Apple đào tạo kỹ sư thiết kế thành danh họa như Picasso
Tại trường đại học Apple – một chương trình đào tạo nội bộ của hãng, các nhân viên mới đều trải qua khóa học thiết kế để tạo ra kiệt tác như danh họa Picasso.
- 30-06-2014Nhân viên Apple từng rất sợ ‘đụng mặt’ Steve Jobs, tại sao?
- 27-05-2014Nhân viên Apple, Google, IBM,... được đào tạo từ những 'lò' đại học nào?
- 06-06-2013Nhân viên Apple có thu nhập "khủng" cỡ nào?
Nếu có ai hỏi tại sao các sản phẩm của Apple đều được thiết kế đẹp mắt và tinh tế đến vậy thì câu trả lời là bởi các kỹ sư của họ đều tuân thủ theo những quy tắc thiết kế tạo ra kiệt tác của danh họa Pablo Picasso.
Qua chương trình đào tạo nội bộ, công ty truyền tải cho nhân viên của họ về những bài học về thiết kế đã từng được họa sỹ lừng danh Picasso sử dụng và tạo ra các kiệt tác để đời của mình.
Một trong những điểm mấu chốt nhất là loại bỏ tất cả những điểm rườm rà không cần thiết và chỉ tập trung vào vấn đề nổi bật nhất.
Randy Nelson, người từng tham gia giảng dạy về thiết kế cho nhân viên của hãng phim Pixar Animation là giảng viên chính cho chương trình này. Nelson cho biết, trong suốt khóa học ông tập trung truyền tải cho học viên cả những kiến thức bên trong và ngoài công ty nhưng đều nhắm vào mục tiêu tạo ra được những thiết kế sản phẩm trực quan nhất đối với khách hàng.
Trong một buổi học, Nelson đã cho học viên xem 11 bản nháp bức họa “Con bò” của Picasso để minh họa cho bải giảng:
Bản nháp bức họa "Con bò" của Picasso.
Lúc đầu, con bò có đầy đủ mõm, vai và móng guốc, nhưng sau nhiều đợt tẩy gọt, những chi tiết trên biến mất. Bức họa cuối cùng ra mắt công chúng được cấu thành bởi những đường lượn cong, nhưng hiển thị rõ rệt hình ảnh một chú bò.
Qua bài học về bức họa "Con bò" của Picasso, Nelson muốn tất cả nhân viên Apple thấm nhuần tư tưởng của công ty rằng tất cả tính năng và vẻ đẹp xuất phát từ thiết kế đơn giản mà thanh nhã.
Một nhân viên đã từng trải qua khóa học cho biết: “Bạn cần phải trải qua quá trình sàng lọc ý tưởng nhiều lần trước khi tìm ra cách đơn giản, ngắn gọn và súc tích nhất để truyền tải được thông điệp của mình. Thực tế tại Apple, chúng tôi luôn tuân thủ quy tắc này trong bất kể công việc và dự án nào”.
Một ví dụ điển hình có thể kể đến là chiếc điều khiển TV chỉ có 3 nút bấm của Apple. Trong khi đó, giảng viên Nelson so sánh nó với một sản phẩm tương tự của Google TV với 78 nút.
Điều khiển của Google TV (trái) và Apple TV (phải).
Nelson đã lý giải lý do khiến các nhà thiết kế của Apple quyết định sản xuất ra chiếc điều khiển có 3 nút: “Đầu tiên, họ nảy ra một ý tưởng, rồi tranh cãi cho đến khi còn lại trong tay những gì thực sự cần thiết: Một nút để bật và dừng video, một nút để chọn video, và một nút để xem thực đơn chính.
"Chiếc điều khiển của Google có quá nhiều nút, vì mọi thiết kế gia và kỹ sư tại Google làm việc trong dự án đó đều có được những gì họ muốn", Nelson nói.
Khóa học đặc biệt này được Steve Jobs tạo ra vào năm 2008 dưới sự điều hành của Joel Podolny, hiệu trưởng trường đại học quản lý Yale. Ngày nay, ông Joel vẫn tiếp tục quản lý chương trình đào tạo này tại Apple.
Có một điểm đặc biệt là tất cả các khóa học do Apple tổ chức đều không ép buộc nhưng hầu như tất cả nhân viên đều tham gia đầy đủ. Diễn giả tại các khóa học đều là các nhân viên lâu năm của công ty, một số khác đến từ các trường đại học danh tiếng như Yale, Harvard, M.I.T, Standford…
Bài học cho các nhà quản lý: Cách tốt nhất để truyền cảm hứng cho các khách hàng là biến sản phẩm của bạn thành những tác phẩm nghệ thuật. Hãy loại bỏ những chi tiết không cần thiết và chỉ tập trung phát triển yếu tố nổi bật nhất.
>> Tuyển nhân viên chuẩn như Google
Phương Linh