Thái độ quyết định tất cả
Đó là bí quyết thành công của triệu phú trẻ Singapore Adam Khoo khi nói về chủ đề "Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh" với các bạn trẻ Việt Nam.
- 18-04-2014Adam Khoo: “Đừng coi Thị trường chứng khoán là một canh bạc”
- 06-08-2012Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh – Bật mí bí quyết của Adam Khoo
- 09-01-2011Adam Khoo: "Pháp sư mưa tiền”
Theo Adam Khoo, thành công không phải là một yếu tố bẩm sinh, thành công là một quá trình nỗ lực bền bỉ. Đó là sự đeo bám mục tiêu và khao khát thực hiện ước mơ. Mặc dù tiềm năng của mỗi người là như nhau nhưng cách tư duy, thái độ ứng xử cuộc sống khác nhau đã làm cho cuộc đời mỗi người khác nhau.
Theo nghiên cứu, trong hàng triệu thông tin ghi lên não bộ hằng ngày, con người thường có thói quen lưu lại đến 95% hình ảnh, cảm xúc tiêu cực, trong đó chỉ có 5% hình ảnh tích cực.
Chính vì vậy, cùng đối diện với thất bại, nhiều người cảm thấy bất lực, thất vọng không tự tin vào bản thân, từ đó dẫn đến việc từ bỏ mục tiêu từ trong trứng nước. Những người lạc quan lại đứng ở góc độ và những phản ứng hoàn toàn khác biệt.
Thay vì những ám ảnh tồi tệ, họ tập trung vào việc rút kinh nghiệm, suy nghĩ phương hướng để làm lại một cách tốt hơn. Thậm chí, họ còn tưởng tượng ra sự thành công rực rỡ trong tương lai từ những gì đã rút ra của quá khứ.
Mỗi chúng ta nhận thức về sự việc bên ngoài rất khác nhau. Người làm chủ cuộc đời mình là người điều khiển những hình ảnh, âm thanh phát sinh trong tâm trí để quản lý trạng thái cảm xúc một cách có ý thức. Cũng là người biết mô phỏng hình ảnh của người thành công, lấy dáng vẻ, phong thái, sự tự tin áp vào bản thân sẽ đem đến những hiệu quả tích cực.
Trong công thức thành công của mình, Adam Khoo bắt đầu với khái niệm rất quen thuộc là "mục tiêu". Theo ông, sống không có mục tiêu cũng như cây cỏ không có ánh sáng để vươn tới, không có động lực để đi lên. Một nghiên cứu được Đại học Yale (Mỹ) thực hiện đối với các sinh viên tốt nghiệp vào năm 1952, khi đó chỉ có 3% sinh viên xác định được mục tiêu rõ ràng cho định hướng phát triển bản thân.
97% sinh viên còn lại vẫn mơ hồ về việc sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Gần 20 năm sau, một khảo sát nữa được Yale thực hiện với chính lứa sinh viên này. Kết quả là tổng thu nhập của 3% sinh viên có mục tiêu rõ ràng cao gấp 3 lần tổng thu nhập của 97% sinh viên còn lại. Điều này cho thấy, cùng một môi trường đào tạo, khác biệt có thể đến từ việc xác định rõ mục tiêu mình đạt được.
Từ kinh nghiệm cá nhân, Adam Khoo cũng cho rằng việc xác định rõ ràng mục tiêu sẽ định hướng cho cá nhân đó phác thảo ra được con đường và những nguồn lực bản thân cần tìm kiếm để tạo lập sự nghiệp. Khi đó, khả năng nhận biết các cơ hội tiềm năng cũng sắc bén hơn.
Tuy nhiên, đặt mục tiêu ra sao để phù hợp với bản thân, không quá nhỏ để dễ dàng đạt được cũng không quá khó làm nản lòng ngay từ những bước đầu tiên. Hãy nâng ngưỡng chấp nhận của bạn cao hơn, nâng mơ ước của bạn lên để nó trở thành mục tiêu to lớn cả đời.
Trong quá trình kinh doanh, thất bại là điều hiển nhiên các doanh nhân phải đối diện. Theo phân tích của Adam Khoo, có ba dạng thức chung khi đối diện với thất bại. Kiểu người đầu tiên là những cá nhân bỏ cuộc ngay từ lần thất bại đầu tiên. Những người này thường đổ lỗi nguyên nhân thất bại cho tất thảy mọi thứ xung quanh, trừ họ.
Lâu dần, những suy nghĩ bi quan sẽ hình thành như: tôi không có khả năng làm gì cả, tôi không thể thành công, cuộc sống quá khắc nghiệt, kinh doanh quá khó với tôi... Những suy nghĩ này ngăn cản cá nhân đó tìm ra được giải pháp để giải quyết vấn đề. Nếu không thay đổi suy nghĩ và dấn thân nhiều hơn thì tuýp người này không thể nào thành công.
Kiểu người thứ hai là những cá nhân không bao giờ bỏ cuộc khi thất bại. Họ luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi không còn đủ khả năng để tiếp tục. Vấn đề của kiểu người này chính là kiên trì thôi chưa đủ, cần phải tỉnh táo nhận ra lý do vì sao mình thất bại để sửa sai. "Nếu bạn làm mọi thứ nhiều lần cùng một cách thì chắc chắn sẽ chỉ dẫn đến cùng một kết quả”, Adam Khoo nhận xét.
Kiểu người thứ ba mà Adam Khoo đề cập đến chính là những cá nhân hội tụ được sự kiên trì và tỉnh táo khi kinh doanh. Bên cạnh niềm tin vững chắc để kiên trì theo đuổi mục tiêu thì mỗi cá nhân cần xây dựng chiến lược phù hợp cho sự nghiệp của mình.
Nếu chiến lược thất bại thì điều các doanh nhân trẻ cần làm là ngừng chỉ trích sự yếu kém của bản thân hoặc đổ lỗi cho yếu tố khách quan, hãy tỉnh táo tìm kiếm nguyên nhân thất bại để điều chỉnh một chiến lược mới tốt hơn.