MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo VC Corp ‘gạn đục khơi trong’ nhân viên như thế nào?

21-12-2012 - 07:50 AM |

“Dụng nhân như dụng mộc”.

Nếu gõ cụm từ “nghệ thuật lãnh đạo” trên trang tìm kiếm Google, thì có tới hơn 2,8 triệu kết quả hiển thị chỉ trong 0,14 giây. Điều này phần nào cho thấy vấn đề lãnh đạo đến thời điểm hiện nay đã được nhiều người Việt quan tâm và tốn không ít giấy mực của các chuyên gia nhân sự. Liệu rằng để lèo lái một doanh nghiệp thành công, có cách nào dễ thực hiện hơn là những cụm từ trừu tượng như “thu phục nhân tâm”, “đắc nhân tâm”, “gây ảnh hưởng”, hay những vấn đề mang tính kỹ năng? Xin tiết lộ, điều đó là “có”, xuất phát từ sự hiểu biết có trí tuệ và nằm ở động lực bản thân mỗi người.

Theo ông Vương Vũ Thắng – Tổng Giám đốc VC Corp, những nhà lãnh đạo không hiểu nhân viên không thể thành công, hoặc chỉ thành công trong thời gian rất ngắn. “Không hiểu nhân viên làm sao giao đúng người đúng việc, làm sao đạt được hiệu quả công việc”, ông Thắng cho biết. Và ông đúc rút, hiểu nhân viên là trách nhiệm của mỗi nhà lãnh đạo, điều buộc phải có để thành công.
 
Hiểu nhân viên là điều buộc phải có để thành công

Đa phần những người mới làm ở vị trí lãnh đạo thường ôm đồm công việc. Họ làm tất cả mọi thứ vì đơn giản chưa tin tưởng nhân viên của mình. “Đó là chuyện bình thường, thậm chí rất tốt vì mỗi người cần hiểu được công việc và năng lực cấp dưới. Nhưng nếu tiếp tục làm ngày này qua ngày khác, không giao việc cho người khác thì đấy mới là vấn đề”, ông Thắng cho biết. 

Ôm đồm công việc chỉ là vấn đề của thời điểm, không nhà lãnh đạo nào có đủ thời gian và sức lực tự tay làm mọi việc. Vấn đề khó là họ chưa tìm được người tin tưởng. Cho nên, lý do đầu tiên nhà lãnh đạo phải hiểu nhân viên để biết điểm mạnh, điểm yếu để giao việc.

“Hiểu năng lực, trình độ, tính cách/thói quen làm việc của nhân viên là ưu tiên đầu tiên. Đó là cách thông thường mình tiếp cận với mọi người ở công ty. Đầu tiên mình xem họ mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào”, ông Thắng chia sẻ. 

Trách nhiệm của lãnh đạo là phát hiện ra điểm mạnh của những người làm việc với mình. Cần tiếp tục giao những công việc phát huy thế mạnh của họ, khi đó công việc của bản thân người lãnh đạo cũng hanh thông. Trường hợp không tránh được điểm yếu, nhà lãnh đạo cần kiểm tra thường xuyên, hỗ trợ và ra cơ chế thưởng phạt để họ cẩn thận với điểm yếu của mình”, ông nói thêm.

Khi công việc đạt kết quả cao, chứng kiến người khác thành công tức là nhà lãnh đạo đã giao đúng người đúng việc. Đó là nguyên tắc win-win của mỗi nhà lãnh đạo.

Tại buổi tọa đàm “Làm thế nào để sếp hiểu nhân viên” diễn ra sáng 15/12, ông Thắng khuyên đội ngũ cán bộ công nhân viên – những nhà quản lý ở các dự án khác nhau của công ty cần lưu ý đến điểm mạnh, yếu của ứng viên ngay tại buổi phỏng vấn. 

"Tư duy những người dưới quyền có điểm mạnh và điểm yếu ở đâu là kiểu nghĩ của những nhà lãnh đạo thành công". 

Ông Vương Vũ Thắng

Trên thực tế, hiếm nhà lãnh đạo có thói quen quan sát năng lực nhân viên mỗi khi tiếp cận. Nếu chưa làm được điều này, bản thân họ rất khó đạt được thành tựu ở vị trí hiện tại. Ông Thắng khuyên các nhà lãnh đạo, quản lý nên hình thành thói quen mới: khi nhìn nhân viên, điều đầu tiên phải xem họ mạnh, yếu ở đâu. Đó cũng là điều ông Thắng thường xuyên nói chuyện với ban lãnh đạo công ty.

