MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh và doanh nghiệp: Khi cơm không lành, canh chẳng ngọt

29-11-2013 - 08:49 AM |

Những giây phút hân hoan, trải thảm đỏ chào đón nhà đầu tư dần bị thay thế bằng sự không hài lòng khi dự án triển khai không đúng tiến độ ban đầu.

Nội dung nổi bật:

- Tỉnh Hải Dương đang yêu cầu chủ đầu tư của Nhà máy BOT Nhiệt điện Hải Dương hoàn trả hơn 200 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng mà địa phương đã ứng cho công ty này. Chủ đầu tư thì đang loay hoay chưa huy động được vốn nên dự án bị chậm trễ.

- Một chuyên gia về các dự án điện BOT chua chát bình luận: đây chính là một kinh nghiệm chẳng mấy vui vẻ gì cho việc tìm hiểu năng lực tài chính của nhà đầu tư trước khi giao phát triển dự án điện BOT.

- Cũng bí vốn, dự án Nhiệt điện Kiên Lương của Tập đoàn Tân Tạo cũng chưa thể triển khai. Dự án này dự kiến chuyển đổi từ BOO sang BOT để được Chính phủ bảo lãnh vay vốn.




Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương quy mô giai đoạn 1 là 1.200 MW được khởi công xây dựng vào tháng 9/2011 đã được kỳ vọng tạo đột phá cho thu hút và giải ngân vốn FDI của Hải Dương, cũng như trong phát triển sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tỉnh đi đòi tiền doanh nghiệp

Nhà máy nói trên sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 300 ha, dự kiến quý 4/2016 tổ máy số 1 sẽ đi vào hoạt động và sẽ hoàn thành tổ máy số 2 vào quý 2/2017.

Theo kế hoạch được đưa ra, ngay sau lễ khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng, Tập đoàn JAKS Resources Berhad sẽ triển khai một loạt đầu việc để đến tháng 6/2012 hoàn tất thu xếp vốn và chính thức xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, tháng 10/2012, nhà đầu tư đã chính thức xin được lùi dự án 1 năm. Chưa dừng ở đó, theo một nguồn tin của Doanh Nhân, đến thời điểm đóng tài chính vào tháng 10/2013, nhà đầu tư lại vẫn chưa thể thu xếp tài chính cho dự án có quy mô lên tới 2,2 tỷ USD này.

Trong bối cảnh chủ đầu tư loay hoay chưa có lối ra, UBND tỉnh Hải Dương đã liên tiếp phát công văn, yêu cầu nhà đầu tư trả số tiền giải phóng mặt bằng mà địa phương đã ứng ra cho công ty này vay. Tổng số tiền phải trả không chỉ là 202,99 tỷ đồng gồm 200 tỷ đồng tiền gốc và phí, mà còn bao gồm cả phần phí quá hạn của số tiền gốc vay 200 tỷ đồng tính từ ngày 1/10/2013 theo quy định của nhà nước.

Có thể thấy, thay cho sự hân hoan đón chào nhà đầu tư trong thời gian trước khi được cấp phép, UBND tỉnh đã khá quyết liệt trong việc yêu cầu Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương khẩn trương thực hiện hoàn trả tiền cũng như hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật vì sự chậm trễ trong thanh toán.

Từ góc độ của nhà đầu tư, ông Haris F Abdullah, Trưởng đại diện của Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương, lý giải: sự chậm trễ trong thu xếp tài chính có liên quan đến việc mời thêm đối tác là Công ty Điện lực Wuhan Kaidi (Trung Quốc) tham gia dự án. Theo dự tính, công ty này sẽ tham gia thu xếp khoản vốn vay cho dự án tại 5 ngân hàng của Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay đối tác mới vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc trong thương vụ đầu tư này.

Có thể thấy gì từ câu chuyện của dự án FDI từng được xếp loại lớn nhất của tỉnh Hải Dương này? Một chuyên gia về các dự án điện BOT chua chát bình luận: đây chính là một kinh nghiệm chẳng mấy vui vẻ gì cho việc tìm hiểu năng lực tài chính của nhà đầu tư trước khi giao phát triển dự án điện BOT.

