MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm kinh doanh: Không bao giờ được quên điểm xuất phát

25-08-2014 - 12:41 PM |

Trên cương vị là một lãnh đạo, ai cũng phải tìm mọi cách phát triển công ty nhưng một khi "chạy" quá nhanh, nhiều người quên đi bằng cách nào họ có được vị trí như ngày hôm nay.

Sai lầm lớn nhất mà các công ty khởi nghiệp mắc phải trong quá trình phát triển kinh doanh là họ quên đi mình đã khởi đầu như thế nào.

Simon Casuto hiện là chủ tịch và quản lý của tổ chức eLearning Mind, một công ty hỗ trợ dịch vụ phát triển doanh nghiệp. Dưới đây là bài chia sẻ của anh về kinh nghiệm khởi nghiệp:

Khi còn trẻ, tôi may mắn được chứng kiến quá trình từ ngày mẹ tôi thành lập đến phát triển công ty luật có chỗ đứng như ngày nay. Thời điểm đó, tôi cũng tham gia làm một số việc vặt ở công ty để giúp mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi may mắn tìm được công việc tại một công ty thuộc Fortune 500.

Tất cả những kinh nghiệm đó đã thúc đẩy đam mê trở thành doanh nhân của tôi. Ngoài ra, nó cho tôi rất nhiều bài học kinh doanh đắt giá để bắt đầu thành lập công ty riêng của mình.

Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp, tôi đúc kết ra được 3 bài học đáng giá nhất dưới đây:

Không bao giờ được quên điểm xuất phát ban đầu

Trên cương vị là một lãnh đạo, ai cũng phải tìm mọi cách phát triển công ty nhưng một khi "chạy" quá nhanh, nhiều người quên đi bằng cách nào họ có được vị trí như ngày hôm nay. Quá nhiều doanh nhân quên đi cách làm cũng như những "ân nhân" đã giúp đỡ họ đạt đơợc thành công như ngày hôm nay. Hậu quả là sau đó, họ bị mất đi những khách hàng đầu tiên và tốt nhất của mình.

Ví dụ điển hình là RadioShack. Được phát triển từ một chuyên viên công nghệ, tôi đã được chứng kiến toàn bộ quá trình từ những ngày đầu công ty này thành lập cho đến khi nó chuyển từ một địa điểm lưu tới thường xuyên của những tín đồ công nghệ thành một chuỗi cửa hàng điện thoại thông minh hoàn toàn không hấp dẫn.

Ngày nay, sau khi mất đi 95% giá trị, RadioShack lại đang tái tập trung vào lĩnh vực và tiêu chí kinh doanh ban đầu của mình. Theo đó, công ty bắt đầu xây dựng một cửa hàng trưng bày những sản phẩm dành riêng cho các DIYers (những người theo chủ nghĩa tự mình làm mọi việc) để trao đổi và tìm kiếm sự hợp tác trên các dự án.

Tương tự, ban đầu công ty tôi và các đối tác hầu như không không có nền tảng trong lĩnh vực đào tạo. Điều này có nghĩa là chúng tôi phải lắng nghe, tìm hiểu xem khách hàng đang thực sự cần gì và đáp ứng nó. Cho đến nay tôi vẫn không quên điều đó, lắng nghe đã ăn sâu vào tâm trí tôi. Tôi hiểu rằng một khi đi chệch hướng và mất kiểm soát với những gì chúng tôi làm và khiến khách hàng không hài lòng tức là chúng tôi sẽ gặp rắc rối.

Đặt dịch vụ khách hàng lên hàng đầu

Dịch vụ khách hàng là chìa khoá thành công cho bất kỳ doanh nghiệp nhỏ nào. Tại công ty, tôi luôn truyền đạt tới nhân viên rằng một khách hàng hạnh phúc chính là chiếc "cúp vô địch" mà công ty nhận được.

Nhìn vào bất cứ công ty thành công nào bạn đều thấy được thực tế này. Tôi đã từng chứng kiến dịch vụ khách hàng tuyệt vời tại một cửa hàng. Theo đó, một khách hàng bị rơi mất viên kim cương trong chiếc nhẫn của cô ấy. Nhân viên bán hàng trực tiếp đã không ngần ngại tham gia tìm kiếm cùng vị khách. Thậm chí, anh này còn kêu gọi thêm một số đồng nghiệp khác tham gia cùng cho đến khi tìm ra được viên kim cương. Đó chính là dịch vụ khách hàng.

Hãy biết ơn những phản hồi tiêu cực

Khi mới khởi nghiệp, tôi gặp phải rất nhiều lời chỉ trích về ý tưởng kinh doanh với eLearning Mind. Tuy nhiên, mặc cho những lời bàn tán và chỉ trích đó, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện dự án theo cách riêng của mình.

Tương tự với những lời bình luận không tốt từ phía khách hàng. Hãy coi đó là may mắn bởi đây là cơ hội tuyệt vời cho bạn tiếp cận và khám phá ra những sai sót và làm thế nào để cải thiện chúng. Cuộc sống là vậy, bạn cần học cách chấp nhận và tiếp nhận những ý kiến khác nhau từ tốt đến xấu.

Tại eLearning Mind, tôi tổ chức các buổi nói chuyện hàng ngày để thảo luận những gì công ty đã làm tốt và không tốt để cùng rút ra kinh nghiệm. Những khảo sát nội bộ này thực sự có ích, nó như một công cụ học tập và là cách truyền đạt tốt nhất đến toàn thể nhân viên (dù trực tiếp tiếp cận với khách hàng hay không) rằng chúng ta luôn quan tâm đặc biệt đến sự hài lòng của khách hàng.

Kết luận: Sẽ là hơi cổ hủ nếu nói rằng tôi đã học được những kiến thức kinh doanh cần thiết từ công ty luật của mẹ. Tuy nhiên, phải công nhận rằng những kinh nghiệm đầu tiên đó thực sự định hình tính cách của tôi thời điểm hiện tại. Ngoài ra tôi cho rằng, khả năng hiểu được những gì mọi người cần và tạo ra thứ đáp ứng điều đó là chìa khoá dẫn đến thành công cho bất cứ doanh nghiệp nào.

>> 9 lý do bạn nên bắt đầu kinh doanh muộn

T.V  

vandoan

Theo Infonet/Inc.

Trở lên trên