Tại sao toàn gặp CEO gốc Ấn mà không bao giờ thấy CEO gốc Trung?
Bởi "tội gì phải vươn ra thế giới khi trong nước lương đang cao, thăng tiến đang nhanh?"
- 23-02-2014Vì sao đi đâu cũng thấy CEO gốc Ấn?
- 21-04-2014Khi Giáo hoàng làm ... CEO
- 11-04-2014Các bài học lãnh đạo từ tân CEO Microsoft
- 07-02-2014Vì sao chiếc ghế CEO Microsoft không dành cho Stephen Elop?
- 08-01-2014Chức CEO Microsoft 'rẻ như bèo'
- 06-11-2013Ai sẽ là CEO Microsoft?
Nội dung nổi bật:
Người Trung Quốc có mặt ở khắp nơi trên thế giới, nhưng tại sao đi đâu cũng toàn gặp CEO người Ấn chứ không phải người Hoa? Lý do như sau:
(i) Ấn Độ gần gũi về ngôn ngữ và văn hóa với phương Tây hơn.
(ii) Làm việc tại Trung Quốc lương cao, thăng tiến nhanh hơn vì thị trường đang tăng trưởng.
(iii) Trung Quốc đang khan hiếm nhân tài.
Việc tập đoàn Microsoft bổ nhiệm tân CEO người Ấn Độ Satya Nadella đã gây xôn xao sang tận Trung Quốc. Nơi đây đang rộ lên thắc mắc tại sao những vị trí sự nghiệp cao cấp nhất tại Mỹ lại thuộc về tay người Ấn Độ mà không phải là người Trung Quốc.
Làm trong nước lương cao, tiến nhanh, tội gì phải đi đâu?
Dễ thấy, sự gần gũi về ngôn ngữ cũng như với văn hóa phương Tây chính là lý do giúp những nhà điều hành như Indra Nooyi của PepsiCo, Anshu Jain của Deutsche Bank và Ajay Banga của MasterCard có được thành công ở môi trường quốc tế. Các chuyên gia săn đầu người cũng công nhận rằng người Trung Quốc không sẵn sàng rời bỏ quê hương như người Ấn Độ bởi lẽ cơ hội việc làm tốt, lương tháng cao dành cho họ tại quê nhà hãy còn rất nhiều.
Mức lương cho các vị trí quản lý cấp cao ở Trung Quốc hiện nay đang ở mức 131.000 USD/năm, ngang ngửa với Nhật Bản và cao gấp bốn lần con số 35.000 USD/năm ở Ấn Độ. Khảo sát của công ty tư vấn nhân sự Aon Hewitt cho thấy, Trung Quốc chỉ trả lương thấp hơn 1/5 mức trung bình của Mỹ.
Theo xếp hạng "Các quốc gia hàng đầu cho người nước ngoài" của HSBC, trong khi Ấn Độ vẫn bị coi là một nơi khó sống thì môi trường tại Trung Quốc đã trở nên "dễ thở" hơn. Dù phải rời khỏi Trung Quốc vì lý do ô nhiễm hay nền kinh tế đang chững lại, các nhà điều hành cũng chỉ chọn Hong Kong hoặc Singapore làm điểm dừng chân chứ không muốn vươn sang những thị trường quốc tế mới như Đông Nam Á hay Mỹ La Tinh.
"Làm thế nào để bảo một người Hoa chuyển tới Brazil trong khi đất nước anh ta đang phát triển đây? Khó đấy!", Emmanuel Hemmerle, cố vấn cấp cao công ty tìm kiếm nhà điều hành Korn Ferry, cho biết, "Thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh, cơ hội đang hiện hữu trước mắt tất cả mọi người."
Nhân tài 'giành giật' còn không đủ, đâu dư mà xuất ngoại?
Dù lượng sinh viên tốt nghiệp đại học đông đảo đến mức đáng kể với 7,3 triệu cử nhân dự kiến lấy bằng trong năm 2014, Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng khan hiếm tài năng trầm trọng. Theo báo cáo của McKinsey, số lượng ứng viên Trung Quốc phù hợp để làm việc cho công ty nước ngoài chưa đạt nổi 10% vì vốn tiếng Anh nghèo nàn và là hệ quả của hệ thống giáo dục "học" thì nhiều nhưng "hành" thì quá ít.
Giờ đây các công ty phương Tây không còn là "nguyện vọng một" của người lao động Trung Quốc nữa. Doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đang có sức hấp dẫn cao hơn với các tài năng trong nước. Những nhà điều hành tiền đồ đầy hứa hẹn nhất Trung Quốc đang được doanh nghiệp mọi ngành nghề để mắt và tranh giành nên nhiều người cảm thấy mình còn có giá hơn khi sang nước ngoài.
Suy nghĩ của họ như vậy có thể đúng bởi những tài năng sáng giá nhất ở Trung Quốc thăng tiến rất nhanh, chỉ mất 15 năm để đi lên từ thực tập lên vị trí CEO còn ở nước ngoài thì cần những 25 năm. Deloitte & Touche Overseas Services LLP nhận định: "Vì đang khan hiếm nhân tài nên Trung Quốc thường mạnh tay cất nhắc nhân viên lên những vị trí cao cấp để khỏi phải sử dụng tài năng "nhập ngoại"". Ngành công nghiệp tiêu dùng là một ví dụ, nhà điều hành Trung Quốc ở nước ngoài đôi khi lại chậm được tăng lương, thăng chức hơn.
Nhiều khi, các công ty đa quốc gia cũng muốn giữ những giám đốc điều hành người Hoa giỏi nhất ở lại vì đối với họ thị trường Trung Quốc quá quan trọng. Tuy vậy, điều ấy có thể gây ảnh hưởng lên sự nghiệp của những con người này vì họ tuy được trở thành những chuyên gia trên sân nhà nhưng lại khá lóng ngóng ở các thị trường khác. Có nhiều trường hợp các công ty đa quốc gia cũng cố gắng gửi người Trung Quốc ra nước ngoài nhưng thường bị đẩy về.
Charles Wu, một cựu nhân viên 36 tuổi tại IBM từng công tác tại Mỹ lẫn Trung Quốc, đã chứng kiến không ít người lao động nước mình tiến chân ra quốc tế để rồi một, hai năm sau lại phải quay về. Wu cho biết: "Họ nói Trung Quốc đang phát triển rất nhanh và không muốn lỡ nhịp".
Dù sao cũng không thể 'làm ngơ' thời cuộc
Nhưng quá lệ thuộc vào Trung Quốc cũng không phải là điều hay. Nguy cơ cạnh tranh đang ngày một cao do sự xuất hiện của thế hệ quản lý trẻ giỏi ngoại ngữ và có tầm nhìn mang tính quốc tế. Chưa kể các công ty tư nhân lớn ở Trung Quốc cũng ngày càng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nước ngoài cho những vị trí cao cấp. Doanh nghiệp nhà nước cũng đang toàn cầu hóa và gửi cán bộ ra nước ngoài.
Amy Yang, người Bắc Kinh, cho hay cô chưa từng hối hận khi quyết định chuyển sang Mỹ từ năm 2007 theo phân công của một nhà sản xuất hàng tiêu dùng tương đối lớn, dù trước đó cô vẫn biết nếu ở lại trong nước thì sự nghiệp sẽ nở rộ nhanh chóng.
"Nếu chỉ ở lại Trung Quốc, tôi sẽ không có cơ hội để xây dựng thương hiệu và khả năng tạo ra sự đổi mới ở cấp độ toàn cầu như bây giờ". Hiện Amy cũng đang tìm kiếm thêm cơ hội ở Mỹ hoặc châu Á, cô nhận định: "Sự nghiệp là một cuộc đua dài, không phải chặng đường chạy nước rút. Những trải nghiệm mang tính quốc tế của tôi về lâu dài sẽ mang lại thu hoạch đáng kể".
Thùy An