Và doanh nghiệp đòi kiện tỉnh ra tòa

Cũng trở nên căng thẳng với chính quyền địa phương khi dự án mới chỉ đi được những bước ban đầu còn phải kể tới dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1. Được chỉ định phát triển dự án với quy mô 1.200 MW tại Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương, con đường mà Tập đoàn Tân Tạo (ITA) chọn là hình thức BOO.

Ngay ở thời điểm năm 2009, dù ITA không ngừng thông tin cập nhật về khả năng đầu tư của mình, thì không ít chuyên gia vẫn đặt vấn đề về năng lực thực sự của chủ đầu tư này.

Sự e ngại là có cơ sở khi trước đó ITA chưa hề đầu tư một dự án điện nào, không sở hữu hay có quyền khai thác một mỏ than nào ở trong và ngoài nước, để có thể cung cấp tới 15 triệu tấn than/năm cho cả trung tâm với giá bán điện hợp lý. Chưa kể quy mô đầu tư cho dự án mà ITA đưa ra cũng cao hơn so với suất đầu tư một nhà máy nhiệt điện than thông thường khi đó.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất để triển khai dự án nhiệt điện Kiên Lương chính là việc thu xếp vốn. Với mô hình BOO, nghĩa là không có chuyển giao dự án lại cho Nhà nước Việt Nam sau khoảng 20 năm vận hành như các dự án điện BOT khác, nhưng chủ đầu tư vẫn muốn được Chính phủ bảo lãnh các nghĩa vụ của mình để xây dựng và vận hành nhà máy.

Không có bảo lãnh của Chính phủ ở mức độ tốt thì việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng bằng năng lực hiện có của chủ đầu tư cũng khó lòng thực hiện được ở quy mô quá lớn để dự án có thể triển khai.

3 năm dự án không có tiến triển cũng khiến chính quyền địa phương giảm hứng thú với chủ đầu tư. Việc xem xét rút giấy phép dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 và dự án Cảng nước sâu Nam Du (phục vụ cho việc nhập khẩu than của Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương) đều do ITA là chủ đầu tư cũng đã được tỉnh Kiên Giang nhắc tới gần đây sau hàng loạt cuộc làm việc với cơ quan chức năng.

Không bằng lòng với thực tế này, chủ đầu tư nhanh chóng đáp trả khi cho biết, sẽ kiện ra tòa án về những tuyên bố của những quan chức địa phương khi phát ngôn việc doanh nghiệp không thu xếp được vốn.

Còn ở thời điểm này, nguồn tin của Doanh Nhân cho hay, Bộ Công Thương vừa có văn bản chính thức gửi tới Tập đoàn Tân Tạo, thông báo rõ về việc sẽ không có bảo lãnh của Chính phủ nếu dự án đầu tư theo hình thức BOO.

Trường hợp nhà đầu tư chuyển sang đầu tư theo hình thức BOT thì thực hiện theo các quy định hiện hành của Nghị định 108/2009/NĐ-CP. Thời hạn được đặt ra để chủ đầu tư trả lời với Bộ Công Thương về quyết định của mình là ngày 31/12/2013.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang trong cuộc trả lời báo chí cách đây 1 tháng đã cho hay, trong những năm vừa qua, Tân Tạo cũng đã đầu tư vào dự án này một khoản tiền lớn để làm công tác chuẩn bị (khoảng 240 triệu USD theo con số báo cáo của ITA – PV). Vậy nên, khi tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ trình Chính phủ việc thu hồi dự án điện thì Bộ cũng muốn tạo thêm một cơ hội cho nhà đầu tư.

Nếu chuyển sang hình thức BOT, chắc chắn nhà đầu tư sẽ mất rất nhiều thời gian để đàm phán. Được biết, các dự án BOT đã và đang triển khai không có dự án nào hoàn tất đàm phán để được trao giấy phép đầu tư và ký hợp đồng BOT trước 3 năm, chưa kể sẽ mất thêm ít nhất 1 năm để đóng tài chính và 4 năm để xây dựng nhà máy.

Như vậy, tiến độ đặt ra để đưa tổ máy 1 của Kiên Lương 1 vận hành vào năm 2018 trong tổng sơ đồ điện 7 rõ ràng là bất khả thi.

Theo Kiến Giang

duchai

Doanh nhân

Trở lên trên