MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Masan Group lý giải chủ trương thay đổi Tổng giám đốc

30-07-2013 - 14:10 PM |

Kèm theo sự chuyển đổi chiến lược mở rộng đầu tư vào thị trường tiêu dùng là tái phân bổ và mở rộng về nhân sự cao cấp. Ông Madhur Maini nhường ghế Tổng giám đốc Masan Group cho ông Nguyễn Đăng Quang.

Theo thông tin chính thức từ CTCP Tập đoàn Masan (MSN), bước chuyển về chiến lược sẽ là thành lập Masan Consumer Holdings (MCH) làm bàn đạp để mở rộng tầm với của Masan trong các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng. MCH sẽ bao gồm 2 “trụ” là Masan Consumer (cũ) và Masan Consumer Ventures (mới). 

Lên chủ trương thay đổi Tổng giám đốc

Masan Consumer sẽ chỉ tập trung vào các ngành lõi truyền thống là thực phẩm và đồ uống. Trong khi đó, nhân tố mới Masan Consumer Ventures sẽ mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến thị trường tiêu dùng, nơi mà thương hiệu và phân phối đóng vai trò cốt yếu trong việc thắng bại trong kinh doanh (thí dụ như bán lẻ).

Kèm theo sự chuyển đổi chiến lược này là tái phân bổ và mở rộng về nhân sự cao cấp. Theo đó, ông Madhur Maini sẽ chuyển sang phụ trách MCH với vai trò Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Đăng Quang sẽ tạm thời phụ trách vai trò TGĐ của Masan Group cùng với 3 phó TGĐ là ông Nguyễn Thiều Nam (cũ) và hai ông Michael Hưng Nguyễn và Trương Công Thắng (mới).

Tại sao lại có sự thay đổi mang tính bước ngoặt này? Nhìn về mặt nhân sự, rõ ràng việc củng cố nhân sự ở Masan Group là nhằm đi tiếp lộ trình chuyên môn hóa và quốc tế hóa về mặt quản trị. Nhưng ẩn đằng sau đó là việc hỗ trợ cho Madhur Maini, chiến lược gia về tài chính và quản trị, rảnh tay chuyển sang toàn tâm toàn ý lãnh đạo Masan Consumer Holdings. Nói cách khác, chuyển biến về nhân sự là để phục vụ cho bước nhảy mới của Masan trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Thông cáo phát đi của Masan cho biết, chủ trương trên sẽ được thực hiện khi có chấp thuận cần thiết.

Lý giải nguyên nhân đổi lãnh đạo cấp cao

Theo Masan, tiềm năng của các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng ở Việt Nam rất lớn. Theo Bain Analysis và Global Insights, tốc độ tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng ở Việt Nam luôn cao hơn các nước khác trong khu vực ASEAN với con số tăng trưởng trung bình tích lũy khoảng 8% trong giai đoạn 2001-2011, trong khi Malaysia được 7%, Indonesia được 6%, và các nước còn lại xấp xỉ 4%.

Cũng theo Bain và Global Insights, về tốc độ phát triển chi tiêu tiêu dùng, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị trí “không có đối thủ” trong khu vực trong giai đoạn 2011-2020 với tốc độ 8%, vượt xa nhóm thứ nhì là Indonesia và Malaysia (5%) và các nước còn lại (4%).

Và điều này, theo Euromonitor và WorldBank, cũng do nhiều nguyên nhân dễ hiểu. Dân số Việt Nam đang là dân số rất trẻ (61,7% dưới độ tuổi 35), do đó nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn. Tầng lớp trung lưu cũng đang tăng tăng trưởng mạnh mẽ và còn nhiều cửa để tăng tiếp vì hiện nay mới chỉ có 29% số hộ gia đình có thu nhập trên 5000 USD mỗi năm (tăng gấp đôi so với 5 năm trước). Tốc độ đô thị hóa cũng đang tăng nhanh và mới chỉ ở giai đoạn đầu với 29% dân cư thành thị.

Đó là chưa kể tín dụng cho tiêu dùng ở Việt Nam gần như chưa có gì, chỉ có 9 thẻ tín dụng trên 1000 người dân (so với Trung Quốc hiện nay là 178 và Indonesia là 63). Chỉ có rất ít các doanh nghiệp cho vay tiêu dùng ở Việt Nam và lãi suất hiện nay ở mức cắt cổ. Khi cửa sổ tín dụng được mở, người dân có thể tiếp cận đến các hoạt động cho vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý hơn, thì tốc độ tăng trưởng về tiêu dùng ở Việt Nam là không phải bàn cãi.

Vì thế, có thể hiểu tại sao Masan lại đặt vận mệnh của mình vào “cửa” tiêu dùng trong ván bài kinh doanh.

Cuộc chơi tiêu dùng của Masan ở MCH sẽ là vận dụng sức mạnh sẵn có của Masan Consumer để phát triển các doanh nghiệp mới do Masan Consumer Ventures đầu tư. Masan Consumer Ventures sẽ tiếp tục vận dụng chiến lược M&A như Masan Consumer đã làm với Vinacafe Biên Hòa. Cuộc chơi này sẽ khởi điểm bằng việc Masan Consumer Ventures kết hợp với các đối tác tài chính lớn mua lại các doanh nghiệp tiêu dùng ở Việt Nam. Sau đó sẽ là tăng cường bơm vốn, nâng cao chất lượng quản trị, công nghệ, phát triển thương hiệu, và gia tăng thị phần của doanh nghiệp được mua lại.

Thành công hay không trong cuộc chơi này nằm ở cách thực hiện. Việc điều chuyển “ngôi sao” Madhur Maini sang lãnh đạo MCH là một nước đi được toan tính kỹ lưỡng. 
 
Như Hoa

thuyntt

CafeF/Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên