'Chính nghĩa' trong kinh doanh
Nội dung nổi bật:
- Steve Jobs, Bill Gates hay Mark Zuckerberg đều tập trung vào một việc và chỉ duy nhất một việc đó là đem lại lợi ích lớn nhất cho con người qua phương tiện phục vụ của họ
- Một người lãnh đạo trước khi muốn lãnh đạo tốt DN, muốn được xem là hình mẫu lý tưởng của người lãnh đạo trong DN mình, thì phải có khả năng lãnh đạo chính mình trước
Trong thời buổi kinh tế hiện nay doanh nhân VN đang trăn trở đối mặt với bao vấn đề : Kinh tế khó khăn thì nên làm gì ? Chiến lược tiếp theo để tồn tại và phát triển thì phải làm sao ? Làm sao huy động được vốn ? Và một vạn câu hỏi khác thoạt nhìn có vẻ thiết thực nhưng thực chất đây chỉ là những câu hỏi thứ cấp.
Biết làm gì, có vốn kinh doanh nhưng vấn đề mấu chốt ở đây vẫn là làm cho ai ?
Câu hỏi này nghe qua thì thấy vớ vẩn ngây ngô vì kinh doanh là để làm giàu cho bản thân chứ cho ai ?! Nhưng thật sự cái giá trị, hiệu quả kinh doanh của mình không do mình tự đặt ra, mà chỉ được xác nhận bởi xã hội từ những gì mình đem lại được cho những đối tượng chung quanh.
Bởi giá trị của một cá nhân, của một chủ DN, và ngay cả của một lãnh đạo đất nước được xác định không phải từ giá trị của cá nhân đó, mà phải dựa trên cái tổng giá trị cá nhân đó, cụ thể đã đem lại được lợi ích cho cộng đồng mình phục vụ như thế nào, kể cả những cộng đồng khác có ảnh hưởng gián tiếp đến mình, hoặc chịu ảnh hưởng từ mình.
Giá trị cộng đồng
Những người giàu nhất thế giới từ rất sớm, bằng bản năng đã "ngộ" được khái niệm này nhờ sự hồn nhiên, trong sáng và nhiệt huyết tuổi trẻ. Như Steve Jobs ở tuổi 19 mặc dù không có một chút kiến thức gì về IT công nghệ thông tin, không một đồng vốn mà đã dám mơ làm sao để "mỗi nhà sẽ có được một computer trong bếp".
Bill Gates đang học năm đầu ở Đại học Harvard, bỏ học để đi viết phần mềm IT với ước mơ ấp ủ làm sao để "ai cũng có thể sử dụng được những tiện ích này". Và một Mark Zuckerberg nổi tiếng cả thế giới ngày nay, trước đây cũng bỏ học ngang ở Harvard như Bill Gates để làm sao "kết nối thế giới lại với nhau".
Tất cả đều tập trung vào một việc và chỉ duy nhất một việc đó là đem lại lợi ích lớn nhất cho con người qua phương tiện phục vụ của họ. Và tất cả đã thành công vượt tầm nhờ đã quên mình, dám ước mơ cống hiến cho xã hội. Cả Zuckerberg và Jobs những con người này đều chủ trương sống với nhu cầu cá nhân tối thiểu thì mới có đầu óc suy nghĩ phát huy giá trị tối đa cho người khác.
Họ mặc chỉ một loại quần jean, áo thun để sáng dậy không phải suy nghĩ phải mặc gì. Trong nhà Jobs thậm chí chỉ sắp đặt có vài bàn ghế thô sơ. Còn Bill Gates ông đã bỏ ngang công việc đỉnh cao để tập trung dành thời gian làm từ thiện, làm sao để đến cuối đời sẽ tiêu hết tài sản của mình vào các công tác từ thiện giúp ích cho xã hội cộng đồng và chỉ để lại cho con cái mỗi đứa vài triệu đô la, chỉ khoảng 1/10.000 tài sản của ông.
Do đó, nếu biết đặt trọng tâm kinh doanh vào mục tiêu phục vụ con người tất sẽ được xã hội công nhận và nuôi sống. Đó chính là chính nghĩa trong kinh doanh. Chính nghĩa ở đây không phải là cái gì xa lạ cao vời, không phải chỉ có ý nghĩa chính trị, mà định nghĩa đơn giản nhất là cái ý nghĩa hiệu quả của việc mình làm có được sự chấp nhận của mọi người cộng hưởng hay không ? Sự đồng thuận càng cao, chính nghĩa càng lớn, càng dễ thành công.
Chữ “nhân” đi đầu
Và để thực hiện được lý tưởng chính nghĩa này, chữ "nhân" đi đầu. Trong phạm trù đạo đức xã hội nói chung, Nhân là ý thức tự trọng trong vai trò cũng như trách nhiệm xã hội của mình và biết trân trọng giá trị cộng đồng chung quanh.
