MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Bị cho nghỉ việc vì… không biết cười!'

03-03-2014 - 08:45 AM |

Lãnh đạo một doanh nghiệp kể rằng có lần công ty mất một khách hàng lớn chỉ vì đối tác phát hiện công nhân khạc nhổ , xỉ mũi trong khi làm việc.

Nội dung nổi bật:

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã phải dùng biện pháp mạnh như phạt, cắt tiền nghỉ mát, chấm dứt hợp đồng với nhân viên vì những 'lỗi' trời ơi đất hỡi như: Không niềm nở tươi cười với khách hàng, xả rác bừa bãi trong phòng làm việc, khạc nhổ trong nhà máy...



Một công ty ở quận 3, TP.HCM vừa chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 8 nhân viên. Họ khiếu nại đến Báo Người Lao Động. Trả lời vấn đề này, giám đốc công ty cho biết cả 8 nhân viên đều hết hạn hợp đồng, công ty không tiếp tục sử dụng họ chứ không phải đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Trao đổi thêm, vị giám đốc này tiết lộ: “Thật ra thì mấy nhân viên này bị cho nghỉ việc vì họ… không biết cười!”.

Bị nghỉ việc vì… mặt mũi chằm vằm!

“Xưởng sản xuất của chúng tôi đặt tại huyện Hóc Môn, TP.HCM; ở nội thành và một số địa phương khác thì có các trung tâm thương mại, dịch vụ. Khi tuyển chọn nhân viên cho các trung tâm này, chúng tôi chú ý nhiều đến ngoại hình và phong cách làm việc. Đặc biệt, nhân viên phải giao tiếp niềm nở, lễ phép, lịch sự với khách hàng. Khi thử việc, ai cũng đạt yêu cầu, vậy mà ký hợp đồng chính thức rồi thì lại sinh tật”.

Cái “tật” của nhân viên mà ông giám đốc kể ra là khi khách hàng thắc mắc, không hiểu, hỏi đi hỏi lại thì nhân viên không trả lời mà hất hàm chỉ vào bảng hướng dẫn treo trên tường bắt khách phải đọc. Đến giờ đóng cửa mà lỡ có khách hàng nào còn nấn ná thì nhân viên đó mặt mũi chằm vằm, đi tới đi lui trước mặt khách với vẻ khó chịu. Thậm chí, có lần khách góp ý, nhân viên còn cãi lại. 

“Nhân viên kinh doanh, phục vụ là bộ mặt của công ty. Bộ mặt có vui vẻ thì làm ăn mới hanh thông chứ nhân viên mà mặt mày chù ụ thì có nước đóng cửa công ty luôn. Bởi vậy, muốn công ty không đóng cửa thì tôi đành phải cho mấy anh chị đó nghỉ việc. Chuyện tưởng nhỏ nhưng chớ xem thường” - ông giám đốc đúc kết.

Xả rác thì khỏi nghỉ mát

Tại hội nghị tổng kết công tác bảo hộ lao động tổ chức tại TP.HCM mới đây, trưởng phòng nhân sự một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở khu chế xuất Tân Thuận than phiền: Nhiều công nhân rất vô ý thức, nhắc nhở hoài cũng không sửa đổi khiến giám đốc rất phiền lòng.

Chị kể công ty có bình nước uống cho công nhân. Để bảo đảm vệ sinh, công ty sử dụng ly xài một lần. Uống nước xong, công nhân chỉ việc bỏ ly vào thùng rác ngay cạnh đó để nhân viên phục vụ dọn dẹp. Thế mà rất nhiều công nhân uống xong vứt ly đầy dưới sàn nhà. Chưa hết, buổi sáng, trước khi vào ca, công nhân hay tụ tập trước sân ăn uống. Khi tiếng kẻng báo giờ làm việc vang lên, mọi người túa đi vô xưởng, bỏ lại một khoảng sân đầy rác, đích thân giám đốc phải đi nhặt từng túi ni-lông, từng miếng lá, hộp giấy… 

Chị trưởng phòng nhân sự kể: “Có lần công đoàn và phòng nhân sự đề xuất tăng tiền nghỉ mát cho công nhân, giám đốc bực mình gạt đi, bảo rằng tiền đó để thuê nhân công dọn rác mà công nhân xả ra mỗi ngày”.

Khó đỡ

Cũng chuyện những cái “tật” khó đỡ của công nhân, bà Nguyễn Thị Phương Lê, Phó Giám đốc Công ty Sao Phương Đông (quận 11, TP.HCM), cho biết công ty vừa cho nghỉ việc gần 30 nhân viên ở các bộ phận. 

Bà Phương Lê kể: “Công ty phát găng tay, khẩu trang, yêu cầu phải đeo vào trong lúc sản xuất vì khách hàng của công ty rất khó tính. Thế mà khi có người giám sát thì họ đeo vào, khi không có cán bộ kiểm tra của đối tác ở đó thì họ cởi ra vứt lung tung. Công ty quy định phải rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước và sau ca sản xuất nhưng nếu không có cán bộ quản lý ở đó thì ai cũng rửa qua loa với nước rồi thôi. 

Đặc biệt, chuyện khạc nhổ của công nhân thì… hết biết. Bạ đâu họ cũng khạc nhổ. Có lần công ty mất một khách hàng lớn chỉ vì đối tác phát hiện công nhân khạc nhổ, xỉ mũi trong khi làm việc. Tôi ra nước ngoài, thấy công nhân của người ta chấp hành nội quy, kỷ luật lao động mà phát ham; còn công nhân mình không biết tới chừng nào mới khá được”.

Danh sách những “chuyện nhỏ” còn rất dài, xin kể thêm câu chuyện của ông Lê Phi Hùng - Giám đốc Công ty Tân Minh, quận 12, TP.HCM. Mới đây, ông đã cho 3 nhân viên bảo vệ nghỉ việc và bị họ khiếu nại. Trao đổi với chúng tôi, ông vẫn chưa hết bức xúc: “Có đám cỏ khô ngoài sân công ty, bảo họ dọn thì chẳng ai chịu dọn. Đã vậy, lại còn hút thuốc rồi vứt tàn lung tung gây cháy. Suýt chút nữa tôi tán gia bại sản vì mấy “ông trời” này. Tôi không bắt bồi thường là may, còn kiện tụng cái nỗi gì?”.

duchai

Theo Người lao động

Trở lên trên