Sẵn anh hùng nhưng thiếu vĩ nhân
Cũng như một quốc gia, một công ty không thể tồn tại mà không có nhà lãnh đạo. Vậy nhưng, liệu những người đứng đầu các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có phải là những nhà lãnh đạo thực thụ?
Công việc của chúng tôi có liên quan đến chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo trong các doanh nghiệp. Một công việc khá thú vị, vì có điều kiện để tiếp xúc với nhiều suy nghĩ khác nhau về lãnh đạo và vai trò của lãnh đạo. Một bài tập mà chúng tôi thường xuyên cho làm trong các lớp học như vậy là: "Bạn hãy vẽ chân dung nhà lãnh đạo của mình". Kết thúc bài tập sẽ là phần học viên thuyết trình và cả lớp bình luận.
Biếm họa… buồn
Kết quả thường là cả lớp học bò ra cười vì các bức chân dung. Dường như các học viên (phần lớn đều là các nhà quản trị doanh nghiệp đã có chừng mươi, mười lăm năm, thậm chí hai mươi năm kinh nghiệm) thường vẽ chân dung nhà lãnh đạo của họ khá bi quan.
Về hình ảnh, đại khái trông các bức chân dung này từa tựa các bức biếm họa trên báo "Người cùng khổ" hay minh họa cho dòng văn học hiện thực phê phán thời Nguyễn Công Hoan.
Một chân dung tôi nhớ rõ vẽ hình nhà lãnh đạo ngồi trên một chiếc xe kéo mà càng xe thì rất dài, trong khi ông này trông khá phì nộn. Hai, ba người kéo xe trông nhỏ bé và yếu ớt.
Điều đáng nói hơn là phần thuyết trình. Hầu hết những người thuyết trình đều cố gắng gán ghép những điều hay ho cho nhà lãnh đạo của họ, nhưng hình ảnh mà chính tay họ vẽ ra thì ngược lại.Phần bình luận về các bức chân dung mới là vui nhất. Vì học viên ở các nhóm khác bắt đầu đặt tên cho các bức tranh theo kiểu: "Chết mày chưa", " Tiền ông ôm, xe mày kéo", "Tham nhũng lắm thì béo, cố gắng kéo thì gầy"…
Kết quả là tất cả đều cười vui và đồng tình là chính. Cũng có thể vì không khí của lớp mà tác giả các bức tranh quên luôn việc bảo vệ "tác phẩm" của chính mình. Phần lớn sau các bài tập như thế, các học viên đều nói với tôi: "Chắc tại em không biết vẽ. Vì sao em định vẽ tốt mà nó cứ trông xấu quá khiến các bạn bình luận đủ thứ".
Chúng tôi cũng cười, nhưng về tâm lý học mà nói, đó chính là những điều thuộc về tâm thức. Một khi anh luôn nghĩ những điều không tốt về nhà lãnh đạo thì dù có cố gắng, anh cũng chẳng có cách nào cải thiện được bức tranh mình vẽ.
Warren Bennis, bậc thầy về kỹ năng lãnh đạo của giới kinh doanh - một người Mỹ thâm trầm và sâu sắc bậc nhất mà tôi biết - đã viết nhiều sách về chủ đề này. Một cuốn nổi tiếng hàng đầu của ông là On Becoming a Leader (Trở thành nhà lãnh đạo). Theo tác giả, các nhà độc tài như Stalin, Hitler là "những kẻ làm sai lệch đi ý nghĩa thực sự của từ lãnh đạo".
Đáng nói hơn, điều mà ông trăn trở nhất là chất lượng của các nhà lãnh đạo. Viện dẫn việc tờ Time số tháng 11/1987 đặt ngay câu hỏi: "Trách nhiệm của ai" cùng với câu trả lời "Quốc gia cần những nhà lãnh đạo mà chẳng ai có mặt", Warren Bennis lưu ý rằng, nếu gõ cụm từ "thiếu sự lãnh đạo" bằng tiếng Anh trên Google vào năm 1987, bạn sẽ nhận được 27.000 kết quả. Tháng 1/2013, khi tôi làm thao tác tương tự cho ra tới 116.000 kết quả. (Nếu đánh bằng tiếng Việt tháng 1/2003 sẽ cho ra đến 610.000 kết quả, nghĩa là gấp gần 6 lần với so với ở các nước nói tiếng Anh).
Tiếp theo, một nhà khoa học tại đại học Michigan đã từng liệt kê ra 10 mối đe dọa cơ bản cho xã hội mà theo ông là nguy hiểm nhất. Chất lượng lãnh đạo là hiểm họa thứ 3, chỉ sau việc xảy ra chiến tranh, nổ bom hạt nhân (thứ 1) và nguy cơ dịch bệnh, đói kém và trì trệ toàn cầu (thứ 2).
Sự khao khát các nhà lãnh đạo tốt là điều không thể phủ nhận, vì dù thế nào chúng ta vẫn phải có họ. Một công ty cũng như một quốc gia không thể tồn tại mà không có lãnh đạo .
Nhưng đồng thời với việc khao khát có nhà lãnh đạo tốt là sự chán ghét các nhà lãnh đạo tồi tệ - những người khiến cho dân chúng hay các nhân viên thuộc quyền… phát rồ!
Ngay ngày Tổng thống Mỹ B. Obama tái thắng cử, có một phụ nữ Mỹ đã giết chết chồng mình vì cho rằng lẽ ra anh ta cần đi bầu để ông Obama không thắng cử! Cô này cho rằng, chính Obama đã làm cho gia đình cô khánh kiệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế.
Chính trực là phẩm chất số một
Trong cơn khao khát nhà lãnh đạo (tốt), người dân hay nhân viên công ty đặt niềm tin vào các nhà lãnh đạo mới. Kỳ vọng của họ lớn đến mức gây sức ép lên tất cả. Tuy nhiên, có lẽ trong các bài học về lãnh đạo trong kinh doanh, phẩm chất số một là sự chính trực. Thậm chí Peter Drucker, cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh còn nói rằng, nếu bạn không tìm thấy nhà lãnh đạo nào chính trực thì nên từ bỏ nơi mình đang làm việc. Đừng nên đi theo một nhà lãnh đạo dối trá và sai lầm, bạn sẽ rơi xuống hố cùng với họ!
Đây là điểm khó nhất mà chúng tôi phải truyền đạt cho học viên. Quan điểm này dễ dàng được học viên ở các công ty có vốn nước ngoài đồng ý. Nhưng các học viên đang làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay công ty cổ phần không dễ dàng chấp nhận. Đơn giản là nếu từ bỏ doanh nghiệp, họ chưa biết đi đâu!
Nhiều học viên còn đề nghị với chúng tôi là hãy mời lãnh đạo của họ đến học, dù chỉ là một buổi. Nhưng phần lớn các nhà lãnh đạo chẳng bao giờ đến dự lớp học của các nhà quản trị cấp trung.
Kết quả là người được truyền đạt những điều hay ý đẹp lại không phải là lãnh đạo, trong khi các nhà lãnh đạo thực sự lại cho rằng, họ đã "xuất sắc" về kỹ năng. Và những giảng viên như chúng tôi đành cung cấp một số thông tin "thích hợp cho tương lai" với lời động viên "nếu cố gắng các bạn cũng sẽ trở thành lãnh đạo".
Sau các giờ giảng này, chúng tôi hiểu rằng, để tìm ra một nhà lãnh đạo kinh doanh chính trực ở Việt Nam, theo định nghĩa của W. Bennis là "Có khả năng hiểu rõ bản thân, có sự thẳng thắn, bộc trực và sự chín chắn trưởng thành" không phải là dễ. Tất nhiên, việc này cũng chẳng hề dễ ở bất cứ đâu, nhưng có lẽ vấn đề tại Việt Nam nan giải hơn.
Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, chuyên gia về điện hạt nhân tại tiểu bang Nevada, Mỹ có một lần nói rằng, theo ông thì Việt Nam có sẵn anh hùng, nhưng thiếu vĩ nhân. Vĩ nhân là những người không chỉ vì hoàn cảnh tức thời "bỗng hiện ra như anh hùng" mà là người có khả năng thay đổi hoàn cảnh của cả một dân tộc, một tổ chức. Người như thế, chắc chúng ta vẫn còn phải đợi. Cho nên các học viên của tôi, miệng thì khen nhà lãnh đạo của họ "rất hay", nhưng tay vẽ ra toàn các chân dung "kinh dị".
Theo Nguyễn Anh Thi - Chủ tịch LBS
Diễn đàn Doanh nghiệp