MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chaebol: Công thức đã đưa Hàn Quốc ra khỏi nghèo đói

10-03-2013 - 20:38 PM |

Cụm từ Chaebol giờ đây đã quá nổi tiếng tại Hàn Quốc, công có, tội cũng có, các Chaebol thực sự đã tạo nên một phần lịch sử của quốc gia này.

Đã có nhiều tranh cãi nổ ra khi phân tích vai trò của các Chaebol trong “nhịp thở” kinh tế của Hàn Quốc nhưng tựu chung lại vẫn có nhiều ý kiến đồng tình rằng Chaebol đã góp phần không nhỏ đưa Hàn Quốc bước ra khỏi khó khăn chung của toàn thế giới…

Mô hình Chaebol, độc đáo Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Huyndai… đều được gọi là Chaebol, theo tiếng Hàn từ Chaebol được ghép bởi từ “chae” là “sở hữu” và “mumbol” là “gia đình quyền quý”. Các Chaebol bắt đầu lớn mạnh từ những năm 1960 khi Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các công ty tăng cường xuất khẩu để thúc đẩy kinh tế.

Sự hỗ trợ của Chính phủ dưới dạng các khoản vay, đảm bảo và giãn thuế đã cho phép các công ty tăng trưởng và gia nhập nhiều thị trường. Đây chính là công thức đã đưa Hàn Quốc ra khỏi nghèo đói.

Theo đó, để vực dậy nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, những năm 1960 và 1970 của thế kỷ trước, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ để biến một số công ty lớn do gia đình quản lý thành các tập đoàn kinh tế lớn. Các tập đoàn này phát triển công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu, trở thành động cơ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc, tiêu biểu là Samsung, Hyundai, Daewoo...

Nhờ những lợi thế sẵn có và các chính sách ưu đãi của Chính phủ, các Chaebol này đã phát triển rất nhanh, chiếm lĩnh thị trường trong nước, áp đặt sự thống trị lên nền kinh tế, thậm chí có thể kiểm soát được cả khu vực tài chính.

Trong đó, nhóm 30 tập đoàn lớn nhất đã chiếm vị thế áp đảo với phần còn lại, chiếm gần một nửa giá trị tài sản và doanh thu của toàn bộ các Chaebol và đặc biệt là sự tập trung sức mạnh vào nhóm 5 công ty lớn nhất, vốn chiếm gần 30% giá trị tài sản và hơn 32,29% về doanh thu trong nhóm các Chaebol này.

Sự phát triển mạnh mẽ của các Chaebol đã góp phần không nhỏ đưa nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh, trở thành một trong những nước công nghiệp mới của châu Á. Nhờ đó mô hình của các Chaebol cũng trở thành hình mẫu cho một số quốc gia khác noi theo.

Và mỗi khi nhắc tới Chaebol thì không thể không đề cập tới những người đứng đầu lèo lái các con tầu tập đoàn này đi đúng đường hướng của sự thành công và phát triển. Người đầu tiên thuộc thế hệ những người sáng lập của Chaebol chính là ông Kim Woo-Choong, cựu Chủ tịch Daewoo từng mua một công ty dệt may nhỏ vào cuối những năm 1960 và 30 năm sau đã xây dựng nó trở thành tập đoàn công nghiệp lớn thứ hai Hàn Quốc.

Mặc dù tập đoàn này đã bị phá sản vì cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và trở thành con nợ “thế kỷ” nhưng rõ ràng những gì mà Kim Woo-Choong làm được cho Daewoo nói riêng và cho nền kinh tế Hàn Quốc vào những cuối những năm 60 của thế kỷ trước là điều không thể phủ nhận. Là người biết cách “lựa” thời Kim Woo-Choong đã nhanh chóng tận dụng được mọi ưu đãi mà Chính phủ thời đó hỗ trợ để biến công ty gia đình của mình thành một tập đoàn kinh tế vững mạnh.

Xuất thân từ một nhân viên làm công ăn lương, với hai bàn tay trắng nhưng Kim Woo-Choong đã không chịu chấp nhận số phận của mình, ông đã tìm mọi cách để gây dựng thành công một tập đoàn khổng lồ đã từng trở thành hình tượng tiêu biểu của nhiều người lao động, tập đoàn Daewoo. Kim Woo-Choong sinh năm 1936 tại Deagu.

