 90 ngày. Vì vậy sẽ cần nâng lượng dự trữ quốc gia để đảm bảo nguồn trong nước trong tương lai.

“Dù chỉ 1 cửa hàng phải đóng cửa thì đó cũng là trách nhiệm của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Chúng tôi nhận trách nhiệm và cho rằng, đây là việc phải làm tốt hơn nữa. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt những việc trong chức năng nhiệm vụ của mình. Những việc không thuộc chức năng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các bộ, ngành báo cáo với Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội để có giải pháp xử lý”. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải

Ông Hải cho biết, nhờ chính sách giảm thuế và sử dụng linh hoạt quỹ Bình ổn giá nên giá xăng dầu trong nước thời gian qua biến động phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới. “Theo công bố tại website: Globalpetrolprices.com (website xếp hạng giá xăng dầu thế giới), giá xăng, dầu của Việt Nam tính đến ngày 14/11/2022 đứng thứ 29 đối với xăng và đứng thứ 33 đối với mặt hàng dầu theo thứ tự từ dưới lên trên. Giá xăng, dầu rẻ nhất là tại Venezuela và đắt nhất là tại Hong Kong- Trung Quốc”, ông Hải cho hay.

Phải để doanh nghiệp có lãi, được tính đủ chi phí

Ông Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ, một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, bán hàng cầm chừng ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường.

Việc này xuất phát từ nguồn sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong 10 tháng của năm 2022 chưa đảm bảo theo kế hoạch năm đặt ra. Dù hai nhà máy đã sản xuất vượt công suất, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn gần đây sản xuất vượt 112% nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch. Cụ thể, nguồn sản xuất trong nước từ 2 nhà máy đạt 9,7 triệu m3/tấn, trong khi kế hoạch đăng ký 10 tháng đầu năm là 9,87 triệu m3/tấn. Như vậy, còn thiếu 170 nghìn m3/tấn xăng, dầu các loại.

Lý do quan trọng khác là giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp và khác thường so với cùng kỳ năm 2021, khiến nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao trong quý II. Sang đến quý III, giá lại giảm liên tục khiến doanh nghiệp tiếp tục bị lỗ. Do thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí kinh doanh trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.

“Tỉ giá tăng cao dẫn đến chi phí kinh doanh xăng dầu tăng theo làm cho hoạt động kinh doanh xăng dầu càng thêm thua lỗ. Cùng với đó, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế (chi phí vận chuyển, premium…) tăng liên tục và tăng cao nhưng các loại chi phí này chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, tính đủ. Nhất là khi giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành nên chưa khuyến khích doanh nghiệp nhập xăng, dầu để cung ứng cho thị trường trong nước”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định.

Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, room tín dụng thì còn, nhưng chỉ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Nhà nước được vay tín chấp, trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại không còn tài sản để thế chấp nên ảnh hưởng đến việc nhập khẩu. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực vào cuộc tháo gỡ vấn đề này.

Trước nhiều câu hỏi của các nhà báo “nguồn cung cho thị trường trong thời gian tới ra sao, việc nâng dự trữ quốc gia thế nào?”, Thứ trưởng Hải cho biết, với diễn biến như hiện nay, rất khó dự đoán thị trường xăng dầu thế giới sẽ ra sao khi cuộc chiến ở Ukraina chưa kết thúc, mùa Đông ở châu Âu đã đến. “Mấu chốt lúc này là chừng nào doanh nghiệp kinh doanh bị lỗ, thì dù có dùng mệnh lệnh hành chính cũng không có tác dụng. Cách để giải quyết dứt điểm tình trạng này là doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi. Hiện tại, Bộ Tài chính cũng rất tích cực cùng Bộ Công Thương liên tục rà soát các chi phí định mức cho doanh nghiệp để tính sát với thị trường. Khi việc kinh doanh có lãi được đảm bảo, nguồn cung sẽ ổn”, ông Hải nói.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên