Kakao: Từ biểu tượng đổi mới thành ‘gã độc tài’ bị người dân Hàn Quốc chán ghét, chuyên đi thâu tóm đối thủ để vùi dập cạnh tranh
Chuyện gì đang xảy ra với Kakao, nền tảng "không thể thiếu" của người dân Hàn Quốc?
- 07-08-2024Sự hỗn loạn bên trong Kakao: Founder bị bắt, tự đẩy tập đoàn vào ngõ cụt vì khuyến khích nhân viên khởi nghiệp, độc quyền đến mức người dân chán ghét
- 23-07-2024Nhà sáng lập gã khổng lồ công nghệ Kakao bị bắt vì thao túng giá cổ phiếu, ngăn công ty chủ quản BTS chi phối ông lớn giải trí hàng đầu Hàn Quốc
- 13-07-2022Tỷ phú mới của Hàn Quốc là ông chủ của tựa game được Kakao hậu thuẫn
Cách đây 2 năm, người dân Hàn Quốc đã vô cùng hoảng loạn khi nền tảng internet Kakao đột nhiên ngừng cung cấp dịch vụ do sự cố mất điện tại một trung tâm dữ liệu.
Dù chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng nhưng sự cố này đã gây ra tình trạng hỗn loạn với hàng chục triệu người dùng không thể rút tiền hay mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), gọi taxi hay gửi tin nhắn cho gia đình.
Sự cố này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Kakao lớn đến mức nào tại Hàn Quốc cũng như sự rủi ro khi cả thị trường phụ thuộc vào một dịch vụ duy nhất, thế nhưng người dân nơi đây vẫn không thể sống thiếu Kakao.
Nền tảng Kakao đã và vẫn đang là công ty cung cấp hầu hết các dịch vụ phổ cập miễn phí tại Hàn Quốc, từng được coi là biểu tượng của sự đổi mới nhờ tiện lợi và dễ sử dụng.
Tuy nhiên, người dân đang ngày càng phản đối biểu tượng này khi nhận ra Kakao không còn là doanh nghiệp tập trung vào đổi mới như trước đây mà chỉ chuyên đi thâu tóm, sáp nhập đối thủ hoặc các công ty con.
Gã độc tài
Vào tháng 7/2024, nhà sáng lập Kim Beom Su (Brian Kim) của Kakao đã bị bắt vì cáo buộc thao túng cổ phiếu liên quan đến việc thâu tóm một doanh nghiệp trong làng K-pop.
Đây là giọt nước tràn ly khiến nhiều người nhận ra Kakao không phải là một hãng chuyên đổi mới công nghệ mà chỉ là đế chế kinh doanh chuyên đi thâu tóm, sáp nhập hay mua lại các đối thủ trong suốt 1 thập kỷ.
Nhờ chiến lược thâu tóm mạnh mẽ mà Kakao đã trở thành một đế chế kinh doanh rộng lớn, từ phát nhạc trực tuyến, trò chơi điện tử cho đến những hãng khởi nghiệp chuyên đặt lịch hẹn tại các tiệm làm đẹp.
Riêng trong năm 2023, Kakao đã thâu tóm 6 công ty thông qua các vụ sáp nhập và mua lại (M&A) với tổng chi phí 1,4 nghìn tỷ Won, tương đương 1 tỷ USD.
Chiến lược M&A thường thấy của những tập đoàn công nghệ khi đè bẹp đối thủ bằng tiền này đã giúp đế chế Kakao bành trướng, đồng thời làm giàu cho nhà sáng lập Kim.
Số liệu của Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) cho thấy tính đến tháng 5/2024, Kakao có 128 công ty liên kết với tổng tài sản đạt 35,1 nghìn tỷ Won, trở thành tập đoàn lớn thứ 15 toàn quốc.
Gần đây nhất, nhà sáng lập Kim đứng thứ 6 trong danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc của tạp chí Forbes với giá trị tài sản ròng 4,5 tỷ USD tính đến tháng 4/2024.
Thế nhưng vụ M&A mới đây đã khiến nhiều người không thể ngồi yên được nữa.
Động thái thâu tóm cổ phần chi phối tại SM Entertainment vào năm ngoái và giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại người sáng lập Lee Soo Man đã gây sốc cho nhiều người hâm mộ và cả các chuyên gia trong ngành.
Nhà sáng lập Lee là một nhân vật nổi tiếng trong làng K-pop nhưng đã mất quyền kiểm soát công ty do chính mình lập nên.
Các nhà chức trách cáo buộc Kim đã cố tình thổi phồng cổ phiếu của SM Entertainment để ngăn Hybe, đồng minh của ông Lee, mua lại cổ phần nhằm đảm bảo quyền kiểm soát công ty.