Tốt nghiệp phổ thông trung học tại trường Kyounggi. Năm 1960, ông tốt nghiệp khoa kinh tế trường đại học Yonsei. Kim Woo Jung đã làm việc cho công ty Hansung cho đến năm 1966 và đến năm 1967 sáng lập công ty thương mại Daewoo và trở thành Chủ tịch tập đoàn Daewoo kể từ đó.

Cuộc đời thăng trầm của vị Chủ tịch này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công của các Cheabol tại Hàn Quốc. Trong thời kỳ lãnh đạo của mình, ông đã từng đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội liên hiệp kinh tế toàn quốc và đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như giải thưởng có thành tích xuất khẩu tốt do Tổng thống trao tặng, huân chương công nghiệp tháp vàng, được bầu chọn doanh nghiệp ấn tượng quốc tế do hiệp hội thương nghiệp quốc tế bình chọn. Tất cả những thành công đến với Kim Woo-Choong cũng nhanh như thời hoàng kim của Chaebol vậy.

Nắm bắt thời cơ gặt hái thành công là điều mà Kim Woo-Choong tâm niệm bởi ông luôn giữ quan điểm: “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”. Đến năm 1993, sau khi tách ra độc lập do có những bất đồng với công ty GM Mỹ đã từng là đối tác của Daewoo Motor.

Daewoo đã thâm nhập sâu thị trường trên thế giới bằng chiến lược tấn công. Cụ thể, Daewoo là người tiên phong, đi đầu, mở đường khai thác các khu vực còn nhiều xa lạ trong lĩnh vực xuất khẩu với thị trường Hàn Quốc như Liên xô cũ, khu vực Đông Âu, khu vực Trung Á, bởi ngay sau “chiến tranh lạnh” cánh cửa đi vào các khu vực này được mở rộng. Xác định rõ mũi nhọn của kinh tế thế giới là lĩnh vực chế tạo ôtô.

Không chỉ bước qua khủng hoảng tài chính mà những tập đoàn như Deawoo đã ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Thế nhưng điều gì cũng có tính 2 mặt, Cheabol có thể mang lại diện mạo mới cho nền kinh tế Hàn Quốc thì nó cũng có thể làm kìm hãm sự phát triển ở nấc thang tiếp theo với yếu tố thiếu minh bạch, kinh doanh theo kiểu “mối quan hệ” sẽ là liều độc dược dành cho Cheabol nếu không có sự ứng biến linh hoạt.

Kết cục đau xót của Kim Woo-Choong chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này, khi từ cương vị của một ông Chủ tịch tập đoàn nổi tiếng thế giới bỗng trở thành một kẻ bị truy nã gắt gao đồng thời ánh hào quang của Deawoo cũng tắt lịm ngay sau đó không lâu.



Chủ tịch Chaebol, họ là ai?

Mọi thành công đều không trải hoa hồng, thậm chí điều này càng đúng hơn khi vị Chủ tịch nổi tiếng nhất của Tập đoàn Samsung, ông Lee Kun-hee khẳng định: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn, nếu không muốn mình thất bại”.

Có lẽ tập đoàn giữ vững được vị thế của mình từ trong quá khứ tới hiện tại ở Hàn Quốc là Samsung, nguyên nhân được cho là tập đoàn này có cách xây dựng truyền thống cũng như biết kích thích các nhân tố phát triển.

Ông Lee Kun-hee sau khi kế thừa tập đoàn này từ người cha Lee Byung-chul vào năm 1987 đã nỗ lực không ngừng đưa tập đoàn Samsung gặt hái hết thành công này tới thành công khác. Năm 1938, công ty Samsung được thành lập với 40 công nhân và chuyên buôn bán trái cây, cá khô.

Năm 1960, công ty điện tử Samsung ra đời với ngành kinh doanh mới chủ yếu về điện tử, hóa dầu và đóng tàu. Năm 1983, Samsung sản xuất được chip điện tử đầu tiên nhưng vẫn chưa phải là một thương hiệu có tên tuổi ở Hàn Quốc.