Có nhân, thì lễ, nghĩa, trí đi kèm mới tạo được chữ tín, tạo nên vòng tròn khép kín thể hiện giá trị đẳng cấp của cá nhân, của tập thể. Thiếu nhân thì dù có lễ, có nghĩa, có trí nhưng sẽ không đạt được tín. Thiếu nhân thì dù có dùng trí tinh tế như thế nào để thể hiện lễ và nghĩa cũng chỉ là hình thức màu mè, lâu dài sẽ phản tác dụng.
Con người thành tài mà không thành nhân thì sẽ tự hủy hoại hay lãng phí cái tài của mình. Cụ thể ta thấy thực tế một sản phẩm không thực sự có giá trị cho người sử dụng thì dù có khuyến mãi, quà xén chiêu thức như thế nào cũng không thể tạo được lòng tin và chắc chắn sẽ bị đào thải. Vì vậy kinh doanh mà không có chữ tín thì xem như DN sẽ đã thiếu cái "vốn xã hội" để tồn tại bền vững.
Trong kinh doanh, đối tượng phục vụ của doanh nhân không chỉ là khách hàng, mà còn là tổ chức, các cán bộ nhân viên trong Cty và gia đình của họ, các đối tác làm ăn, nhà đầu tư, hàng xóm láng giềng... Tất cả các đối tượng này là nước, và DN chính là thuyền. Nước cao thì đưa thuyền ra khơi tung lưới, nước cạn thì thuyền mắc cạn, khỏi cần bàn chiến lược kinh doanh, đánh bắt xa bờ.
Ở đây ta nên hiểu thêm chính nghĩa trong kinh doanh với mục tiêu xuyên suốt là phải làm gì có lợi nhất cho cộng đồng xã hội từ những người thân gần gũi nhất, với tất cả tài nguyên sẵn có và có thể có của DN. Càng có nhiều người được hưởng lợi từ ta thì ta mới nhận được một phần giá trị thặng dư từ người.
“Tu thân”
Trong DN, bí quyết lãnh đạo, quản trị không khác gì so với lãnh đạo, quản trị trong một gia đình hay cũng có thể lãnh đạo cả một quốc gia. DN là một gia đình lớn, nhưng cũng là một “quốc gia” nhỏ. Và một người lãnh đạo trước khi muốn lãnh đạo tốt DN, muốn được xem là hình mẫu lý tưởng của người lãnh đạo trong DN mình, thì phải có khả năng lãnh đạo chính mình trước. Đó chính là “tu thân”.
Tu thân đầu tiên là phải biết đặt chữ "nhân" làm đầu. Mở rộng ra ngoài bản thân, trong một gia đình, người chủ gia đình có cho được cái "ân", và đặt quyền lợi hạnh phúc của người thân chung quanh mình lên trên hết, thì mới có được cái "uy" và cái “trung” để lãnh đạo lèo lái gia đình.
Ở tầm quốc gia, một đất nước chỉ có khả năng làm cho "dân giàu nước mạnh" khi lãnh đạo phải biết "lấy dân làm gốc", xuyên suốt mọi việc "do dân và vì dân". Những nhà lãnh đạo lớn thấu hiểu được chính nghĩa này nên luôn tất thắng.
Ở VN, người dân cũng đã nghe nhiều và kính phục tài lãnh đạo con người của Bác Hồ. Rất nhiều câu chuyện về Bác hoàn toàn có giá trị thiết thực trong lãnh đạo DN ngày nay vì luôn xuyên suốt một chính nghĩa : lấy dân làm gốc, lấy con người làm trọng tâm.
Cụ ông Trần Oanh, một nhà cách mạng lão thành năm nay 98 tuổi, nhưng vẫn còn rất minh mẫn và hiện đang sống với con cháu tại Hà Nội, đã kể lại câu chuyện tâm đắc về Bác : “Trước khi qua Lào nhận công tác do Hồ Chủ tịch giao phó, ông đã vào gặp Bác để xin chỉ đạo. Bác chỉ nhắn gửi vỏn vẹn mấy chữ : "Làm gì thì làm, phải 'ĐƯỢC VIỆC, ĐƯỢC NGƯỜI, ĐƯỢC CÁN BỘ' ".
Kinh doanh cũng vậy. Làm gì thì làm cũng phải được việc mới tồn tại. Mà muốn được việc là phải được người, được lòng người, có được sự đồng thuận của mọi người chung quanh. Đã có chính nghĩa con người rồi thì cộng sự đồng tâm tất có, việc sẽ thành.
Theo Trần Sĩ Chương