Không riêng gì các công tố viên, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và tài xế taxi cũng chẳng ưa gì ông chủ Kakao.
Thậm chí đích thân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đã lên tiếng, gọi dịch vụ gọi taxi của Kakao là "rất vô đạo đức" trong một cuộc họp với người dân vào năm ngoái, đồng thời cáo buộc công ty này lạm dụng ảnh hưởng thị trường của mình để tính phí cao đối với các tài xế taxi sử dụng nền tảng của mình.
Sau lời khiển trách này, các nhà chức trách đã phạt công ty con mảng vận tải của Kakao 72,4 tỷ Won vào tháng 10/2024 vì những vi phạm như buộc tài xế phải chia sẻ lộ trình của họ với công ty.
"Chúng tôi hy vọng rằng các biện pháp này sẽ tạo điều kiện cho sự cạnh tranh công bằng và đổi mới thị trường trong ngành dịch vụ nhượng quyền taxi, cho phép nhiều nhà khai thác cung cấp nhiều dịch vụ với mức giá hợp lý", người đứng đầu KFTC, ông Han Ki Jeong cho biết.
Bất ổn
Mặc dù mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua hàng loạt thương vụ M&A nhưng thu nhập của Kakao lại rất bất ổn.
Lợi nhuận hoạt động của hãng đã giảm 26% trong quý I/2024 so với quý trước đó, dù sau đó đã phục hồi 18% trong quý II/2024.
Tuy nhiên đến quý III/2024, lợi nhuận hoạt động của Kakao lại giảm 3% xuống còn 131 tỷ Won so với quý II, doanh thu giảm 4% xuống còn 1,9 nghìn tỷ Won trong cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Kakao đã giảm 34%, trong khi đối thủ Naver chỉ giảm 21% còn chỉ số Kosspi chỉ giảm bình quân 3%.
Tổng giám đốc điều hành mới Shina Chung của Kakao thậm chí đã phải lên tiếng trấn an rằng công ty sẽ tập trung vào các hoạt động cốt lõi của mình thay vì M&A tràn lan, đó là KakaoTalk và trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra hãng cũng sẽ bán một số đơn vị không cốt lõi nhằm xoa dịu dư luận. Theo đó công ty con kinh doanh trò chơi điện tử của Kakao sẽ bán bớt cổ phần trong một doanh nghiệp phát triển thiết bị công nghệ để tập trung cho mảng game.
Trong khi đó các mảng giải trí của Kakao cũng đã rút khỏi thị trường Pháp, Indonesia và Đài Loan nhằm dồn nguồn lực cho Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bất chấp điều đó, những động thái của tân CEO được cho là quá muộn màng sau nhiều năm đi sai hướng của nhà sáng lập Kim.
Nhà sáng lập Kim Beom Su là con thứ ba trong một gia đình nghèo năm anh em, có bố làm công nhân và mẹ là phục vụ khách sạn.
Năm 2010, ông thành lập Kakao Talk, ứng dụng nhắn tin hiện được hơn 90% người Hàn Quốc sử dụng. Thành công vang dội đã mở đường cho Kim mở rộng đế chế của mình sang lĩnh vực trò chơi di động, gọi xe, thanh toán trực tuyến và ngân hàng.
Ban đầu, ông Kim không muốn Kakao vị điều hành giống với kiểu chuyên quyền của các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) Hàn Quốc. Nổi tiếng với sự khiêm tốn, ông khuyến khích nhân viên tự khởi nghiệp dưới sự bảo trợ của Kakao, trao cho họ quyền tự chủ cao và cơ hội kiếm tiền thông qua các đợt chào bán công khai ban đầu tại địa phương.
Tuy nhiên chính sự nuông chiều này đã khiến Kakao dần mất kiểm soát khi bành trướng quá nhanh do cấp dưới cạnh tranh nhau để kiếm tiền.
"Kim không bao giờ tức giận với bất kỳ ai. Ông ấy trao quyền tự chủ và tự do cho cấp dưới. Tuy nhiên, việc thiếu khả năng lãnh đạo mạnh mẽ đã biến đây trở thành một cuộc chiến giữa các giám đốc điều hành để kiếm tiền", Park Yong-hu, một cố vấn không chính thức của công ty cho biết.
Giờ đây, liệu Kakao có lấy lại được ánh hào quang và sự tin tưởng ngày xưa từ người dân Hàn Quốc hay không vẫn còn là một câu hỏi.
*Nguồn: Nikkei
Nhịp sống thị trường