Khi kế thừa sự nghiệp do người cha quá cố để lại, Lee Kun-hee đã ở tuổi 45. Thời trai trẻ, Lee đã được tiếp thu rất đầy đủ kiến thức kinh tế tại Đại học Waseda (Nhật Bản), nhận bằng MBA của Đại học George Washington (Mỹ) và học hỏi được rất nhiều từ thực tế thương trường.

Do vậy, sau khi lên điều hành Samsung, Lee đã quyết tâm áp dụng những kiến thức kinh tế cùng kinh nghiệm thực tiễn để đổi mới một cách toàn diện quy trình sản xuất, sản phẩm truyền thống của Samsung.

Ý tưởng mà Lee nung nấu là Samsung phải trở thành một thương hiệu toàn cầu, một biểu tượng và niềm tự hào của người Hàn Quốc. Là người có đầu óc tân tiến, Lee luôn dự cảm được trước những thời khắc khó khăn để có thể tạo dựng được sự vững chắc trong việc sản xuất, kinh doanh.

Chính vì vậy, khi cơn khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á xảy ra (1997), Samsung đã có kế hoạch đối phó. Là một vị Chủ tịch có cá tính và có nguyên tắc trong công việc Chủ tịch Lee đã từng yêu cầu 2.000 công nhân phải tự tay đập đi những sản phẩm do chính mình làm ra do một trong số chúng bị chê là không đạt yêu cầu trong quá trình sử dụng. Cách làm này đã khiến cho thành công liên tục đến với Samsung sau này.

Một vị Chủ tịch cũng hết sức nổi tiếng khác trong đế chế Chaebol Hàn Quốc là nguyên Tổng thống của nước này, ông Lee Myung-bak. Năm 1965, Lee Myung-bak bắt đầu làm việc ở công ty Hyundai, lúc bấy giờ được gọi là công ty Xây dựng Huyndai, một công ty có quy mô nhỏ. Mặc dù Lee Myung là một nhân viên mới vào công ty nhưng đã được cử sang để phụ trách dự án quan trọng nhất của công ty tại Thái Lan.

Dự án xây dựng đã hoàn tất thành công vào năm 1968 và Lee Myung-bak trở về Hàn Quốc thì được nhận giao nhiệm vụ quản lý nhà máy sản xuất máy móc thiết bị nặng thuộc công ty Huyndai tại Seoul. Suốt trong 3 thập niên với Tập đoàn Hyundai, Lee Myung-bak có một biệt danh là “Xe ủi đất”.

Bởi chàng trai này đã từng tháo rời một chiếc xe ủi đất để nghiên cứu cơ cấu vận hành của nó và cố tìm nguyên nhân khiến nó hư hỏng. Lee Myung-bak trở thành giám đốc điều hành của công ty chỉ sau 5 năm từ khi vào công ty và Chủ tịch hội đồng quản trị công ty khi ông 35 tuổi.

Đến năm 47 tuổi thì ông đã nắm giữ vị trí Chủ tịch công ty Xây dựng Hyundai. Khi Lee Myung-bak bắt đầu làm việc cho Huyndai vào năm 1965, công ty hoạt động với qui mô 90 nhân viên, nhưng khi Lee Myung-bak rời công ty 27 năm sau, số nhân viên lên đến 160.000 người.

Lee Myung-bak đóng vai trò lớn trong tiến trình bình thường hóa bang giao quan hệ Hàn Quốc với Liên Xô, xây dựng các mối quan hệ với những nhà lãnh đạo nước ngoài như cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân... Sau khi rời khỏi công việc cộng tác với Hyundai vào cuối năm thứ 27, Lee Myung-bak quyết định tham gia chính trường.

Họ là thế, những vị Chủ tịch Chaebol dù ở bất cứ cương vị nào, dù trải qua những thăng trầm trong cuộc sống vẫn luôn có được những chiến lược tinh tế để giải quyết vấn đề, điều mang lại sức mạnh cho con hổ vùng Đông Bắc Á, Hàn Quốc…

Theo Thành Thân

Pháp luật & Xã hội

duchai

Trở lên trên