9 cái bẫy 'chết người' lãnh đạo nào cũng dễ mắc phải
Ai cũng muốn làm điều hay. Thế nhưng một đóng góp lớn trong thành công của bạn lại nằm ở nghệ thuật né tránh sai lầm. Để trở thành một ông chủ thành đạt, hãy tránh xa 9 cái bẫy thường gặp sau đây.
- 03-03-2014Những sai lầm khiến tỷ phú Jack Ma ân hận nhất
- 10-01-20145 sai lầm cần tránh khi khởi sự kinh doanh
- 12-07-20136 sai lầm lớn nhất khi làm sếp
- 08-07-2013Những sai lầm cơ bản của Startup
- 01-07-20139 sai lầm điển hình nhất mà các doanh nhân trẻ thường mắc phải
- 05-06-20136 lý do khiến lãnh đạo ra quyết định sai lầm
- 07-05-2013Những sai lầm đáng giá nhất trong đời của 10 người thành công
Không dễ dàng gì để trở thành lãnh đạo và không phải tất cả các quyết định bạn đưa ra đều đúng. Nhưng bạn hoàn toàn có thể trở thành người cầm quân sáng suốt nếu biết cách tránh những sai lầm phổ biến nhất mà các vị sếp hay mắc phải sau đây.
Chỉ cần để ý một chút, bạn có thể tránh được 9 sai lầm này, giúp công ty phát triển, mà không phải trả những cái giá quá đắt.
Sai lầm thứ nhất: Không trao quyền
Chìa khóa lãnh đạo thành công là phải học cách trao quyền hiệu quả, bao gồm cả trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ và thẩm quyền cần thiết để thực hiện công việc suôn sẻ. Bất cứ khi nào bạn chuẩn bị đảm nhận một nhiệm vụ mới, hãy tự hỏi bản thân xem, ai trong những nhân viên của mình có thể đảm đương công việc đó thay thế bạn.
Sai lầm thứ 2: Không thiết lập các mục tiêu
Không chỉ giao những chỉ tiêu trực tiếp cho nhân viên, mà bạn phải đảm bảo nhân viên của mình đang làm việc hướng đến mục tiêu chung của tổ chức. Thiết lập mục tiêu cho các nhân viên là một công việc then chốt của bất cứ nhà lãnh đạo nào. Sau hết, các mục tiêu mà bạn và các nhân viên cùng hướng đến phải hỗ trợ tối đa cho đích ngắm chung của toàn công ty.
Sai lầm thứ 3: Tìm giải pháp vội vàng
Bất kể vấn đề khó khăn đến cỡ nào, cũng luôn có một giải pháp tức thì để xử lý. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta thường nóng lòng tìm những giải pháp nhanh gọn để đốt cháy giai đoạn, mà bỏ qua những biện pháp lâu dài, có thể tốn thời gian dài hơi hơn để phát triển. Bạn muốn ra quyết định và chuyển sang việc tiếp theo? Hãy nhớ kỹ, chớ nên quá vội vàng!
Sai lầm thứ 4: Truyền thông quá tệ - hoặc không truyền thông gì cả
Những ông chủ bận rộn có thể sẽ gặp khó khi muốn giúp nhân viên cập nhật tình hình mới nhất. Và trong thời đại thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt như ngày nay, nhân viên thậm chí còn có thể biết về những gì xảy ra trong tổ chức còn trước cả sếp. Bất kể thế nào, cũng hãy cố gắng hết sức để hỗ trợ nhân viên có được thông tin họ cần, giúp họ hoàn thành công việc thật nhanh chóng và hiệu quả.
Sai lầm thứ 5: Không khuyến khích học hỏi
Tất cả các nhân viên, dù tài năng hay cẩn trọng cỡ mấy, cũng có lúc mắc sai lầm. Sự khác biệt giữa nhân viên tốt và nhân viên-chưa-tốt chính là ở khả năng học hỏi từ lỗi lầm của họ. Các lãnh đạo giỏi sẽ biết tạo ra một môi trường giúp nhân viên không ngại chấp nhận rủi ro, ngay cả khi điều đó có nghĩa là thất bại thường xuyên. Đó chính là cách giúp nhân viên học hỏi tốt nhất.
Sai lầm thứ 6: Chống lại sự thay đổi
Nếu bạn cho rằng mình có thể giữ cho mọi thứ "an toàn" tránh khỏi bị thay đổi, thì bạn đang mắc sai lầm lớn đấy. Thay vì chống lại sự thay đổi hay phản ứng lại với thực tế đó, hãy dự đoán những thay đổi đang đến và lập kế hoạch giải quyết chúng trước khi chúng đến thực sự.
Sai lầm thứ 7: Không dành thời gian cho nhân viên
Trên hết, lãnh đạo là một công việc nhân văn rất "con người". Khi một nhân viên cần nói chuyện với bạn - với bất kể lý do nào - hãy đặt công việc sang một bên, tắt điện thoại đi, và tập trung quan tâm đến nhân viên đó. Nếu bạn không có mặt ngay tại thời điểm này, hãy thu xếp một cuộc hẹn để gặp nhân viên đó càng sớm càng tốt.
Sai lầm thứ 8: Bỏ lỡ các dịp tốt để giúp công việc vui vẻ hơn
Rõ ràng sếp luôn là người phải chịu những trách nhiệm nặng nề và đầy áp lực. Thế nhưng những nhà lãnh đạo tốt nhất sẽ luôn biết cách khiến cho tổ chức của mình trở thành một nơi làm việc thú vị. Ai cũng đang giành 1/3 cuộc sống của họ ở nơi làm việc. Vậy nên thay vì cau mày, hãy khiến nơi đó trở thành một địa điểm dễ chịu và vui vẻ.
Sai lầm thứ 9: Không ngợi khen và tặng thưởng
Có rất nhiều cách giúp lãnh đạo có thể đánh giá và nhìn nhận nhân viên chỉ với chi phí rất nhỏ hay thậm chí chẳng mất đồng nào, lại rất dễ thực hiện và chỉ cần vài phút để hoàn thành. Khi một vị sếp dành thời gian để công nhận thành tích của các nhân viên dưới quyền, kết quả anh ta thu được là cả tinh thần, hiệu suất và lòng trung thành của nhân viên sẽ tăng lên rõ rệt.
Kiều Anh