“Điều này không chỉ nhìn một lần, mà sau một thời gian làm việc người nhân viên có thể thay đổi. Có những cái trước  kia mình nghĩ người ta mạnh lại không mạnh như mình nghĩ. Ngược lại, có những lĩnh vực người ta yếu mình phải có cách giao việc mới. Thực hành thường xuyên thói quen này, khi nhân viên có dấu hiệu đổi khác, cấp trên sẽ biết ngay và cất nhắc họ vào vị trí công việc phù hợp”, ông Thắng cho biết. Ông Thắng tiết lộ, ở VC có đặc điểm là cất nhắc những người trẻ lên làm sếp rất nhanh vì lãnh đạo có thói quen làm việc kiểu này và đã hình thành nên nét văn hóa ở công ty.

Ông khẳng định việc tư duy những người dưới quyền có điểm mạnh và điểm yếu ở đâu là kiểu nghĩ của những nhà lãnh đạo thành công. “Ít nhất khi có tư duy ấy, tự nhiên khi được cử một ông ‘phó’ trái tính làm việc cùng, bản thân người quản lý cũng hiểu rằng mình không bị ghét mà được hỗ trợ để đạt được hiệu quả công việc. Nhà lãnh đạo cũng cần tạo văn hóa để họ nỗ lực làm việc với nhau”, ông Thắng nói thêm.

“Gạn đục khơi trong” chứ không “gạn trong khơi đục”!

Trong công việc, nhà lãnh đạo không thể đợi nhân viên tự hoàn hảo lên theo thời gian, mà hãy là người trực tiếp “gạn đục khơi trong”, giúp họ phát huy năng lực của mình. Làm được như vậy, xung quanh bạn sẽ luôn có những người giỏi, bổ sung những phần khiếm khuyết của bản thân.

Nhìn chung, mỗi cấp trên cần chú trọng đến điểm mạnh nhiều hơn điểm yếu để “gạn đục khơi trong” người nhân viên. Giao những công việc giúp cấp dưới phát huy thế mạnh, hạn chế điểm yếu; đặt họ vào hoàn cảnh không phải làm những công việc sử dụng điểm yếu hoặc tìm những người giúp họ hạn chế điểm yếu, chỉ bảo họ hạn chế khuyết điểm chính là “gạn đục”. Còn “khơi trong” tức là giúp họ phát huy tối đa điểm mạnh. Hãy đặt nhân viên vào hoàn cảnh phù hợp để phát huy điểm mạnh, tạo điều kiện để hỗ trợ điểm mạnh của họ. 

Ngược lại, nếu “gạn trong khơi đục” nhà lãnh đạo sẽ không làm việc được. Tình trạng này trên thực tế lại diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Việc “soi” những khiếm khuyết khiến nhân viên cảm thấy khó chịu, mất tự tin, còn bản thân nhà lãnh đạo có khi không còn thấy điểm sáng nơi nhân viên nữa và họ hiếm khi tin tưởng, giao việc. Ngược lại, “gạn đục khơi trong” là hiểu điểm yếu và điểm sáng của nhân viên để thử năng lực của họ”, ông Thắng nói.

"Sếp thông minh phải biết nâng tầm nhân viên dần dần". 

Ông Vương Vũ Thắng

“Dụng nhân như dụng mộc”, nhà lãnh đạo không thể đòi hỏi nhân viên hoàn hảo. Nhưng nhiệm vụ của cấp trên là giao đúng người đúng việc để họ phát huy khả năng mình có. Đây cũng là trách nhiệm của nhà lãnh đạo đối với sự phát triển chung của toàn công ty.

Ông Thắng cho biết: “Nếu không làm những người xung quanh tiến bộ, hiệu quả đi ngang. Đó là điều chắc chắn. Nếu không giúp nhân viên trưởng thành, mình cũng chỉ là người không trưởng thành thôi. Mình sẽ làm từ A đến Z, suốt ngày cáu vì nhân viên kém”. Ông tự hào: “Nếu mình không có các “cao thủ” xung quanh, công ty thất bại từ lâu rồi. Xung quanh mình rất nhiều cao thủ, vì thế công ty mới có ngày hôm nay”. 
 
Lý luận chỉ có vậy, còn thực tế liệu mỗi nhà lãnh đạo có thể đem những điều này thành sự thật hay không cần có sự nỗ lực vượt bậc trong quá trình hiểu nhân viên. Muốn nâng tầm bản thân, trước hết phải nâng tầm những người xung quanh. Đó cũng là nguyên tắc của nhà Phật và là kim chỉ nam cho những vị sếp thông minh muốn doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng vượt bậc.

Tân Hoa

tanhoa

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên